Những thông tin trên được TS Vũ Thị Bạch Nga đưa ra tại buổi Tọa đàm khoa học mang tên "Dinh dưỡng và vấn đề sức khỏe cho trẻ do Công ty truyền thông Bizlink Media phối hợp với Website www.dinhduong.com.vn tổ chức dưới sự chủ trì của Ban Bảo vệ Người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương và sự bảo trợ của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bệnh viện Nhi TƯ, ĐH Dược Hà Nội cùng CLB Người tiêu dùng Nữ - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam.
Cuộc tọa đàm cũng nhằm theo sát chủ đề của Tổ chức Quốc tế Người tiêu dùng nêu ra cho năm nay là dinh dưỡng với trẻ em, trong đó hai vấn đề chính là suy dinh dưỡng và béo phì.
Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thống kê năm 2009, ở Việt Nam cứ 100 em học sinh thì trung bình có 10,7 em béo phì, còn số bị suy dinh dưỡng là 9,3 em. Bản thân béo phì cũng là một dạng suy dinh dưỡng thể phì. Nguyên nhân của tình trạng này là do chế độ ăn uống thiên lệch, thiếu cân bằng. Trẻ mắc suy dinh dưỡng hoặc béo phì khi lớn lên có nhiều nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, huyết áp và một số bệnh ung thư hơn trẻ bình thường. Do đó, các phụ huynh cần quan tâm đến việc giải quyết sớm tình trạng biếng ăn ở trẻ em - nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy dinh dưỡng lúc nhỏ và có thể gây béo phì lúc lớn.
Một giải pháp khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ nhỏ được TS Nguyễn Văn Rư, Chủ nhiệm Bộ môn Sinh hóa ĐH Dược Hà Nội đưa ra là việc sử dụng enzyme tiêu hóa cho trẻ biếng ăn. Theo TS Dư, enzym tiêu hóa gồm 3 nhóm: Amylase, Protease, Lipase có vai trò là chất xúc tác sinh học cho hầu hết phản ứng chuyển hóa thức ăn thành chất hữu ích cho hoạt động sống của cơ thể. Enzym còn có ý nghĩa bảo đảm cho sự trao đổi chất thường xuyên giữa cơ thể và môi trường bên ngoài để duy trì, tồn tại và phát triển cơ thể. Hỗn hợp enzym tiêu hóa giúp phân rã, tiêu hóa hết lượng thức ăn trong bụng trẻ, làm trống ống tiêu hóa, tạo cho trẻ cảm giác nhanh đói, thèm ăn...
Đồng tình với quan điểm này, ThS, BS chuyên khoa Nhi Phạm Thu Hiền, BV Nhi TƯ chỉ ra rằng thiếu chất, và đặc biệt là thiếu enzym cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ không tăng trưởng thể chất. Theo BS Hiền, có những sai lầm về phương pháp nuôi dưỡng như: Cai sữa sớm, ăn sam quá sớm hoặc quá muộn; Uống nước cháo, nước đường khi thiếu sữa; Ăn sam bằng bột mắm muối, mì chính, không tô màu cho bát bột; Sau khi cai sữa ăn bổ xung không đủ lượng, không đủ đạm, mỡ, vitamin, muối khoáng... và kèm theo các tập quán ăn uống kiêng khem khi trẻ bị bệnh. Lời khuyên của BS Hiền với người tiêu dùng là cần theo dõi tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng, chiều cao thì cha mẹ sẽ phát hiện sớm suy dinh dưỡng hoặc thừa cân, béo phì của trẻ để xử trí kịp thời.
Cuộc sống bận rộn thường ngày thường khiến những ông bố, bà mẹ ít có thời gian chuẩn bị cho con mình những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng. Trong khi dinh dưỡng và VSATTP vẫn còn là vấn đề nan giải thì việc sử dụng thức ăn đường phố, các quán vỉa hè lại không bảo đảm vệ sinh cũng như dinh dưỡng cho trẻ. Việc lựa chọn thực phẩm đóng gói, đồ hộp chế biến sẵn liệu có phải là giải pháp đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cũng như sức khỏe cho trẻ được nhiều chuyên gia đề cập đến.
Theo TS Bạch Nga, những thông tin dinh dưỡng do các DN quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay cần được quản lý chặt chẽ hơn bởi giữa ngôn ngữ quảng cáo và thực tế sử dụng là một khoảng cách khá xa và đôi khi khiến cho người tiêu dùng nhầm lẫn. Đó có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng thắc mắc là con em mình đã ăn rất nhiều xong vẫn không lớn.
TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, người tiêu dùng khôn ngoan khi lựa chọn thực phẩm phải biết quan tâm tới các nhóm sản phẩm đã được các cơ quan có uy tín triển khai các đánh giá về hiệu quả, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành trên thị trường. Đặc biệt với các thực phẩm chức năng, chỉ có tác dụng khi sử dụng lâu dài, trong một thời gian nhất định chứ không phải có tác dụng nhanh chóng như thuốc trị bệnh.
Đại diện người tiêu dùng, bà Quỳnh Chi, Chủ tịch CLB Người tiêu dùng nữ Vinatas cho biết, cần có chế tài xử phạt nghiêm minh tới những quảng cáo sai lệch về dinh dưỡng cũng như VSATTP.
Theo HNMO