Cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường.
Các cơ quan chuyên môn và ngành chức năng đã cảnh báo hiện môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang bị ô nhiễm; chủ yếu xảy ra ở tầng không khí và tầng nước. Với môi trường nước, do các chất thải vô cơ, hữu cơ, vi khuẩn, chất thải công nghiệp, xác, phân động vật thối rữa, vứt bừa bãi, không tổ chức thu gom kịp thời đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước bề mặt và cả tầng nước ngầm.
Đáng báo động là ở một số cơ sở sản xuất, chế biến công nghiệp như chế biến mì tôm, tinh bột sắn; các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, gia trại như nuôi lợn, gà, thỏ, dê...; các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm thủ công như bún, bánh, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; các chất tẩy rửa, phẩm nhuộm, phế liệu chưa được xử lý khoa học, đúng quá trình đã được thải ra môi trường, trực tiếp làm đen, bẩn, vẩn đục cục bộ nguồn nước ở các khu vực xung quanh và ngấm xuống tầng nước ngầm.
Trong sản xuất nông nghiệp, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật qua việc phun trừ sâu bệnh cho cây trồng, các gói thuốc, vỏ đựng vứt ở các cánh đồng cũng gây độc hại, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước. Lượng rác thải y tế gần 20% là những chất nguy hại có thể gây nhiễm khuẩn, tiềm ẩn nguy cơ độc hại, có hoạt tính phóng xạ cao.
Cháy rừng - hiểm họa gây ô nhiễm môi trường sinh thái.
(Trong ảnh: Một buổi Diễn tập phòng, chống cháy rừng). Ảnh: Mạnh Dũng
Đối với môi trường không khí, tuy khí độc hại chưa nghiêm trọng nhưng ở nhiều điểm, khu, những nơi có phương tiện giao thông tham gia cao, hàm lượng bụi thô lơ lửng vượt ngưỡng cho phép từ 1,12-1,14 lần, nhất là 2 địa bàn thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp. Một số khu vực thực hiện khai thác đá, sản xuất xi măng... là tác nhân chính gây nên nhiều bụi và tiếng ồn (ở các nhà máy xi măng chỉ tiêu môi trường không khí tại cửa phát khí thải lò nung đều ở trong giới hạn cho phép nhưng lại có sự cộng hưởng của môi trường không khí, khói bụi do các hoạt động khai thác, vận chuyển vật liệu bên ngoài nên đã vượt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng).
Tình trạng ô nhiễm môi trường nêu trên là khó tránh khỏi từ sự phát triển không ngừng của tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, khi mà ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp và của chính mỗi người dân đều chưa đạt yêu cầu. Chỉ vì lợi nhuận sản xuất, kinh doanh trước mắt, không thấy được tác hại tiềm ẩn của ô nhiễm môi trường đến đời sống, sức khỏe nên nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và nhiều người dân không chú trọng đến vấn đề xử lý nguồn khí thải, chất thải.
Cần nhân rộng các mô hình vì môi trường sống
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn Ninh Bình đặt ra cho các ngành chức năng có những hành động thiết thực, kịp thời để ngăn chặn và bảo vệ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất mức độ ô nhiễm. Nhiều chương trình xã hội hóa bảo vệ môi trường được thực hiện như: Chương trình "Xanh hóa trường học", chương trình "Năng suất xanh"; "Xây dựng làng sinh thái"; "Sản xuất rau an toàn", "Phòng trừ dịch hại IPM", phong trào "Nông dân, thanh niên với các hoạt động bảo vệ môi trường"; thi "Tìm hiểu viết về môi trường du lịch"... Tiêu biểu như các mô hình làng sinh thái Vườn Thị (Gia Hòa, Gia Viễn); thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường các xã vùng đệm khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long; mô hình xanh hóa trường học ở Trường THCS Ninh Khánh (Thành phố Ninh Bình); THPT Nguyễn Huệ (Thị xã Tam Điệp); trường Tiểu học Quang Thiện (Kim Sơn)..
Để xử lý ô nhiễm và khôi phục môi trường, vấn đề quan trọng là phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra của ngành chức năng. Những năm qua, Sở Tài nguyên và môi trường đã tích cực tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể bảo vệ môi trường trong tỉnh; tổ chức tư vấn, thẩm định, khuyến cáo, thực hiện nhiều giải pháp xử lý chất thải ở những dự án lớn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và trong khu dân cư.
Sở cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và y tế cho tất cả cán bộ làm công tác môi trường ở tỉnh. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Kiên quyết không cấp phép cho các doanh nghiệp không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không lập hồ sơ đăng ký xử lý nguồn chất thải và xây dựng hệ thống xử lý chất thải đúng quy định.
Muốn phát triển bền vững, buộc các doanh nghiệp phải áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất, tránh gây ô nhiễm, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp như Gián Khẩu, Ninh Phúc, Tam Điệp. Vận động các doanh nghiệp có những việc làm để bảo vệ môi trường như: Vệ sinh cơ quan, trồng cây xanh, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, an toàn vệ sinh, phòng, chống cháy nổ; lựa chọn công nghệ xử lý chất thải, khí thải đảm bảo. Trong khi vận hành sản xuất, các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm túc theo cam kết đánh giá tác động môi trường, đồng thời cơ quan chức năng chú ý đến công tác hậu kiểm, tránh tình trạng sự việc xảy ra rồi mới bắt tay vào khắc phục.
Khi mà nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa thấy được mức độ nguy hại từ ô nhiễm môi trường thì cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Ở thành phố, thị xã đã thành lập được các công ty dịch vụ môi trường - đô thị, các phố, phường đều cử người thu gom rác tập kết ra nơi quy định để xử lý. Ở các vùng nông thôn, chính quyền các địa phương cũng cần quan tâm quy hoạch bãi rác thải tập trung, vận động thành lập các đội thu gom ở các thôn, xóm như mô hình ở xã Khánh Trung (Yên Khánh); thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thu gom, phân loại, xử lý chôn lấp rác có thể ngay tại hộ; làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vớt rác ở các ao, hồ, sông ngòi; trồng cây xanh tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; thực hiện nếp sống văn hóa khu dân cư; không lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Việc xây dựng bể đựng vỏ chai, lọ, gói thuốc bảo vệ thực vật ở ngay cạnh các cánh đồng như ở Thạch Bình (Nho Quan)... nên được nhân ra diện rộng. Đối với những hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm phải được giúp đỡ chuyển giao kỹ thuật, xử lý chất thải qua những hố sinh học bằng bèo bồng hoặc chuyển hóa sang dạng phân hữu cơ, khí sinh học bioga tái phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Bảo vệ môi trường, trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mà điều quan trọng là phải khơi dậy được ý thức của mỗi người trong việc cải thiện, giữ gìn, bảo vệ, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến môi trường. Những việc đã làm là thiết thực, cần thiết nhưng cần phải được nâng lên và phải tạo được sức mạnh đồng bộ hơn trong toàn xã hội.
Hoàng Tâm