Trong thời bao cấp, người thầy thuốc thực hành nghề nghiệp chỉ có mục đích là cứu chữa người bệnh; tiêu chí duy nhất để đánh giá đạo đức của người thầy thuốc là sự hy sinh vì sức khỏe và tính mạng người bệnh. Tất cả những người thầy thuốc lúc bấy giờ đều không phải lo đến cuộc sống của mình vì đã có nhà nước bao cấp cho họ. Nhưng trong thời thị trường thì khác, bên cạnh việc chăm lo sức khỏe và cứu chữa người bệnh, người thầy thuốc phải lo cả cuộc sống của chính bản thân họ, ta gọi đó là "mưu sinh". Vì vậy người thầy thuốc cần đặt ra và giải quyết mối quan hệ giữa sự quan tâm cứu chữa người bệnh với vấn đề kiếm sống, mưu sinh. Đó là điểm nổi bật nhất, khác biệt lớn nhất về y đức giữa hai thời kỳ. Trước hết, có thể nói ngành Y là ngành dễ xảy ra những tai nạn, kỹ thuật càng hiện đại bao nhiêu càng dễ xảy ra tai biến bấy nhiêu. Vì sao nghề y lại dễ có những tai nạn? Thứ nhất, do cấu trúc của cơ thể con người rất hoàn chỉnh và là bộ máy phức tạp nhất trong các loài sinh vật. Thứ hai, cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu hết bệnh sinh và bệnh căn của tất cả các loại bệnh, thế nên ngành Y vẫn dùng từ "chẩn đoán", tức trong đó có một phần là đoán chứ không phải đã xác định được hoàn toàn. Thứ ba, những thao tác về y học là những thao tác tinh vi, cứu sinh mạng người bệnh trong môi trường hết sức nhỏ bé như lòng mạch chỉ 2-3mm. Vì thế nghề y là nghề rất dễ gây ra sai sót.
Trước đây trong thực hành y học các tai nạn vẫn xảy ra, nhưng khi giải quyết những tai nạn thì biểu hiện và diễn biến trong mối quan hệ giữa người bệnh hay người nhà người bệnh và thầy thuốc có nhiều điểm khác với bây giờ. Thay cho sự bình tĩnh trước đây là những thái độ nóng vội hiện nay, thay cho cử chỉ ôn tồn là những cử chỉ lăng nhục hay ẩu đả, thậm chí đánh đập người thầy thuốc... Hiện tượng này xảy ra có nhiều nguyên nhân. Có phần do sự xuống cấp của đạo đức xã hội nói chung (một bộ phận người bệnh và người nhà người bệnh chưa có có sự ứng xử một cách văn hóa) và có cả sự xuống cấp của một bộ phận thầy thuốc đã làm cho người bệnh và người nhà của họ thiếu niềm tin. Vì vậy khi xảy ra những tai nạn, dù cho tai nạn ấy không phải là do thầy thuốc thiếu trách nhiệm, thì người bệnh hay người nhà người bệnh đều quy là do thầy thuốc thiếu y đức. Nhưng sự thật không phải như vậy, có một số tai nạn y khoa là bất khả kháng. Điều quy kết này dẫn đến nhiều cán bộ y tế lo lắng về sự an toàn trong nghề nghiệp và sinh ra nản chí, không yên tâm với công việc.
Thực tế, suy thoái đạo đức chỉ một bộ phận thôi chứ không phải là tất cả thầy thuốc, tuy vậy "con sâu làm rầu nồi canh", xã hội đang nhìn vào bộ phận ấy để đánh giá ngành Y tế với một con mắt khác và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với ngành. Phải nói thật rằng trong ngành Y tế hoàn toàn không có sự sách nhiễu là không đúng. Sách nhiễu ở đây có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức: gây khó khăn, gây phiền hà (chờ đợi lâu, thủ tục hành chính phức tạp, máy móc....), cho đến việc gây ra những vấn đề thiệt thòi về mặt kinh tế đối với người bệnh. Thí dụ như một số cán bộ y tế lạm dụng về thuốc men, lạm dụng về mặt kỹ thuật để thu được nhiều tiền; quát mắng người bệnh; có thái độ vô cảm. Nhưng hiện nay chúng ta vẫn nặng về phía kêu gọi. Theo tôi cần phải xác định rõ, nghề y cũng là một nghề với mục đích để kiếm sống. Nhưng điều quan trọng là làm cho anh em thầy thuốc hiểu rằng muốn hành nghề và kiếm sống, cái quan trọng anh phải đặt tính mạng sức khỏe người bệnh lên trên quyền lợi của cá nhân mình. Phải giáo dục cho đội ngũ cán bộ y tế hiểu rằng dù phải mưu sinh, kiếm sống, nhưng nếu anh lấy đó là động cơ làm giàu, thì trong quá trình hoạt động nghề y rất dễ xảy ra sai sót, phạm sai lầm trong chẩn đoán và điều trị.
Vậy nhà nước có nên hoàn toàn để thầy thuốc tự mưu sinh không? Theo tôi, vai trò của Nhà nước trong vấn đề điều chỉnh thu nhập của thầy thuốc là hết sức quan trọng. Nếu để người thầy thuốc tự mưu sinh hoàn toàn sẽ dẫn đến chênh lệch rất lớn ngay trong bản thân đội ngũ thầy thuốc. Nói về thu nhập, thì thầy thuốc ở những thành phố lớn bao giờ thu nhập cũng cao. Vậy thì những người công tác ở miền núi, vùng khó khăn sẽ không yên tâm công tác. Nếu nhà nước không tham gia điều chỉnh, điều hòa thu nhập (là thu nhập chứ không phải đồng lương) thì nguy cơ lâu dài đó là chính cán bộ y tế sẽ trở thành lực cản của mọi cải cách y tế trong tương lai.
Cuối cùng, muốn nâng cao y đức cần có một điều vô cùng quan trọng là nâng cao tính chuyên nghiệp y học. Việc mất niềm tin của người dân đối với ngành Y, ngoài thái độ ứng xử thì một phần rất quan trọng đó là tính thiếu chuyên nghiệp trong thực hành y học. Đừng cho là cứ cười nói, vồn vã với người bệnh thế là đạo đức tốt. Người thầy thuốc phải có đủ trình độ và năng lực để cứu sống người bệnh. Nếu không thì đứng trước người bệnh đang hấp hối, người thầy thuốc chỉ khóc như người nhà thì cũng chẳng giải quyết được gì. Hiện nay, y đức đang bị hiểu theo một chiều theo kiểu hình thức hóa. Do vậy, chỉ có nâng cao tính chuyên nghiệp trong thực hành y học, lấy chất lượng là tối thượng thì y đức mới được duy trì bền vững và dài lâu.
Vũ Văn Cẩn
Phó Giám đốc Sở Y tế