Thách thức của cán bộ "2 trong 1"
Đó là tên gọi mà nhiều người vẫn dành cho cán bộ CĐCS ở các doanh nghiệp bởi thực tế họ luôn giữ 2 vai trò vừa làm cán bộ chuyên môn, vừa làm công tác công đoàn. Ông Phùng Minh Chung, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Việc luôn phải cố gắng hoàn thành cùng lúc nhiều nhiệm vụ đủ thấy được sự nhiệt tình, trách nhiệm, năng động của các cán bộ CĐCS trong quá trình làm việc của mình. Tuy nhiên thực tế đó cũng đặt ra cho họ rất nhiều thách thức, khó khăn đối với việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động,...
Thách thức mà ông Phùng Minh Chung nhắc đến xuất phát từ thực tế cán bộ công đoàn đã và đang còn phụ thuộc rất nhiều vào chủ doanh nghiệp về việc làm và thu nhập (do chủ doanh nghiệp trả lương). Điều đó có lẽ đã trở thành một trong những rào cản lớn trong rất nhiều trường hợp mà cán bộ công đoàn cần có sự quyết liệt, mạnh mẽ đấu tranh với chủ doanh nghiệp để bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của người lao động vì sợ bị chuyển công tác khác hoặc thậm chí là mất việc làm. Cùng với đó, thực tế này cũng gây không ít hoài nghi đối với người lao động bởi họ cho rằng cán bộ công đoàn "ăn cây nào rào cây ấy"…
Không những thế, việc phải hoạt động kiêm nhiệm cũng đang là khó khăn lớn đối với cán bộ công đoàn. Mặc dù hiện nay đã là một trong 3 cán bộ công đoàn chuyên trách với hơn 10 năm kinh nghiệm nhưng anh Cao Văn Tiến Trang, Chủ tịch CĐCS Công ty may NienHsing vẫn không quên những ngày đầu làm quen với công việc này: Xuất phát điểm khi tôi bước chân vào doanh nghiệp không phải để làm cán bộ công đoàn mà làm ở một phân xưởng sản xuất. Sau này do yêu cầu công việc và sự tạo điều kiện của công đoàn cấp trên tôi mới được chuyển hẳn sang làm cán bộ công đoàn chuyên trách. Nhưng khoảng thời gian còn làm kiêm nhiệm thì thực sự rất vất vả do thiếu thời gian, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm liên quan đến công tác công đoàn. Lúc đó với tuổi đời còn rất trẻ, để có thể tập hợp, tuyên truyền, vận động công nhân chấp hành pháp luật về lao động…, anh Trang đã phải rất kiên trì, tự học tập, tham khảo các loại tài liệu vì hầu như chẳng có một lớp tập huấn nào liên quan.
Nhưng khó khăn nhất với Trang thời điểm ấy lại chính là hạn chế về trình độ ngoại ngữ. Mỗi lần muốn trao đổi, bày tỏ quan điểm hoặc đề xuất một vấn đề gì đó với chủ doanh nghiệp (là người nước ngoài) đều phải nhờ tới phiên dịch viên, do vậy công việc thường bị chậm trễ, thậm chí không hoàn thành. Khó khăn mà anh Trang gặp phải cũng là điều trăn trở của rất nhiều cán bộ CĐCS tại doanh nghiệp hiện nay khi họ có tuổi đời còn rất trẻ (chỉ ngoài đôi mươi), thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức, nhất là ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì trình độ ngoại ngữ luôn là một trở ngại lớn để giúp họ tiếp cận với chủ doanh nghiệp, vận động lãnh đạo doanh nghiệp hiểu, ủng hộ và tạo điều kiện cho hoạt động công đoàn, chăm lo cho người lao động.
