Thị xã Tam Điệp có phong trào nuôi nhím mạnh nhất tỉnh. Vào lúc "đỉnh điểm", một đôi nhím giống chưa đầy 3 tháng tuổi có giá lên đến 18 triệu đồng. Với lợi nhuận đó, người người, nhà nhà ở Tam Điệp đổ xô đi nuôi nhím. Tuy nhiên, sang năm 2011, giá nhím bất ngờ lao dốc, chỉ còn 1,5-1,7 triệu đồng/đôi, khiến nhiều gia đình thua lỗ.
Chị Nguyễn Thị ái ở tổ 12, phường Trung Sơn, hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 2010 thấy nhiều người giàu lên từ nhím, chị cũng chắt bóp rồi vay mượn anh em họ hàng mua được 1 đôi nhím giống với giá 16 triệu đồng. Sau 1 năm, đôi nhím giống không sinh sản được, mà giá nhím thì tụt dốc, chị đành bán vội với giá 5 triệu đồng.
Còn anh Trịnh Văn Đàm ở thôn 12, xã Đông Sơn có phần may mắn hơn. Đầu tư nuôi nhím từ năm 2006, năm 2010 phát triển được đàn nhím với 50 con, trong đó có 15 cặp bố mẹ. Cuối năm ngoái nhận thấy giá nhím có vẻ trùng xuống anh xuất bán gần hết. Anh Đàm cho biết: Đùng một cái, chỉ sau có vài tháng, giá nhím giảm mạnh tới 90%, thậm chí hơn thế (từ 18 triệu đồng/1 cặp nhím giống, 40 triệu đồng/1 cặp sinh sản xuống còn 1,5-1,8 triệu đồng/cặp nhím giống, 5 triệu đồng/cặp sinh sản), nếu tôi không nhanh ý bán ngay từ năm ngoái thì chắc năm nay đã mất hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Trịnh Văn Tiến, Chủ nhiệm CLB cây, con đặc sản xã Đông Sơn (thị xã Tam Điệp): Nguyên nhân khiến giá nhím giảm mạnh như hiện nay chủ yếu là do thị trường nhím giống đã bão hòa mà nhím thịt khó tiêu thụ. Đặc biệt, năm 2010 giá nhím giống 2 tháng tuổi lên tới 16-18 triệu đồng/đôi, nên nhiều người dân đổ xô vay vốn ngân hàng đầu tư vào nhím. Sang năm 2011, bất ngờ thị trường nhím chững lại, không bán được khiến nhiều gia đình vỡ nợ. Nhưng theo ông Tiến, cũng một phần tại người dân tự thổi giá nhím giống lên quá cao, không đúng với thực tế.
Nuôi nhím bắt đầu xuất hiện và trở thành một nghề góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân trong tỉnh. Theo thống kê của Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp & PTNT thì hiện tỉnh ta có khoảng 500 hộ nuôi nhím, với gần 8.000 con nhím. Mặc dù thời điểm này nhím đang xuống giá nhưng đây vẫn là một nghề chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trịnh Văn Tiến, Chủ nhiệm CLB cây, con đặc sản xã Đông Sơn (thị xã Tam Điệp) tính toán: Với giá giống trở về đúng thực tế như hiện nay, nuôi nhím đang có lãi bởi nhím tăng trọng bình quân 1kg/tháng, trong khi đó thức ăn của nhím rất đơn giản, có thể tận dụng thức ăn sẵn có trong gia đình hoặc mua với giá rẻ. Nhím lại rất ít bị bệnh, kỹ thuật nuôi đơn giản, phù hợp với mọi gia đình. Đầu tư nuôi 1 đôi nhím ban đầu là 2 triệu đồng tiền giống, sau 1 năm trọng lượng có thể đạt 24 kg/đôi, với giá bán nhím thương phẩm 250.000 đồng/kg thì thu được 6 triệu đồng, trừ chi phí vẫn lãi 3 triệu đồng.
Như vậy, vấn đề hiện nay là các ngành chức năng cần quan tâm, hướng dẫn, định hướng cho người nuôi nhím, đồng thời nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm từ nhím, tạo đầu ra ổn định cho người nuôi nhím.
Hà Phương