Theo những di chỉ được khai quật tại Cố đô Hoa Lư, nghề làm gốm Bồ Bát đã có niên đại khoảng trên 3.000 năm. Từ xưa, người dân Bồ Bát đã có nghề làm gốm với những sản phẩm gốm độc đáo do những người thợ tài hoa của làng sáng tạo ra... Theo sử sách ghi lại, năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, các nghệ nhân tại làng Bồ Bát theo triều đình về xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh. Những nghệ nhân này đã đến định cư tại vùng đất ven sông Hồng, nơi có đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và thành lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay. Sau khi những nghệ nhân ra đất Thăng Long lập phường làm gốm mới, người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống, những người ở lại chủ yếu làm nghề nông để sinh sống và lãng quên đi cái nghề từng hưng thịnh một thời. Nghề gốm Bồ Bát đã bị "thất truyền" từ đó.
Một tin vui đến với nghề gốm Bồ Bát là năm 2006, anh Phạm Văn Vang, sinh năm 1982 tại chính làng Bạch Liên, xã Yên Thành đã có một ý tưởng độc đáo, đó là làm sống lại thương hiệu gốm cổ Bồ Bát lừng danh một thời. Năm 2000, sau khi học xong phổ thông, chàng thanh niên 18 tuổi Phạm Văn Vang đã khăn gói ra Bát Tràng để trực tiếp gặp các nghệ nhân xin học lại nghề gốm Bồ Bát cũ.
Sau 3 năm miệt mài học và làm nghề anh đã thuê được lò riêng ngay tại Bát Tràng và tự chế tác các tác phẩm mang thương hiệu Bồ Bát mang đi giới thiệu tại thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sau 3 năm vật lộn trên thương trường, có những khó khăn tưởng chừng như có thể đánh gục được ý chí của chàng thanh niên trẻ, nhưng nỗi niềm đam mê khôi phục nghề truyền thống đã thất truyền của quê hương đã thôi thúc chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết này.
Nhiều địa điểm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng mua hàng và cho thuê địa điểm để giới thiệu thương hiệu gốm Bồ Bát. Năm 2006, anh Vang về làng Bạch Liên xây dựng lò gốm ngay chính trên mảnh đất của làng gốm Bồ Bát xưa và mở doanh nghiệp lấy tên là Gốm Bồ Bát. Năm 2008, anh Vang mang sản phẩm đến giới thiệu tại Triển lãm thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội. Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, gốm Bồ Bát cũng được góp mặt trong triển lãm sản phẩm các làng nghề cổ truyền... Tất cả các sản phẩm của Bồ Bát đã được trao nhiều giải thưởng chất lượng của trung ương và địa phương, nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng, trong đó có thị trường khó tính như Nhật Bản.
Cùng chung sức với quyết tâm của anh Vang, người dân làng Bạch Liên cũng đóng góp sức người, sức của để khôi phục lại nghề làm gốm. Được sự giúp đỡ của bà con, anh Vang đã xây dựng được xưởng sản xuất gốm rộng hơn 300 mét vuông với hơn 20 thợ làm gốm. Các sản phẩm chính như chuông gió, vòng cổ, lọ hoa, ấm chén, bát, đĩa với hình dáng đa dạng, màu men được chế tác khá tinh xảo, đặc biệt là các họa tiết trang trí thiên về tính truyền thống. Anh Vang tâm sự: Sắp tới, anh sẽ đưa các hoa văn, họa tiết liên quan tới các giá trị lịch sử của mảnh đất Cố đô vào các sản phẩm để tạo ra nét riêng cho gốm Bồ Bát. Màu men và độ mịn của các họa tiết sẽ tạo ra nét riêng biệt, khác với các dòng gốm khác. Lúc đó, sản phẩm gốm Bồ Bát sẽ lấy lại thương hiệu như xưa…
Theo các nhà khoa học, làng Bạch Liên có một lợi thế là ở đây có loại đất sét Bồ Di, còn gọi là đất non sương, một loại đất sét rất hiếm. Loại đất này có một đặc điểm là chỉ cần nung trong thời gian từ 50-70% so với các loại đất khác nhưng vẫn đảm bảo chất lượng về độ cứng và mịn của gốm. Số lượng hàng gốm sau khi nung bị nứt, vỡ ít hơn so với các loại đất ở nơi khác. Một lợi thế nữa là ở làng Bạch Liên, lượng đất sét có trữ lượng khổng lồ, khai thác hàng trăm năm không hết. Vì vậy, việc gây dựng làng nghề truyền thống gốm Bồ Bát có tính khả thi cao, tạo công ăn, việc làm và thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, để làng nghề đi vào sản xuất ổn định và phát triển còn là chặng đường dài.
Khi hỏi về những khó khăn khi gây dựng lại làng nghề gốm Bồ Bát tại Bạch Liên, anh Vang cho biết: Khó khăn lớn nhất là mặt bằng sản xuất, Đến nay xưởng gốm của anh vẫn sản xuất ngay tại nhà, gần khu dân cư. Do đó, rất chật chội, đường sá đi lại nhỏ hẹp, xe cơ giới không vào được và đặc biệt là vấn đề môi trường. Nếu được thuê mặt bằng ở một địa điểm khác, xa khu dân cư để mở xưởng, có đường giao thông thuận tiện thì mới phát triển được sản xuất với quy mô lớn hơn.
Khó khăn thứ hai là về vốn. Khi đi vay các ngân hàng đều nhận được sự ủng hộ cao, nhưng không có gì để thế chấp. Căn nhà cũ của bố mẹ anh để lại, nếu mang bìa đỏ để thế chấp thì cũng chẳng được là bao... Ba là việc tạo dựng lại thương hiệu gốm Bồ Bát. Đây là việc không chỉ cần đến chất lượng sản phẩm gốm Bồ Bát, mà còn cần sự giúp đỡ, chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, của chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Tâm huyết của chàng trai trẻ Phạm Văn Vang đã thổi bùng lại ngọn lửa lò gốm cổ vốn đã nguội tắt cách đây hàng ngàn năm. Thiết nghĩ, để làng nghề gốm Bồ Bát không bị thất truyền và phát triển hưng thịnh như xưa, rất cần có sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền, của các ban, ngành hữu quan. Cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích trong việc khôi phục và phát triển nghề gốm Bồ Bát, để làng nghề truyền thống quý báu này không bị mai một và được lưu truyền cho thế hệ mai sau.
Bài, ảnh: Xuân Tứ