Đây là điều kiện thuận lợi, phù hợp để đàn dê sinh trưởng và phát triển. Phát huy lợi thế đó, nuôi dê đã trở thành thế mạnh, truyền thống của nhiều địa phương trong tỉnh. Nuôi dê đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Thời gian qua, ngoài nhu cầu về tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trong tỉnh, khách du lịch còn muốn được thưởng thức các món ăn đặc sản của Ninh Bình như thịt dê, cơm cháy... Do nhu cầu lớn, lượng thịt dê trên địa bàn tỉnh không đáp ứng đủ nhu cầu nên nhiều nhà hàng, khách sạn trong tỉnh phải nhập số lượng dê lớn từ tỉnh ngoài về như: Hòa Bình, Thanh Hóa...
Sản phẩm thịt thương phẩm tiêu thụ tốt, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế, do đó, đàn dê địa phương không ngừng phát triển về quy mô, số lượng. Nhiều địa phương có số lượng đàn dê lớn như: Các xã Ninh Hòa, Ninh Xuân, Ninh Hải, Trường Yên (Hoa Lư), Phú Long, Kỳ Phú (Nho Quan)...
Theo ước tính, đầu năm 2008, tổng đàn dê trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 23.000 con. Tốc độ tăng trưởng bình quân từ 1,8 - 2%/năm. Song đến thời điểm hiện nay, đàn dê trên địa bàn đã giảm xuống còn khoảng 20.000 con do nhu cầu cung cấp dê thịt cho các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch đến Ninh Bình tăng đột biến.
Điều đó cho thấy, đàn dê địa phương mặc dù đã được đầu tư phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bởi việc chăn nuôi từ trước đến nay đều do các hộ chăn nuôi tự phát nuôi thả tự nhiên, tự cung tự cấp giống và tự tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, người nuôi dê đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Trước hết là khó khăn về bãi chăn thả. Đàn dê muốn phát triển, chất lượng thịt tốt phải được chăn thả tự nhiên ở những vùng đồi, núi rộng, có nhiều cây cỏ làm thức ăn.
Thịt dê - Đặc sản Ninh Bình được nhiều khách du lịch ưa thích.
Thế nhưng hiện nay, đồi núi tự nhiên để chăn thả dê đã bị thu hẹp dần do diện tích đồi rừng đã được giao khoán cho các hộ dân quản lý, một số đã được đưa vào phục vụ các khu du lịch sinh thái. Mặt khác, vì điều kiện chăn thả khắc nghiệt như mưa nắng, bãi chăn thả xa nhà, thu nhập thấp hơn so với làm những công việc khác, do vậy nhiều lao động không thiết tha, hào hứng với nghề nuôi dê. Chính điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư phát triển quy mô đàn. Thông thường, mỗi hộ chỉ nuôi thả từ 15 - 20 con, những hộ nuôi từ 50 - 70 con rất ít.
Xã Ninh Hòa, một trong những địa phương có truyền thống trong việc nuôi dê địa phương, người nông dân cũng đang đứng trước nhiều khó khăn để phát triển đàn dê. Toàn xã có khoảng 40 hộ nuôi dê, quy mô từ 15 - 30 con/hộ, với tổng đàn dê khoảng 1 nghìn con. Là xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi như diện tích đất rừng trên địa bàn xã nhiều (trên 950 ha), chiếm 43% tổng diện tích của xã, việc tiêu thụ dê thịt dễ dàng nhưng việc nuôi dê không được mở rộng vì phải bảo vệ rừng đặc dụng, bảo vệ cảnh quan môi trường di tích lịch sử, khu du lịch.
Để phát huy thế mạnh của địa phương, năm 2008, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai Dự án phát triển chăn nuôi dê địa phương nhằm đưa con dê trở thành con nuôi chủ lực ở một số vùng, miền, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân và thực hiện xóa đói, giảm nghèo.
Trung tâm đã phối hợp với các địa phương tiến hành chọn điểm, chọn hộ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật làm chuồng trại, chăn nuôi. Từ nguồn vốn hỗ trợ 60% chi phí mua giống của tỉnh, Trung tâm đã mua 35 con dê đực giống giao cho 35 hộ dân nuôi để từ đó chọn lọc nhân ra diện rộng cải tạo đàn dê của các địa phương phát triển theo hướng hướng thịt. Theo chương trình, tỉnh sẽ xây dựng dự án cải tạo và phát triển đàn dê địa phương, cụ thể sẽ hỗ trợ bảo tồn đàn dê đực giống, ưu tiên cho những hộ nghèo, hộ chính sách và những hộ làm chăn nuôi trang trại, tạo điều kiện cho các hộ nuôi dê vay vốn ở vùng lợi thế (vùng đồi núi), hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để đến năm 2015 tổng đàn dê đạt 50.000 con, trong đó có 70% dê hướng thịt, đảm bảo tăng bình quân 9%/năm.
Để duy trì và mở rộng đàn dê, các cấp, các ngành trong tỉnh cần phải nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tìm ra những giải pháp phù hợp cho các hộ nuôi dê. Vấn đề đặt đó là cần có cơ chế đầu tư kinh phí như hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp giống, hướng dẫn quy cách làm chuồng trại, vận động nhân dân ở những vùng có lợi thế tăng quy mô đàn, số lượng con nuôi, có như thế mới có thể đáp ứng nhu cầu cung cấp thịt thương phẩm trước mắt và lâu dài cho thị trường.
Ngoài việc bảo tồn và phát triển đàn dê địa phương cần phải có sự cải tạo để đàn dê phát triển theo hướng hướng thịt một cách hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, đưa những giống con nuôi có giá trị, năng suất và chất lượng vào chăn thả. Các địa phương cần bố trí quy hoạch các bãi chăn thả, vùng phát triển đàn dê; tích cực tuyên truyền về hiệu quả của việc nuôi dê và vận động, khuyến khích các hộ được giao quản lý đồi rừng kết hợp với chăn thả dê.
Thanh Thủy