Bát nháo thị trường xe điện Trên trục đường Vân Giang, nơi tập trung đông nhất các cửa hàng bán xe đạp, xe máy điện. Tuy không còn được nở rộ như 3 năm về trước nhưng tất cả các cửa hàng kinh doanh xe đạp, xe máy ở đây đều có ít nhất 5-7 chiếc xe đạp xe máy điện. Mấy năm trước, xe điện trên thị trường Ninh Bình chỉ có vài thương hiệu như HK bike, Yamaha, Honda thì nay có tới hàng chục thương hiệu chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.
Một số hãng xe nội cũng bắt đầu nghiên cứu sản xuất nhưng chưa tạo dựng được thương hiệu trên thị trường. Kiểu dáng xe điện cũng rất đa dạng, phong phú, các nhà sản xuất cũng đáp ứng nhu cầu của giới trẻ với nhiều hình thức như dáng khỏe khoắn, thể thao cho nam và nhẹ nhàng, điệu đà cho nữ. Nhiều chiếc xe máy điện được thiết kế giống hệt chiếc xe Vespa, Zip... của Piago cả về hình thức lẫn logo...
Theo thống kê chưa đầy đủ thì trên thị trường Ninh Bình có khoảng gần 2 chục cửa hàng bán xe đạp, xe máy điện, nhiều cửa hàng kinh doanh các đại lý xe máy lớn cũng tham gia vào thị trường này. Mặc dù không còn nở rộ như mấy năm trước nhưng nhiều chủ cửa hàng cho biết sức tiêu thụ vẫn còn khá lớn, đặc biệt là vào dịp đầu năm học. Bà Đặng Thị Tấm chủ cửa hàng xe đạp Lợi Tấm, đường Vân Giang nói: "Xe đạp điện, xe máy điện hiện là phương tiện đi lại của học sinh cấp 2 trở lên, thậm chí nhiều gia đình còn sở hữu 1-2 chiếc để đi lại trong thành phố".
Không chỉ phong phú về mẫu mã, chủng loại mà giá cả cũng đa dạng đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Bà Tấm cũng cho hay "giá cả tùy thuộc vào các hãng xe và kiểu dáng, chỉ cần từ 5 triệu đồng đã có thể mua được xe đạp hoặc xe máy điện. Loại tốt, cao cấp hơn có thể lên đến vài chục triệu, đắt nhất hiện nay là dòng xe máy điện của Vinfast với hơn 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây là chất lượng xe điện trên thị trường chưa được quan tâm đúng mức. Có mặt tại một cơ sở chuyên sửa chữa xe máy trên đường Lê Đại Hành, chủ cửa hàng cho biết: Trung bình một tháng, tôi sửa 50 chiếc xe đạp điện, xe máy điện bị hỏng. Xe chủ yếu bị hỏng bình ắc quy, tay ga hoặc lỗi IC. Nguyên nhân chủ yếu do mua phải hàng không bảo đảm chất lượng hoặc sử dụng, bảo quản xe không đúng cách".
Đại diện cửa hàng xe đạp, xe máy điện Hoàng Phương, thành phố Ninh Bình cho biết: Rất nhiều các cửa hàng nhập xe điện không rõ nguồn gốc xuất xứ, xe của các hãng nổi tiếng khi bán cũng đã bị thay thế linh kiện, nhất là ắc quy, bộ cơ điện, bộ điều khiển... nên chất lượng xe giảm. Chính vì thế người tiêu dùng nếu không tìm hiểu kỹ hoặc không đến những cửa hàng xe uy tín thì dù mua xe nhiều tiền cũng chưa chắc mua được xe tốt thực sự.
Khó quản lý
Theo quy định, dù xe nhập khẩu nguyên chiếc hay xe sản xuất, lắp ráp trong nước phải có dán tem hợp quy tiêu chuẩn Việt Nam do Cục đăng kiểm Việt Nam kiểm định cấp và được dán cho từng xe tại vị trí trên khung bên phải, nhưng khi khảo sát tại nhiều cửa hàng bán xe điện trên thị trường Ninh Bình hầu như không thấy chiếc xe nào có tem hợp quy dán theo quy định.
Thậm chí, có những cửa hàng không có chiếc nào đăng ký, dán tem hợp quy và không xuất hóa đơn, chứng từ lắp ráp. Khi mua xe điện, thứ duy nhất khách hàng được nhận là phiếu mua hàng và một quyển sổ bảo hành xe do cửa hàng cung cấp.
Một vấn đề nan giải hiện nay là người tiêu dùng khi chọn mua xe điện chỉ quan tâm đến mẫu mã, giá cả chứ ít ai quan tâm đến tem hợp quy, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đây là một trong những nguyên nhân xe điện dù không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn có đất sống, thậm chí sống khỏe.
Tại một cửa hàng trên đường Vân Giang, khi Đoàn công tác 389 của tỉnh kiểm tra các mặt hàng xe đạp, xe máy điện thì người bán hàng không xuất trình được các giấy tờ, hóa đơn chứng minh xuất xứ hàng hóa, trên các loại xe không có tem hợp quy, một số xe có hóa đơn thì từ năm 2014.
Chủ cửa hàng giải thích: Chúng tôi không chuyên bán xe đạp, xe máy điện, chỉ nhập vài ba chiếc nên nhà phân phối không có hóa đơn. Cũng tại cửa hàng đó không chiếc xe nào có dán tem hợp quy để chứng minh chất lượng sản phẩm.
Theo các cơ quan chức năng, hiện trên thị trường xuất hiện khá nhiều xe đạp điện, xe máy điện bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng hoặc bị thay thế phụ tùng mà người mua khó có thể nhận biết được. Các doanh nghiệp trong nước nhập phụ kiện, linh kiện chủ yếu của Trung Quốc rồi lắp ráp, phân phối, trà trộn thay tên đổi họ và dán nhãn mác hàng cao cấp như: made in Japan, made in Korea
Ông Đinh Xuân Đoàn, Phó phòng nghiệp vụ, Cục Quản lý thị trường, đại diện đoàn kiểm tra 389 của tỉnh cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh (Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) về kiểm tra một số mặt hàng phục vụ cho năm học mới, đoàn đã tiến hành kiểm tra đồng loạt các cửa hàng kinh doanh mặt hàng xe đạp, xe điện trên địa bàn tỉnh.
Qua 5 ngày đầu kiểm tra đã xử phạt 5/5 cơ sở kinh doanh xe đạp, xe máy điện với các hành vi vi phạm về gắn nhãn mác hàng hóa, không xuất trình được hóa đơn chứng từ theo quy định, không dán tem hợp quy TCVN, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt đối với xe nhập khẩu... Qua kiểm tra đoàn đã lập biên bản và xử phạt nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh và yêu cầu ngừng lưu thông đối với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Để bảo vệ quyền lợi của người dùng, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, mỗi người tiêu dùng hãy cẩn trọng hơn khi lựa chọn hàng hóa tránh dễ dãi, thiếu hiểu biết để gian thương có cơ hội tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm