Thực tế hiện nay, môn Pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng chưa được quan tâm đúng mức, có quan điểm còn coi là môn phụ nên chưa đầu tư nhân lực, tài lực, thời gian thỏa đáng cho môn học này. Mặc dù Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường nhưng chất lượng triển khai ở một số trường còn mang tính hình thức, chưa có nội dung và chương trình hành động cụ thể. Đội ngũ giảng viên giảng dạy pháp luật trong nhà trường chủ yếu là kiêm nhiệm, không đúng chuyên ngành, phần lớn là các giáo viên chính trị giảng pháp luật. Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, hiện trường Đại học Hoa Lư có 9 giáo viên dạy Pháp luật, trong đó có 3 cử nhân luật và 6 cử nhân chính trị; Trường Cao đẳng y tế Ninh Bình có 7 giáo viên, trong đó có 2 cử nhân luật và 5 cử nhân chính trị; Trường Cao đẳng nghề Lilama1 có 2 giáo viên, trong đó có 1 cử nhân chính trị và 1 cử nhân sư phạm; Trường Cao đẳng nghề cơ giới Ninh Bình có 7 giáo viên, trong đó có 6 cử nhân luật và 1 cử nhân chính trị; Trường Cao đẳng nghề Cơ điện xây dựng Tam Điệp có 3 giáo viên, trong đó có 2 cử nhân luật và 1 cử nhân chính trị
Bên cạnh đó, chương trình, nội dung giáo dục ý thức pháp luật còn dàn trải, nặng về lý thuyết và chưa thống nhất trong các trường đại học, cao đẳng không chuyên luật trên địa bàn tỉnh. Giáo trình môn học căn cứ vào khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường tự biên soạn nên thiếu tính thống nhất về số bài giảng, số tiết giảng. Thời lượng để giảng dạy môn học pháp luật ít, phần lớn các trường bố trí 25 tiết lý thuyết, 2 tiết thảo luận, 3 tiết kiểm tra, riêng Trường Đại học Hoa Lư có 45 tiết, Trường Cao đẳng Y tế chỉ có 20 tiết mà giáo viên lại phải truyền đạt một số lượng kiến thức lớn cả hệ thống ngành Luật của Việt Nam.
Với một khối lượng kiến thức nhiều mà thời lượng giảng dạy ít thì không thể truyền đạt hết kiến thức đến các sinh viên, hoặc nếu giảng viên nào có cố gắng truyền đạt hết nội dung đến sinh viên thì cũng chỉ là cho hết nội dung trong chương trình mà hiệu quả không cao. Có nhiều trường hợp do không chạy kịp chương trình, tiến độ nên đã cắt xén bớt chương trình giảng dạy. Vấn đề này đã gây nhiều khó khăn cho cả giảng viên và sinh viên.
Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên ở một số trường vẫn chậm đổi mới phương pháp giảng dạy. Các giảng viên chủ yếu sử dụng phương pháp truyền thống để truyền đạt. Trong rất nhiều giờ giảng, giảng viên hầu như chỉ cắm cúi vào giáo trình, nhắc lại một cách lối mòn những điều đã có, đã được ghi chép một cách đầy đủ, rõ ràng trong sách vở, tài liệu.
Nhiều giờ học trôi qua trong sự nhàm chán, nặng nề bởi giáo viên hầu như chỉ biết có lý thuyết suông. Bài giảng thiếu sức sống, không thuyết phục, không sinh động. Hệ quả tất yếu kéo theo đó là chất lượng, hiệu quả của công tác giảng dạy môn Pháp luật thấp, thậm chí đôi khi còn phản tác dụng và tạo ra tâm lý ức chế, khiên cưỡng, gò ép cho người học.
Nhiều sinh viên đã đến với các bài học, kiểm tra, bài thi bằng một tâm lý đối phó, chỉ chú trọng học vẹt, học thuộc lòng, học sao cho miễn là qua được các kỳ thi, còn bản chất vấn đề thì hầu như không hiểu hoặc không cần hiểu, niềm đam mê hứng thú hầu như không có... Từ đó nhiều người (cả thầy và trò) đều cho rằng môn học Pháp luật và thầy, cô giáo giảng dạy môn Pháp luật cứng nhắc, khô khan, thiếu sức sống, thiếu sức truyền cảm.
Những hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu, trước hết, cần phải thấy một sự thật khá hiển nhiên là sở dĩ bài giảng của giáo viên pháp luật còn thiếu tính thực tiễn do trình độ chuyên môn, vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn của nhiều giáo viên hiện nay là quá ít ỏi, phần lớn là giáo viên chính trị, cử nhân sư phạm sang giảng dạy pháp luật nên kiến thức không chuyên sâu, do bị thúc ép về mặt tiến độ của chương trình…, một số trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhưng chưa có nhiều, chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của sinh viên.
Thực tế cũng cần phải nhìn nhận rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đôi khi còn mang nặng tính hình thức, chưa tuyên truyền rộng rãi đến sinh viên. Các hoạt động ngoại khóa chủ yếu là các cuộc thi ở các trường với nhau mà trong từng trường chưa tự tổ chức tuyên truyền đến sinh viên trường đó.
Ngày 21-2-2004, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hànhChỉ thị số 40/2004/CT-BGD&ĐT về tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của ngành giáo dục. Theo đó, tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp phải cử cán bộ pháp chế chuyên trách thực hiện công tác pháp chế, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là giúp thủ trưởng đơn vị tổ chức công tác phổ biến giáo dục, pháp luật.
Tuy nhiên đến nay, trong tổng số 5 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh chỉ có Trường Đại học Hoa Lư có cử cán bộ là giảng viên thuộc bộ môn Lý luận chính trị làm công tác pháp chế, còn lại 4 trường cao đẳng trong tỉnh chưa thực hiện được Chỉ thị số 40.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng nhiều với số lượng lớn, lại liên tục được sửa đổi, bổ sung nên không thể thường xuyên tổ chức phổ biến đến tất cả các cán bộ, giáo viên; nhiều văn bản mới ban hành chưa cập nhật kịp thời.
Hầu hết các trường vẫn chưa thực sự quan tâm đến tầm quan trọng của các tài liệu tham khảo cho sinh viên dẫn đến các tủ sách pháp luật, các tài liệu tham khảo của môn học Pháp luật còn nghèo nàn.
Kinh phí cho công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở các trường đại học, cao đẳng còn nhiều hạn chế. Nhà trường chưa bố trí kinh phí để chủ động tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong chương trình.
Thực tế đã khẳng định, để nâng cao ý thức pháp luật cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh thông qua công tác giáo dục ý thức pháp luật trong nhà trường luôn xác định phải kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, phải gắn với tính chất, đặc điểm nghề nghiệp và chuyên ngành học của sinh viên để đưa ra chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục cho phù hợp.
Nội dung giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên phải phản ánh được tình hình thực tế của đất nước, địa phương, yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ngành nghề học của sinh viên, phản ánh mối liên hệ hữu cơ giữa lý thuyết và thực tiễn, có như vậy công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh mới đem lại kết quả cao.
Phương Thảo(Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình)