Ông Vũ Văn Trụ là một trong những người làm mộc có tiếng ở làng nghề mộc Phúc Lộc. Sản phẩm của xưởng mộc gia đình ông là đi làm nhà cổ, làm đình, chùa khắp trong và ngoài tỉnh với kỹ thuật cao và tinh xảo. Khi chúng tôi đến, ông Trụ đang say sưa đục, đẽo để hoàn thiện phần "kẻ mái" cho công trình nhà thờ mà một người dân xã Trường Yên đã đặt cách đây ít tháng. Ông Trụ chia sẻ, so với cách làm mộc từ thời xa xưa, làm mộc hiện nay đã nhàn hơn nhiều, nhất là ở những khâu chế biến gỗ, bởi đã có nhiều máy móc hiện đại làm thay phần việc của con người. Tuy nhiên, máy móc hiện đại cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nếu như người làm không nắm vững nguyên lý, cách sử dụng, kịp xử trí trong những tình huống bất ngờ xảy ra. Mặt khác, máy móc vẫn không thay thế hoàn toàn được con người ở nhiều công đoạn như cưa, xẻ, bào, phay… chưa kể phải tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn, tiếng ồn trong quá trình cưa, xẻ gỗ và mùi hóa chất từ sơn, đánh bóng sản phẩm. Theo quan sát của chúng tôi, không có ai mặc trang phục bảo hộ lao động. Một lao động giải thích, mặc quần áo bảo hộ vừa nóng vừa vướng nên em ở trần cho mát. Hơn nữa, những công đoạn khoan, đục đẽo này cũng… không nguy hiểm.
Hiện nay, làng nghề mộc Phúc Lộc có 145 hộ và 20 doanh nghiệp tham gia làm nghề, giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên. Đánh giá về hiệu quả kinh tế của nghề truyền thống đã xuất hiện hơn 300 năm nay, đồng chí Bùi Ngọc Kiên, Chủ tịch UBND phường Ninh Phong khẳng định, nghề mộc đã làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống cho nhân dân trong phường. Không chỉ những hộ trực tiếp làm nghề, nghề mộc còn tạo điều kiện cho nhiều gia đình khác mở các cửa hàng dịch vụ "ăn theo". Hiện nay, có trên 90% người dân làm việc liên quan đến nghề mộc. Tính riêng trong năm 2018, doanh thu từ nghề mộc đạt 58 tỷ đồng, chiếm 35% tỷ trọng kinh tế của phường. Số hộ khá, giàu đạt từ 70% trở lên.
Tuy nhiên, đồng chí Chủ tịch UBND phường Ninh Phong cũng khẳng định, tồn tại lớn nhất hiện nay ở làng nghề mộc Phúc Lộc đó là nguy cơ mất an toàn lao động từ chính những người thợ. Nguyên nhân được lý giải là do ý thức, kiến thức của người làm nghề về công tác an toàn lao động vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi lẽ, trước đây, những lao động này chủ yếu xuất thân từ sản xuất nông nghiệp, họ chưa có ý thức cao về việc đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình trong quá trình lao động. Mặt khác, kiến thức của họ về cách sử dụng các máy móc hiện đại vẫn chưa được đầy đủ, trong khi đó, nghề mộc là nghề có nhiều áp lực. Để hoàn thành được những đơn hàng với số lượng lớn, cả chủ và thợ phải "tăng tốc" làm từ sớm tới khuya, dẫn đến tinh thần mệt mỏi, mất tập trung, dễ xảy ra tai nạn. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể về số vụ tai nạn lao động tại làng nghề, song đã có nhiều trường hợp bị cụt ngón tay, chân, thậm chí là tử vong.
Trước thực trạng đó, thời gian qua, UBND phường Ninh Phong đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, trong đó xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người lao động. Theo đó, ngay từ đầu năm, Đài truyền thanh phường đã lên kế hoạch triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động đến mọi người dân. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong công tác truyền thông và cung cấp tài liệu cần thiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đài truyền thanh thực hiện hiệu quả nhiệm vụ. Những tin, bài được xây dựng đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin cần thiết trong quá trình làm mộc an toàn như: Giải pháp cắt, xẻ, mài, đục đảm bảo vệ sinh an toàn lao động; hướng dẫn an toàn điện, phòng chống bụi, tiếng ồn, sự cẩn trọng trong quá trình sử dụng máy móc; giới thiệu các phương tiện bảo vệ cá nhân; cách chăm sóc sức khỏe cho người lao động… Những thông tin, tuyên truyền được chọn lọc, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hành về công tác an toàn vệ sinh lao động nên người dân dễ tiếp thu và tích cực làm theo… Tuy nhiên, sự chuyển biến cũng chưa được nhiều.
Nhằm cải thiện hơn nữa điều kiện làm việc, bên cạnh công tác tuyên truyền, thiết nghĩ các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần phải có các quy định chặt chẽ hơn nữa về điều kiện hoạt động, kinh doanh, điều kiện đảm bảo an toàn trong lao động cũng như sức khỏe của người lao động trong các làng nghề. Tăng cường mở các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho các làng nghề, trong đó chú trọng mở các lớp hướng dẫn sử dụng máy móc hiện đại, cách xử trí khi gặp sự cố trong quá trình sử dụng máy móc… Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người lao động trong việc tuân thủ các quy định về an toàn lao động, đảm bảo sức khỏe cho người lao động trong các làng nghề.
Nguyễn Hùng