P.V: Xin đồng chí cho biết công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua được triển khai như thế nào?
Đ/c Nguyễn Thị Hường: Trong những năm gần đây, công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh ta đã được triển khai rất tích cực với nhiều giải pháp đồng bộ. UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình VSATTP cho giai đoạn 2006 - 2010. Đây là căn cứ quan trọng để ngành Y tế tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác đảm bảo VSATTP theo từng lộ trình để đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, việc Chi cục ATVSTP tỉnh được thành lập từ tháng 3-2009 là mốc quan trọng trong việc tăng cường và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng VSATTP.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú như: đăng nhiều tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát băng zôn, áp phích, tờ rơi… để giáo dục nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Chi cục thường xuyên phối kết hợp với Trung tâm Y tế dự phòng, Phòng Y tế, Trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, giám sát VSATTP trên địa bàn. Lấy mẫu xét nghiệm để phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Công tác tập huấn nâng cao kiến thức cho các thành viên Ban chỉ đạo, cán bộ Y tế, các đoàn thể, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh… trên địa bàn được quan tâm. Năm 2009 Chi cục đã tổ chức được 31 lớp tập huấn. Công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP và công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định. Chi cục cũng tăng cường công tác hậu kiểm chất lượng sản phẩm sau công bố để kịp thời phát hiện các sản phẩm không đảm bảo chất lượng sau khi đã công bố tiêu chuẩn chất lượng.
Từ những hoạt động tích cực như trên, đã giúp cho việc cải thiện tình hình VSATTP trên địa bàn, giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Tuy nhiên bên cạnh các kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều những khó khăn, thách thức trong công tác bảo đảm ATVSTP, đó là: Hệ thống tổ chức quản lý chưa thống nhất, chưa đủ mạnh; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý trong giai đoạn mới. Đặc biệt, Chi cục chưa có thanh tra chuyên ngành, nhân lực làm công tác VSATTP còn thiếu tại tất cả các tuyến, năng lực kiểm nghiệm còn yếu kém cả về trình độ chuyên môn và trang thiết bị. Nhận thức về những tác hại gây ra từ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh của nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm còn hạn chế. Để thực hiện tốt công tác VSATTP thời gian tới, cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành cũng như nâng cao ý thức của mỗi người dân và cộng đồng xã hội.
P.V: Nhiều người vẫn nghi ngại đối với những cơ sở, cá nhân kinh doanh, chế biến thực phẩm có vi phạm nhưng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe, giáo dục. ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?
Đ/c Nguyễn Thị Hường: Trên thực tế, trong quá trình thanh, kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện những cơ sở, cá nhân kinh doanh, chế biến thực phẩm có vi phạm các quy định về VSATTP. Việc xử phạt vi phạm hành chính về VSATTP chủ yếu chúng tôi áp dụng theo Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 6-4-2005 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, hiện nay nhiều quy định về hành vi và mức phạt trong Nghị định 45 còn thiếu và không phù hợp. Nhiều mức xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ mạnh để răn đe, giáo dục như các lỗi vi phạm "nơi bày bán thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay mà không có tủ kính che đậy, bao gói không hợp vệ sinh", "kinh doanh thực phẩm mà không có đủ nguồn nước sạch"... mà mức phạt chỉ từ cảnh cáo đến phạt từ 100.000 - 300.000 đồng. Do vậy, nhiều cơ sở vi phạm đã bị xử phạt nhưng tiếp tục tái phạm vì mức phạt quá thấp. Bên cạnh đó, lại có mức xử phạt quá cao như lỗi "không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP" mức phạt từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng. Đối với mức phạt này áp dụng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ thì rất khó xử lý. Trong khi ở tỉnh ta phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình. Hiện nay, Bộ Y tế đang trình Chính phủ xin sửa đổi Nghị định 45 cho phù hợp với thực tế.
P.V: Xin đồng chí cho biết về công tác đảm bảo ATVSTP dịp Tết sẽ được triển khai như thế nào?
Đ/c Nguyễn Thị Hường: Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng thực phẩm được nhân dân tiêu thụ với số lượng rất lớn. Do vậy, hàng nội địa, hàng ngoại nhập rất phong phú, đa dạng, bên cạnh các mặt hàng thực phẩm đảm bảo chất lượng thì cũng có nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mà nhiều khi người tiêu dùng khó có thể phân biệt được. Để đảm bảo VSATTP, góp phần cùng nhân dân đón Tết vui vẻ, an toàn, ngành Y tế phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động, trong đó tập trung vào công tác thanh, kiểm tra, cụ thể là tổ chức đoàn thanh tra liên ngành về VSATTP ở tất cả các cấp (tỉnh, huyện, xã) thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết như: rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, giò, chả, bánh chưng..., phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về VSATTP nhằm ngăn chặn kịp thời các sản phẩm thực phẩm không an toàn đến người tiêu dùng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về VSATTP, cách lựa chọn thực phẩm, thông báo rộng rãi, kịp thời các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm, các mặt hàng thực phẩm không đảm bảo chất lượng để mọi người dân được biết và phòng tránh.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Bùi Diệu (Thực hiện)