Mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi hiện đang kinh doanh trên thị trường Ninh Bình khá phong phú và đa dạng. Bao gồm các mặt hàng sữa được sản xuất trong nước và nhập khẩu như các sản phẩm của Công ty cổ phần sữa Việt Nam, Công ty Friesland Capinan Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH MeadJonhson Nutrition Việt Nam, Công ty TNHH dinh dưỡng 3A Việt Nam, sữa XO được nhập khẩu bởi Công ty TNHH Nam Dương… Trên địa bàn tỉnh không có đơn vị nào trực tiếp sản xuất, nhập khẩu, phân phối có quyền tự định giá đối với sản phẩm, chỉ có các doanh nghiệp ký hợp đồng làm đại lý cấp 1 với nhà sản xuất và nhập khẩu, do đó chỉ bán theo giá nhà sản xuất, nhà nhập khẩu quy định và có trách nhiệm thông báo giá với Sở Tài chính. Sau khi Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20-5-2014 quy định giá bán buôn tối đa đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó kể từ 1-6-2014 một số sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã có sự giảm giá so với trước đây, mức giảm trung bình từ 30.000 đồng-100.000 đồng/hộp, đặc biệt có sản phẩm giảm mạnh gần 200 nghìn đồng/hộp như sản phẩm Enfagrow A+3 Vanilla 1,8kg, giá cũ là 850.000 đồng, giá bán lẻ tối đa hiện nay là 647.000 đồng/hộp.
Tuy nhiên, sau khi 25 mặt hàng sữa nói trên bị áp giá trần, một số nhà sản xuất đã tạm dừng phân phối, hoặc phân phối với số lượng nhỏ sản phẩm đã bị áp giá (như Công ty TNHH Mead Jonhson Nutrition Việt Nam). Đồng thời đưa ra thị trường sản phẩm mới và đăng ký với Cục quản lý giá với giá cao hơn sản phẩm cũ như: Sản phẩm Enfamil A+1 (400g) giá bán buôn tối đa là 187.000 đồng/hộp, Enfamil A+1 (900g) giá bán buôn tối đa là 381.000 đồng/hộp. Công ty Mead Jonhson đã đưa ra 2 sản phẩm mới tương đương với giá cao hơn: Enfamil A+1 360o Brain Plus 400g giá bán buôn tối đa là 225.600 đồng/hộp, Enfamil A+1 360o Brain Plus 900g giá bán buôn tối đa là 468.000 đồng/hộp.
Nhiều nhà sản xuất cũng đã đưa ra các sản phẩm với quy cách đóng gói khác với sản phẩm cũ, như thay thế hộp thiếc bằng hộp giấy, khối lượng nhỏ hơn nhưng giá thấp hơn không đáng kể so với sản phẩm cũ. Đại diện một doanh nghiệp phân phối sữa trên đường Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình) cho biết: "Mặc dù có thông báo về việc giảm giá sữa trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng hầu hết các hãng sữa đều không giảm giá, hoặc giảm rất ít và sau một thời gian giảm sẽ là đợt tăng giá với giải thích từ phía nhà sản xuất là tăng một số thành phần hoặc nguyên liệu tăng…".
Bên cạnh đó, các sản phẩm sữa bán lẻ không có sự đồng nhất về giá trên thị trường. Qua khảo sát cho thấy có những sản phẩm chênh 30.000-40.000 đồng/sản phẩm tại các cửa hàng khác nhau như: Grow Plus, Physiolac... Chị Nguyễn Thị Nhâm, nhân viên phân phối sữa dành cho trẻ em trên địa bàn Ninh Bình cho biết: Các hãng sữa triết khấu phần trăm cho các cửa hàng bán lẻ, các cửa hàng trên cơ sở giá của nhà phân phối và nhu cầu của người tiêu dùng mà bán với giá khác nhau có thể chênh lệch đến vài chục nghìn/hộp.
Để kiểm soát thị trường và chống gian lận thương mại trong kinh doanh, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa trên địa bàn, đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về bình ổn giá; hành vi không chấp hành đúng giá do cơ quan có thẩm quyền quy định, hành vi gian lận đối với giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Ông Trương Ngọc Hải, Phó phòng nghiệp vụ tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường cho biết: Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 18 cơ sở kinh doanh các mặt hàng sữa, trong đó tập trung kiểm tra chủ yếu các đại lý cấp 1. Kết quả kiểm tra cho thấy các cơ sở kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn nhìn chung đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật, thực hiện đúng các quy định về giá, bán đúng giá hoặc thấp hơn so với giá của nhà sản xuất và phân phối đã đăng ký với Cục Quản lý giá...
Để công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường sữa dành cho trẻ em được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, ông Giám đốc Chi cục Quản lý thị trường kiến nghị: Bộ Tài chính cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào khi các doanh nghiệp đăng ký giá đối với sản phẩm sữa để áp dụng giá phù hợp. Có biện pháp quản lý chặt chẽ khi các doanh nghiệp có thay đổi về mẫu mã, trọng lượng và bao bì sản phẩm để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng là trẻ em được dùng các sản phẩm có chất lượng và giá cả hợp lý. Tránh việc các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu mặt hàng sữa lợi dụng kẽ hở của pháp luật để nâng giá, ép giá bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế, Bộ Công thương cần có văn bản cụ thể quy định rõ ràng giữa sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi để tránh các doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi để không thuộc danh mục bình ổn giá.
Bài, ảnh: Bảo Yến