P.V: Thưa ông, niềm tự hào lớn nhất trong gia đình ông hiện nay là gì?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Có thể nói, niềm tự hào lớn nhất đối với vợ chồng tôi chính là sự khôn lớn, trưởng thành của các con. Vợ chồng tôi sinh được 2 người con gái. Đã có thời nhiều người chê là "không biết đẻ", rồi áp lực của hai bên nội, ngoại đều muốn có cháu trai... Thế nhưng chúng tôi luôn tâm niệm: "Trai mà chi, gái mà chi, sinh con có nghĩa, có nghì vẫn hơn". Hiện nay, các con tôi đều đã trưởng thành và đã có gia đình riêng. Con gái lớn đang là giáo viên cùng trường với mẹ (THCS Quang Trung), con gái út là cán bộ kế toán Công ty lương thực Hà Nam. Còn hai cậu con rể thì một người là sĩ quan quân đội, một người là cán bộ ngành bảo hiểm. Tôi đã có một cháu ngoại (cũng là con gái), cháu rất ngoan và đáng yêu.
P.V: Ông có thể chia sẻ những bí quyết để có một gia đình hạnh phúc và những người con thành đạt?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Trong cách nuôi dạy con, vợ chồng tôi đã dạy các con phải có tính tự lập, biết trân trọng những gì mình đang có và phải biết đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Từ nhỏ, cuộc sống của các cháu có nhiều khó khăn bởi bố mẹ cũng chẳng dư giả gì. Vì thế chúng ý thức được phải biết tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt. Trong cuộc sống, chúng tôi luôn dạy bảo các cháu cách cư xử với những người trong gia đình và trong xã hội... phải đúng mực. Định hướng là việc làm cần thiết nhưng vợ chồng tôi luôn tôn trọng ý kiến của các con. Ví như, đứng trước mỗi ngã rẽ cuộc đời của các con (việc lựa chọn ngành nghề, việc kết hôn...), chúng tôi đã phân tích đúng - sai, thiệt - hơn, đâu là cái phù hợp, cái không phù hợp..., còn quyền quyết định là của chúng. Có không ít bậc phụ huynh khi chuẩn bị dựng vợ gả chồng cho con, điều đầu tiên họ nghĩ đến là một công việc, một cái nhà, sau đó là một lễ cưới trang trọng và lịch sự. Nhưng tôi lại nghĩ khác, cái cần nhất là chúng phải thực sự yêu nhau, hiểu tường tận về tính cách cũng như gia cảnh của nhau để tránh những thất vọng trong cuộc sống sau này...
Từng là một người lính (nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Trường Quân sự Binh đoàn Quyết thắng), trong chiến tranh, tôi từng tham gia các chiến trường ác liệt, hòa bình lập lại, tôi cũng luôn phải xa nhà, ít có điều kiện chăm sóc vợ con. Sự cảm thông, chia sẻ và tin tưởng ở nhau chính là "chất keo" gắn bó tình cảm vợ chồng tôi suốt mấy chục năm qua. Sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau đã đem lại một không khí chan hòa, êm ái cho gia đình. Khi tôi nghỉ hưu (năm 2002), tôi đã có nhiều thời gian giúp vợ làm việc nhà hơn, tôi mới hiểu rằng, chuyện nhà không phải là chuyện nhỏ. Nếu các ông chồng chỉ biết lo kiếm tiền mà không ghé vai gánh việc nhà cho vợ thì quả là quá thiệt thòi cho phụ nữ. Không nhất thiết người phụ nữ phải hy sinh tất cả vì chồng con, họ cũng phải biết sống cho bản thân nữa chứ. Vả lại nếu các bà vợ chỉ biết tối mày, tối mặt chăm lo cho chồng con thì chính các bà đã biến chúng tôi thành kẻ ích kỷ. Chính vì thế, cả hai nên thường xuyên có sự trao đổi, chia sẻ buồn, vui, sướng, khổ trong công việc (kể cả việc nhà) để có thể tránh những hiểu lầm rạn nứt tình cảm.
P.V: Đã qua lâu rồi cái thời chỉ cần "một túp lều tranh hai trái tim vàng" là có thể xây dựng gia đình hạnh phúc. Ngày nay, người ta coi cơ sở vật chất là một trong những điều kiện cần để kết hôn. Nhưng, ngay cả khi "túp lều tranh" đã được thay thế bằng một căn nhà đầy đủ tiện nghi, và vẫn là "hai trái tim vàng", liệu đã chắc hạnh phúc sẽ được duy trì?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Đúng vậy. Có một điều rất dễ nhận thấy là ngày càng có nhiều tác nhân thời kinh tế thị trường phá vỡ dần những giá trị của gia đình truyền thống. Khi tiền bạc là thước đo nhiều giá trị thì thang giá trị trong gia đình cũng bị thay đổi. Và chính nền kinh tế thị trường với nhiều biến động đã tạo nên những cái nhìn mới, quan niệm mới trong lối sống, làm thay đổi quan niệm về hạnh phúc gia đình dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng. Tôi nghĩ, để có thể thành công trong sự nghiệp, người ta phải mất nhiều thời gian để học nghề, rèn luyện kỹ năng. Vậy, để thành công trong hôn nhân, cũng cần lắm sự đầu tư, trang bị những kiến thức về tâm, sinh lý, kỹ năng quan hệ gia đình.
Trong xã hội hiện đại, sự bình đẳng giữa nam và nữ về mọi mặt càng được nhìn nhận rõ hơn, giá trị của tình yêu cũng được khẳng định như một điều kiện "cần" trong mỗi gia đình. Tình yêu cao quý có thể giúp con người có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, trở ngại và cả những bất hạnh trong cuộc sống. Đi tìm hạnh phúc không phải là vấn đề khó hay dễ, mà ở việc cả hai người có cùng nhìn về một hướng, có mong muốn cùng nhau xây đắp tổ ấm gia đình hay không. Quả thật, nhen lên ngọn lửa thì dễ, nhưng giữ cho nó luôn cháy và nồng ấm thì không đơn giản chút nào. Do vậy, vợ chồng cần có sự thông cảm, sẻ chia để luôn có trạng thái cân bằng, hóa giải những căng thẳng, mâu thuẫn hoặc xung đột có thể xảy ra giữa hai người.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện, chúc ông cùng gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc!
Mai Lan (Thực hiện)