Những năm trước đây rác thải chủ yếu chỉ có nhiều ở các đô thị, ở vùng nông thôn vấn đề này không được đặt ra, nay thì lượng rác thải ở nông thôn ngày càng nhiều, số lượng lớn. Trong tổng lượng rác thải của tỉnh thì khu vực đô thị cũng chỉ là 156,5 tấn (bằng 34,73%), các địa bàn nông thôn là 294,1 tấn (bằng 65,27%).
Lượng rác thải phát sinh nhiều và nhanh vượt quá khả năng xử lý của các địa phương đã tác động xấu đến môi trường và cảnh quan bộ mặt nông thôn mới. Khó khăn trong quản lý rác thải thể hiện ở các khâu thu gom, vận chuyển và xử lý. Nếu ở các đô thị tỷ lệ thu gom rác thải đạt tới gần 96% thì ở nông thôn và vùng ven đô thị mới chỉ đạt 5-10%; ở các khu dân cư nằm xa các trục đường giao thông lớn thì hầu hết rác thải chưa được thu gom. Về phương tiện chuyên dụng để thu gom rác tại các huyện còn thiếu và hoạt động không đạt hiệu quả cao, chủ yếu là các xe cải tiến, xe 3 bánh, xe kéo tay...).
Hiện nay toàn tỉnh mới có khoảng 75% số xã có mô hình thu gom rác thải, mỗi khu dân cư cử ra 2-3 người đảm nhiệm việc thu gom rác thải từ các hộ gia đình, tùy theo lượng rác thải mà mỗi nơi quy định 1-2 ngày hay 3 ngày 1 lần tổ dịch vụ đi thu gom rác tương đương với mức đóng góp của các hộ gia đình là 1,2 hay 3 nghìn đồng/tháng. Do kinh phí hạn hẹp nên việc thu gom rác không triệt để, không hiệu quả, gây mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng đến cảnh quan bộ mặt nông thôn. Hiện nay hầu hết các xã đều đã có quy hoạch địa điểm tập kết rác thải, có nơi xây được bãi đổ rác, có nơi xây bể chứa, có nơi đổ rác tự nhiên trên mặt đất.
Điểm tập kết thường là ngoài cánh đồng, gần nghĩa địa hoặc ở ven đê, bãi sông... việc xử lý rác cũng rất đa dạng, có nơi chôn lấp rác, có nơi đốt hủy rác, có nơi chuyển tiếp đến cơ sở xử lý tập trung, tuy nhiên việc này cũng gặp khó khăn vì xe chở rác chuyên dụng chỉ hoạt động tốt khi rác tập kết được tập trung các xe gòong chuyên dùng (bán tự động), vì vậy khi rác đổ tràn lan ra bãi phải huy dộng người xúc đổ lên xe thì hầu hết các xã không có kinh phí chi cho việc này.
Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn nữa là ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân trong việc xử lý rác thải. ở nhiều nơi rác vẫn được người dân đổ một cách tùy tiện ra bất cứ nơi nào có thể như chân đê, bờ ruộng, góc ao hay nghĩa địa. Tệ hại hơn là nhiều người vẫn có thói quen đổ rác xuống sông, coi các dòng sông như là nơi chứa rác vô tận vì cho rằng rác sẽ trôi ra biển hết.
Nếu có dịp đi đến các dòng sông ở hầu hết các huyện đều thấy chung tình trạng là rác trôi đầu mặt sông, rác dạt vào thành bãi lớn ở các vùng nước quẩn hai bên bờ, trong đó có không ít rác là giường chiếu, chăn, đệm, thậm chỉ cả xác xúc vật chết. Đáng nói là hầu hết những người xả rác xuống sông lại chính là những người sống ven sông và thường xuyên sử dụng nước sông trong sinh hoạt.
Để khắc phục tình trạng bất cập trong quản lý, rác thải, tỉnh ta đã có Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030, trong đó vấn đề rác thải nông thôn cũng được xác định là nội dung quan trọng với mục tiêu đến năm 2020 có 70% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 80% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, đến năm 2030 có 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 100% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi phải tiến hành nhiều giải pháp từ nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân đến đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng, đội ngũ công nhân, nhân viên làm dịch vụ và có cơ chế phù hợp. Việc quản lý rác phải được thực hiện tốt từ khâu phân loại rác ở mỗi hộ gia đình, trong đó tách rác thải hữu cơ để chôn lấp, đề làm phân vi sinh, rác thải vô cơ để tái chế tận dụng.
Tăng cường trang bị phương tiện vận chuyển phù hợp, tiện lợi, hiệu quả từ thu gom, vận chuyển, trung chuyển. Đầu tư xây dựng cơ sở xử lý rác thải có công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế và đảm bảo môi trường.
Tăng cường việc huy động các nguồn vốn đầu tư, xây dựng chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia góp vốn. Khuyến khích các doanh nghiệp môi trường đô thị sử dụng vốn tự có, vốn tín dụng để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị. Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư vào lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.
Đỗ Bằng