Cũng vì phải hoạt động kiêm nhiệm nên thời gian qua cán bộ CĐCS của Tập đoàn xi măng The Vissai khó có thể dành thời gian thích hợp cho các hoạt động công đoàn. Anh Phạm Việt Cường, Chủ tịch CĐCS của The Vissai đưa ra minh chứng: Ban chấp hành Công đoàn của chúng tôi có 13 người nhưng hiện nay chỉ còn 2 người đang trực tiếp làm việc tại Ninh Bình, số còn lại đang đảm nhận công việc tại các nhà máy của Tập đoàn ở địa bàn một số tỉnh khác. Khoảng cách về địa lý đã là một trở ngại lớn làm cho công tác công đoàn thiếu sự tập trung, nhưng quan trọng hơn cả là các ủy viên Ban chấp hành Công đoàn đều rất bận rộn với công việc chuyên môn để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Như vậy, dù có cố gắng nhiều, chúng tôi vẫn rất khó đảm bảo hoạt động công đoàn diễn ra hiệu quả như mong đợi của gần 3 nghìn đoàn viên công đoàn.
Ưu tiên bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ CĐCS
Nhìn ra những khó khăn mà cán bộ CĐCS tại doanh nghiệp đang gặp phải, LĐLĐ tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ. Ông Phan Duy Linh, Trưởng Ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh cho biết: Những năm gần đây LĐLĐ tỉnh đặc biệt chú trọng việc xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, tập huấn cán bộ công đoàn, đổi mới phương thức chỉ đạo đối với CĐCS theo hướng tăng cường sự hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp; chú trọng việc định hướng, lựa chọn cán bộ công đoàn cơ sở thực sự có năng lực và được đoàn viên, người lao động tín nhiệm. Đồng thời mở rộng các nội dung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học… Các lớp tập huấn, bồi dưỡng đều được LĐLĐ tỉnh phân công cán bộ theo dõi, chỉ đạo sát sao. Cùng với đó, công tác tuyên truyền được chú trọng thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp công đoàn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và khuyến khích cán bộ công đoàn phấn đấu tự học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiêp vụ, bản lĩnh chính trị.
Đối với hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp, ông Phùng Minh Chung, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Nhiệm vụ của cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp hết sức nặng nề khi vừa phải làm tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật, đồng thời vừa là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động… Để làm tốt điều đó chúng tôi đang tiếp tục phối hợp hướng dẫn cán bộ CĐCS các nội dung về: Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể; tham gia xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế khen thưởng, tham gia xử lý kỷ luật; tham gia xây dựng kế hoạch của doanh nghiệp về an toàn lao động, vệ sinh lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động;...
Thiết nghĩ, việc tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là rất cần thiết nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần. Để cán bộ công đoàn làm tốt nhiệm vụ của mình đòi hỏi phải có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, phương pháp hoạt động cơ bản của cán bộ công đoàn là phương pháp thuyết phục. Vì vậy, mỗi cán bộ công đoàn phải luôn rèn luyện tác phong, phong cách của người làm công tác phong trào, nói đi đôi với làm,... Ngoài việc tự rèn luyện của bản thân, các cấp công đoàn cũng cần tổ chức các hội thảo, hội thi, tọa đàm để cán bộ có điều kiện, môi trường rèn luyện, giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Anh Cao Văn Tiến Trang, Chủ tịch Công đoàn Công ty may NienHsing đề xuất: Nếu việc tổ chức các cuộc trao đổi kinh nghiệm gặp khó về thời gian, kinh phí, mỗi tháng Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh có thể gửi qua email cho các chủ tịch CĐCS câu hỏi về một tình huống thực tế trong hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp để mỗi người có thể đưa ra đáp án của riêng mình, sau đó chọn ra câu trả lời hay nhất để cùng chia sẻ… Đặc biệt, chúng tôi mong muốn công đoàn cấp trên chủ động tham mưu, đề xuất về các chế độ đối với cán bộ CĐCS, giúp họ yên tâm công tác.
Tin tưởng, mong muốn này của anh Trang cũng như nhiều cán bộ công đoàn khác sẽ là những gợi ý quan trọng đối với các giải pháp mà công đoàn cấp trên đưa ra để nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ CĐCS trong thời gian tới.
Đào Duy