Qua phản ánh của người dân, một ngày đầu tháng 11, chúng tôi đã đến Tổ dân phố 23, phường Nam Sơn (thành phố Tam Điệp). Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực giáp ranh với Tổ dân phố 23 có 3 lò vôi được xây dựng nằm gần khu vực dây chuyền sản xuất xi măng của Nhà máy xi măng Tam Điệp (xã Quang Sơn). Ông Nguyễn Văn Sơn, Tổ trưởng Tổ dân phố 23 cho biết: Các lò đốt vôi này hoạt động gần 3 năm nay. Điều đáng nói là các lò vôi này đều có công suất lớn, sản xuất theo phương pháp thủ công, hoạt động không theo chu kỳ, vì vậy gây khói bụi, tiếng ồn rất lớn. Hơn 150 hộ dân sinh sống quanh khu vực các lò vôi và học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (cách đó chừng 300m) từ nhiều năm nay bị ảnh hưởng bởi tiếng động lớn từ hoạt động nghiền đá, khói bụi từ hoạt động sản xuất vôi.
Thậm chí, chủ các lò đốt vôi này còn ngang nhiên đổ vôi, xỉ "chặn" cả con đường mà trước kia người dân trong Tổ dân phố 23 thường đi lại. Vì bị lấn chiếm nên nhân dân không còn cách nào khác phải đi đường vòng xa hơn để đưa con em đến trường.
Cũng theo phản ánh của một số người dân Tổ dân phố 23, trước kia chưa có lò vôi thì nơi đây là những vườn cây ăn trái như na, nhãn, vải, xung quanh khu vực người dân còn trồng các loại rau màu để tăng thu nhập. Nhưng hoạt động của các lò vôi đã làm ảnh hưởng tới các loại cây trồng, cây chỉ ra hoa mà không có quả, hoặc nếu có quả thì quả cũng nhỏ và chất lượng thấp, còn các loại cây màu cũng không cho năng suất cao.
Điều đáng lo ngại là mỗi khi trời mưa, nước vôi, xỉ từ bãi tập kết của các lò vôi chảy xuống lòng kênh làm ô nhiễm nguồn nước phục vụ sản xuất của khu vực này, thậm chí còn ảnh hưởng tới cả nguồn nước sinh hoạt của người dân, bởi hiện tại các hộ dân nơi đây chưa được dùng nước máy mà vẫn đang phải sử dụng nguồn nước giếng khoan và giếng khơi.
Để minh chứng cho lời mình, ông Sơn dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Đỗ Huy Thục, một hộ dân Tổ dân phố 23 sống gần khu vực các lò vôi. Ông Thục cho biết, trước đây, mỗi năm gia đình ông có thu nhập cao từ hơn 3 ha trồng các loại rau màu như ngô, đậu, lạc và cây ăn quả. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, khu vườn nhà ông thường bỏ hoang vì môi trường, không khí và đất đai bị ô nhiễm từ hoạt động sản xuất vôi.
Trước thực trạng ô nhiễm từ các lò vôi trên, người dân trong Tổ dân phố 23 cũng như nhiều người dân ở phường Nam Sơn đã nhiều lần đề xuất với các cấp chính quyền để có biện pháp tháo gỡ, song vẫn chưa được giải quyết.
Trao đổi với đại diện lãnh đạo phường Nam Sơn, chúng tôi được biết: Trước ý kiến của nhân dân, lãnh đạo phường đã gặp gỡ các chủ doanh nghiệp sản xuất vôi để tuyên truyền và yêu cầu họ áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời phường đã kiến nghị với ngành chức năng của thành phố để sớm có biện pháp xử lý.
Cũng như các hộ dân ở Tổ dân phố 23, phường Nam Sơn, nhiều năm qua người dân xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ các lò đốt vôi tự phát. Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đã tìm đến thôn 1, xã Đông Sơn và cũng theo quan sát của chúng tôi thì quanh khu vực này có tới 6 lò sản xuất vôi, các lò vôi này là "sản phẩm" của các cơ sở khai thác đá làm vật liệu xây dựng.
Người dân cho biết các lò vôi này hoạt động liên tục, gây tiếng động, khói bụi... và gây bức xúc trong nhân dân. Đường giao thông nơi đây cũng bị xuống cấp nghiêm trọng do các xe tải lớn chở vật liệu từ các lò sản xuất vôi, các cơ sở khai thác đá. Điều đáng nói, trong 6 lò sản xuất vôi thì có 1 lò nằm ngay trong khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nhân dân.
Ông Phạm Ngọc Thăng, Trưởng thôn 1, xã Đông Sơn bức xúc nói: Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với UBND xã Đông Sơn, yêu cầu các doanh nghiệp này chấm dứt tình trạng sản xuất vôi thủ công. Khi được nhắc nhở, các chủ lò vôi mới áp dụng biện pháp che bạt để đỡ bụi, nhưng mùi khí C02 thì vẫn rất nồng nặc, khó chịu.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành sớm có giải pháp di dời các lò vôi này ra xa khu vực dân cư. Nếu không nhanh chóng dẹp bỏ các lò sản xuất vôi thì không chỉ ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân mà còn ảnh hưởng tới phát triển sản xuất của địa phương, nhất là hiện nay, thành phố đang xây dựng thương hiệu cho cây đào phai xã Đông Sơn.
Trước ý kiến của các hộ dân trên địa bàn thành phố, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Văn Tuệ, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Tam Điệp, ông Tuệ cho biết: Tại các cuộc tiếp xúc cử tri giữa HĐND tỉnh khóa XIII với đại diện cử tri thành phố Tam Điệp, cử tri đã phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường của các lò vôi.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, thành phố Tam Điệp đã thành lập đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế. Qua kiểm tra cho thấy, trên địa bàn thành phố có nhiều cơ sở sản xuất vôi thuộc địa bàn xã Đông Sơn, phường Nam Sơn và xã Quang Sơn. Đặc biệt, có hai lò vôi của xã Quang Sơn hoạt động không đúng quy định của Nhà nước. Do vậy, tới đây thành phố sẽ kiên quyết xóa bỏ các lò vôi này để đảm bảo môi trường và sức khỏe nhân dân.
Ô nhiễm môi trường từ các lò vôi đốt thủ công trên địa bàn một số xã, phường thuộc địa bàn thành phố Tam Điệp đã diễn ra nhiều năm qua. Vẫn biết rằng, xử lý vấn đề này không thể một sớm, một chiều nhưng cũng không thể chậm trễ hơn được nữa! Vì vậy, người dân thành phố mong muốn các cấp chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng sớm vào cuộc, có thái độ kiên quyết để đảm bảo phát triển ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm vôi có giá trị cao, ổn định bền vững và quan trọng hơn cả là bảo vệ sức khỏe cũng như niềm tin của công dân thành phố.
Bài, ảnh: Mai Lan