Anh Tuyên kể, lần đầu tiên em hiến máu tình nguyện là năm 2010, đó là thời điểm huyện triển khai phong trào hiến máu một cách có quy mô và sức lan tỏa rộng khắp. Khi đó, dù là Bí thư Đoàn xã nhưng những hiểu biết của tôi về hiến máu tình nguyện còn hạn chế. Bắt đầu đọc sách báo, tìm hiểu thông tin về hiến máu tình nguyện rồi Tuyên thấy đây là một hoạt động đậm tính nhân văn. Những giọt máu cho đi sẽ cứu sống được nhiều người trong tình huống khẩn cấp. Vậy là Tuyên hăng hái kêu gọi thêm đoàn viên trong xã cùng tham gia hiến máu. Tuy nhiên, vì là phong trào mới nên thời điểm đó toàn xã chỉ có khoảng 10 đoàn viên tham gia.
Lần vận động hiến máu đầu tiên chưa tạo được sức lan tỏa lớn đã để lại nhiều trăn trở cho người Bí thư Đoàn xã. Tuyên chia sẻ, qua quá trình vận động đoàn viên tham gia hiến máu tình nguyện, tôi thấy khó khăn nhất đó là kiến thức, nhận thức của đa số đoàn viên, thanh niên và nhân dân địa phương còn nhiều hạn chế. Mọi người chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện. Thậm chí, có người còn cho rằng hiến máu sẽ có hại cho sức khỏe hoặc có nguy cơ làm lây lan bệnh tật, vì vậy việc vận động đoàn viên, thanh niên gặp khó.
Nhưng khó khăn vẫn không nản, người Bí thư Đoàn kiên trì vận động, tuyên truyền thông qua những buổi sinh hoạt ở các chi đoàn. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện thì xuất hiện những khó khăn mới. Đó là tình trạng đoàn viên ít tham gia sinh hoạt. Nếu không sinh hoạt đều đặn thì việc tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách, các phong trào là rất khó. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải thu hút được đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn.
Với cương vị là thủ lĩnh đoàn, Đinh Xuân Tuyên đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm để đổi mới cách thức hoạt động, nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt Đoàn, nhằm thu hút ngày càng đông đoàn viên tham gia. Theo đó, nhiều cách làm kinh tế hay, kiến thức mới được phổ biến trong các đoàn viên, thanh niên góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đến nay, toàn xã có 6 mô hình kinh tế hiệu quả của thanh niên, cho thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm. Bản thân Bí thư Đoàn xã Đinh Xuân Tuyên cũng là một điển hình trong phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi bò và trồng hơn 2 ha mía.
Hiệu quả, sự thiết thực từ các buổi sinh hoạt Đoàn đã góp phần quan trọng trong việc tập hợp, thu hút đoàn viên, thanh niên ở địa phương vào tổ chức Đoàn. Hiện nay, toàn xã có 262 đoàn viên tham gia sinh hoạt ở 13 chi đoàn. Khi việc sinh hoạt Đoàn đã trở đã thành nề nếp thì BCH Đoàn xã đã xác định đây là dịp để tuyên truyền, vận động đoàn viên tham gia các phong trào, trong đó có phong trào hiến máu tình nguyện.
Theo đó, tại các buổi sinh hoạt của các chi đoàn, Đoàn xã đã xây dựng chuyên đề tuyên truyền về phong trào hiến máu tình nguyện với thông điệp "Mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại", góp phần nâng cao nhận thức, giúp đoàn viên, thanh niên hiểu được ý nghĩa của phong trào. BCH Đoàn xã cũng sưu tầm, in nhiều tài liệu giới thiệu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người, phát tận tay các đoàn viên, thanh niên trong xã, trong đó, đội ngũ cán bộ Đoàn ở cơ sở luôn là lực lượng đi đầu, nhiệt tình tham gia phong trào.
Đến nay, ở Cúc Phương có nhiều bí thư chi đoàn tham gia hiến máu tình nguyện từ 5 lần trở lên. Phong trào dần tạo được sức lan tỏa rộng khắp, không chỉ thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia mà nhiều người dân đủ điều kiện cũng đã tích cực tham gia. Hàng năm, số lượng đoàn viên, thanh niên xã Cúc Phương đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện luôn đứng ở tốp đầu của huyện. Riêng trong đợt hiến máu thứ 2 năm 2017 được tổ chức vừa qua, Đoàn xã Cúc Phương đã có 57 đoàn viên, thanh niên tham gia.
Nguyễn Hùng