Tại huyện Gia Viễn, giá lợn hơi giảm sâu cùng với sự giảm giá của nhiều sản phẩm chăn nuôi khác đã khiến cho tổng đàn gia súc, gia cầm giảm đi đáng kể, đặc biệt là đàn lợn, bình quân giảm khoảng 20-30%, cá biệt có xã giảm trên 50%. Tại Gia Lập, hiện nay toàn xã chỉ còn khoảng 500-600 con lợn nái, vài trăm con lợn thịt, trung bình mỗi hộ chăn nuôi chỉ giữ lại vài ba con lợn, nuôi cầm chừng. Tổng đàn giảm chỉ là bề nổi. Điều quan trọng là tâm lý chăn nuôi của người dân theo đó cũng sa sút. Không ít những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã để trống chuồng, một số hộ thì lơ là công tác tiêm phòng dịch bệnh bởi đầu tư mà thua lỗ.
Ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng thôn Cao Bích chia sẻ: ở thôn này, mỗi đợt tiêm phòng chúng tôi sẽ thông báo trên hệ thống loa truyền thanh để các gia đình đăng ký số lượng đàn, chủng loại vắc xin cần tiêm, sau đó thôn lại báo lên thú y xã để về triển khai tiêm. Nhìn chung bà con trong thôn đều có ý thức cao trong việc phòng chống dịch bệnh, chấp hành tốt việc tiêm phòng. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi giá các sản phẩm chăn nuôi giảm thấp. "1 con lợn sữa trước đây giá hơn 1 triệu còn bây giờ chỉ còn 2-3 trăm nghìn thì ý thức chăm sóc, bảo vệ của người chăn nuôi cũng sẽ khác", ông Đáp nói.
Một vấn đề khác mà anh Nguyễn Cao Tài, cán bộ thú y xã Gia Lập rất lo lắng mỗi khi triển khai công tác tiêm phòng, đó là nhiều cộng tác viên thú y thôn, xóm không muốn tham gia vào tổ tiêm phòng do thù lao thấp. Anh làm một phép tính, cứ một tổ tiêm phòng có 3 người, gồm 1 người phụ trách tiêm phòng, 1 người làm công tác bắt giữ vật nuôi và 1 trưởng thôn có nhiệm vụ ghi chép; ví dụ như tiêm phòng dại cho chó, mỗi mũi tiêm cả nhóm được 4.500 đồng (đơn giá này có từ năm 2001), nếu thuận lợi thì cả buổi cũng chỉ tiêm được 30 con, tính ra mỗi người được khoảng 30-40 nghìn đồng/ngày. Chính vì vậy, nhiều người không muốn tiếp tục thực hiện công việc này, đây là một vấn đề mà nếu không có giải pháp khắc phục thì việc triển khai tiêm phòng trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Ngoài ra, theo phản ánh của một số cán bộ thú y cơ sở thì việc đóng gói vắc xin của các công ty thuốc hiện nay chưa hợp lý, bởi vắc xin thường được đóng gói nhiều liều/1 lọ (cụ thể như vắc xin lở mồm, long móng là 25 liều/lọ, vắc xin tụ huyết trùng trâu bò 10 liều/lọ, vắc xin dại 10 liều/lọ). Trong khi đó, chăn nuôi hiện nay phần lớn ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ, nếu gom không đủ, tiêm không hết, vắc xin còn thừa buộc phải bỏ đi, rất lãng phí, đặc biệt với các loại vắc xin không được hỗ trợ thì cán bộ thú y còn phải bỏ tiền túi ra chi trả.
Anh Vũ Duy Lý, Trưởng Trạm Thú y huyện Gia Viễn cho biết: Vụ xuân hè này Gia Viễn có kế hoạch tiêm phòng cho khoảng 15.000 con lợn, 5.000 con trâu bò và khoảng 200.000 con gia cầm. Trong bối cảnh chăn nuôi khó khăn, các hộ chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nhỏ lẻ không mặn mà với việc tiêm phòng. Để khắc phục, đảm bảo tốt tỷ lệ tiêm phòng, Trạm đã đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức tiêm phòng cho người chăn nuôi. Thông báo cụ thể lịch tiêm, các loại vắc xin để bà con nắm rõ, tích cực tham gia. Bên cạnh đó, tiếp tục động viên anh em thú y cơ sở tranh thủ tiêm ngoài giờ, lúc bà con không bận việc ở nhà để đến tiêm, đồng thời tiêm cuốn chiếu và huy động thêm cán bộ thôn đi cùng đến tận hộ gia đình người chăn nuôi để vận động.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời điểm này các địa phương trong tỉnh đang tập trung thực hiện đợt 1 tiêm phòng vụ xuân hè năm 2018. Thời gian tiêm phòng bắt đầu từ 15/3 đến 30/4. Phạm vi tiêm phòng: Đàn trâu, bò tiêm vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm, long móng; đàn lợn tiêm vắc xin lở mồm, long móng, tai xanh, dịch tả, tụ dấu, phó thương hàn; đàn gia cầm tập trung tiêm phòng triệt để cho đàn vịt, khuyến khích tiêm phòng cho đàn gà.
Trao đổi với ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh được biết, hiện Chi cục đã cung ứng đầy đủ vắc xin, dụng cụ, vật tư phục vụ tiêm phòng xuống các địa phương. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình sử dụng vắc xin ở tất cả các khâu: vận chuyển, bảo quản, pha chế, liều lượng, kỹ thuật tiêm cho lực lượng thú y cơ sở. Đồng thời tổ chức tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh, chủ trương, lợi ích, kế hoạch tiêm phòng và các biện pháp phòng, chống dịch đến tận hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, trước những khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan trong công tác tiêm phòng hiện nay, để đạt kết quả tốt, Chi cục đề nghị các địa phương chủ động khắc phục, tập trung cao độ cho việc tiêm phòng. Kiện toàn, duy trì Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm để tổ chức tiêm phòng, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện triển khai tiêm phòng nhanh, gọn, đúng thời gian, đồng loạt để phát huy hiệu quả của vắc xin. Các xã phải tiếp tục rà soát, thống kê lại tổng đàn gia súc, gia cầm ở các nông hộ, trang trại, gia trại trong diện tiêm để khẩn trương đăng ký mua vắc xin tiêm phòng. Đến ngày 30/3, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai tiêm phòng vụ xuân hè cho đàn gia súc, gia cầm. Toàn tỉnh đã tiêm vắc xin dịch tả, phó thương hàn, tụ dấu cho trên 15.400 con lợn; vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho gần 3.000 con trâu bò; vắc xin cúm gia cầm cho gần 500.000 lượt con gia cầm, vắc xin dại cho gần 10.000 con chó.
Hà Phương