- Xin ông cho biết hướng đi mới của Việt Nam trong việc xây dựng Chính phủ điện tử?
- Việc Thủ tướng có website riêng là hành động rất đáng mừng cho giới CNTT. Đó là sự gương mẫu của người đứng đầu Chính phủ trong việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính. Chúng ta thử hình dung xem nếu tất cả các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, thủ trưởng các cấp đều có trang web riêng để người dân giao lưu trực tuyến thì cả hệ thống cải cách hành chính đằng sau những bộ trưởng và chủ tịch tỉnh hay cấp dưới nữa sẽ phải đổi mới quy trình. Và toàn bộ ứng dụng CNTT trong đó tự dưng sẽ đổi mới. Đó là những dấu hiệu khởi đầu cho hướng đi mới chứ không làm theo dự án "cầm tay chỉ việc" như trước đây. Sau này những chương trình của Bộ sẽ không còn chữ Chính phủ điện tử nhưng thực chất là Chính phủ điện tử.
- Bộ có đặt ra mục tiêu, lộ trình cho việc phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam không, thưa ông?
- Mục tiêu, lộ trình được đặt ra rất rõ ràng. Chương trình hành động mà ông Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Chiến lược CNTT và Truyền thông, Bộ Thông tin - Truyền thông giới thiệu sáng nay cho thấy rất rõ. Từ nay đến năm 2010, sẽ ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước. Chính phủ sẽ có những kênh thông tin nghe, nhìn, nói từ cấp tỉnh và sau này có thể xuống huyện. Các cơ quan nhà nước sẽ bỏ bớt giấy tờ, có nhiều dịch vụ công tại các địa phương. Về bản chất đó là Chính phủ điện tử mặc dù chương trình không có chữ Chính phủ điện tử nào cả. Cách thức này sẽ làm cho mọi người hiểu Chính phủ điện tử gần gũi hơn.
- Thuận lợi và thách thức khi chúng ta thực hiện Chính phủ điện tử?
- Thuận lợi lớn nhất, theo tôi là hệ thống pháp luật của chúng ta bắt đầu hoàn thiện qua một loạt luật, nghị định được ban hành. Thứ hai là tổ chức hệ thống chuyên trách về CNTT ở tất cả các bộ ngành. Ngoài ra, có một thuận lợi khách quan là kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử trên thế giới, kể cả thất bại lẫn thành công càng ngày càng thấy rõ hơn thông qua những trao đổi chính thức và không chính thức. Một thuận lợi nữa như tôi đã nói là chúng ta bắt đầu có sự quan tâm và gương mẫu từ cấp cao nhất. Đó là điều cực kỳ quan trọng vào thời điểm này.
Khó khăn của chúng ta là đất nước đang phát triển như Việt Nam có rất nhiều việc bức xúc như vấn đề phòng chống dịch bệnh, mùa màng sản xuất, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư… nên lĩnh vực CNTT chưa được đầu tư đúng mức. Vì thế, làm CNTT phải có tầm nhìn xa của lãnh đạo, dù là chưa bức xúc ngay trước mắt nhưng chúng ta không bắt đầu từ bây giờ thì sau này chúng ta sẽ chậm.
Thứ hai, nói đến ứng dụng CNTT trong bộ máy Nhà nước hay Chính phủ điện tử là phải gắn với quá trình chuyển đổi bộ máy từ tư duy, thế giới vẫn nói là từ quản lý sang phục vụ, ít nhất là phải minh bạch hóa, công khai hóa. Tất cả những điều này động chạm đến quy trình làm việc, quan trọng hơn là thói quen, cung cách ứng xử bấy lâu nay của cán bộ công chức.
Còn vấn đề bấy lâu nay vẫn coi là khó khăn lớn thì theo tôi là không phải. Đó là suy nghĩ rằng chúng ta nghèo không đủ tiền để đầu tư cho CNTT. Nghèo cũng là khó khăn, nhưng không phải khó khăn nổi cộm nhất. Bằng chứng là rất nhiều nước trên thế giới nghèo nhưng chính phủ tập trung đổi mới nhờ những giải pháp phát triển tốt. Thêm nữa, nếu Chính phủ có kế hoạch đúng đắn, giới doanh nghiệp không chỉ tham gia vào Chính phủ điện tử như những nhà cung cấp giải pháp. Nhiều nước đã áp dụng để những doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ công trên mạng cho chính phủ. Như thế, lập tức chi phí của Chính phủ đầu tư cho Chính phủ điện tử sẽ giảm ở mức thấp nhất.
- Xin cảm ơn ông!
Hơn 200 đại biểu tham dự cuộc Hội thảo quốc tế về Chính phủ điện tử với chủ đề "Transformative Technology series - Government Innovation in Asia" (Chuyển đổi hệ thống công nghệ - Đổi mới Chính phủ châu Á) diễn ra hôm nay tại Hà Nội. Hội thảo do Viện Chiến lược CNTT và Truyền thông, Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Công ty IDC tổ chức nhằm tạo cơ hội cho Việt Nam học hỏi kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử. Nội dung chính của hội thảo là: cải tiến quy trình và nâng cấp mạng lưới trong các cơ quan chính phủ; xây dựng khung chuẩn nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ: kinh nghiệm thực tiễn trong khu vực và cải tiến công tác quản lý nguồn nhân lực CNTT và các sáng kiến. Đại diện của nhiều công ty lớn trong khu vực và thế giới (Government Insights, ACRA, Avaya, Intel, APC MGE, Kdi Asia...), giám đốc các sở Bưu chính - Viễn thông và các cục ứng dụng CNTT của nhiều cơ quan trung ương và địa phương đã tham dự hội thảo này. |
Mục tiêu chương trình ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước đến 2010 * Nâng cao năng lực quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước: - Hệ thống chỉ đạo, điều hành, trao đổi thông tin thông suốt, kịp thời từ Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - 100% công chức sử dụng thư điện tử, ứng dụng CNTT phục vụ cho công việc - 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện trao đổi văn bản trên môi trường mạng nhằm giảm giấy tờ - Bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh: 50% văn bản nội bộ được lưu chuyển trên mạng. Các thành phố trực thuộc TƯ: 70% văn bản nội bộ được lưu chuyển trên mạng * Phục vụ người dân và doanh nghiệp: - 70% cổng thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh cung cấp dịch vụ hành chính công mức độ 2 - Các tỉnh cung cấp tối thiểu ba dịch vụ hành chính công mức độ 3 - Các thành phố trực thuộc TƯ: 100% cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ hành chính công mức độ 2. 30% doanh nghiệp đăng ký, khai báo, thông quan qua mạng . Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cung cấp tối thiểu 10 dịch vụ hành chính công mức độ 3. Các TP khác cung cấp 5 dịch vụ. (Theo báo cáo của ông Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Chiến lược CNTT và Truyền thông) |
HỒNG VÂN ghi