Ký ức về ngày Tết Độc lập
Ở tuổi 95, sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng khi nhắc đến những ngày thu lịch sử cách đây 75 năm, lão thành cách mạng Nguyễn Mạnh Thân ở phố Nhật Tân, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) sôi nổi hẳn lên, như được sống lại thời điểm những ngày cách mạng sục sôi thuở nào.
"Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Khi ấy việc truyền tin rất hạn chế, nhưng tin tức về cuộc mít tinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình vẫn được lan tỏa mạnh mẽ từ thành thị về nông thôn. Bản thân tôi cũng như nhiều người dân đã bật khóc vì sung sướng, hạnh phúc khi biết từ nay mình đã trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập".- Lão thành cách mạng Nguyễn Mạnh Thân chia sẻ.
Cũng như Lão thành cách mạng Nguyễn Mạnh Thân, đối với cụ Vũ Thị Chìu ở thị trấn Thiên Tôn (huyện Hoa Lư), cho đến hôm nay, ngày Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc vẫn là ký ức thiêng liêng không bao giờ phai nhạt. "Với tôi, ngày Quốc khánh - Tết Độc lập, nhất là Tết Độc lập đầu tiên luôn là cái Tết to nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc đời" - Cụ Vũ Thị Chìu tâm sự.
Tuổi ngoài 90, cụ Vũ Thị Chìu không giấu được cảm xúc bồi hồi khi kể về những tháng ngày cơ cực, đói khổ của người dân trước khi có Cách mạng Tháng Tám: "Thời điểm trước cách mạng, đời sống nhân dân hết sức cơ cực, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Nạn đói diễn ra trầm trọng, người chết đói vô số.
Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, của Bác Hồ, những người nông dân cùng cực đã nổi dậy giành chính quyền để thoát khỏi đêm dài nô lệ, lầm than. Sau khi giành được chính quyền, nhân dân ai cũng rất phấn khởi. Theo lời Bác Hồ dạy, chúng tôi tham gia lớp bình dân học vụ để chống giặc dốt; tích cực lao động sản xuất để chống giặc đói và chung sức chống giặc ngoại xâm, xây dựng nước Việt Nam thống nhất, tươi đẹp.
Từ vùng đất giàu truyền thống Khánh Cư (Yên Khánh), ông Lê Thanh Tâm cho biết: "Kỷ niệm ngày Tết Độc lập, hàng năm gia đình tôi thường đoàn tụ ăn Tết; kể cho nhau nghe truyền thống của cha ông, của quê hương, nhất là về công lao của Bác Hồ - người cả cuộc đời đã tận hiến vì độc lập, tự do của dân tộc, làm rạng danh non sông Việt Nam".
Tự hào với thành tựu hôm nay
Với mong ước xây dựng đất nước Việt Nam "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". 75 năm qua, nhất là trong gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã sát cánh cùng đồng bào cả nước nêu cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống đoàn kết, tích cực tham gia chiến đấu và lao động, sản xuất, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên những thắng lợi trong cách mạng dân tộc, dân chủ cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đáng ghi nhận trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 8,03%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp xây dựng chiếm 45%; GRDP bình quân đầu người đạt 64,8 triệu đồng. Nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, bình quân tăng 22,03%/năm.
Tổng thu ngân sách cả nhiệm kỳ đạt 58.841 tỷ đồng, riêng năm 2019 đạt 16.519 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển nhanh; hết năm 2020 có 106/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 huyện Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn đạt chuẩn huyện nông thôn mới và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo, còn 2,0%. Giáo dục đào tạo tiếp tục được thực hiện theo hướng toàn diện. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức được quan tâm lãnh đạo toàn diện, đồng bộ; triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng được quan tâm thường xuyên... Khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, phát huy, tạo tiền đề cho sự ổn định, phát triển của tỉnh.
Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, thời gian tới, Ninh Bình sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết của toàn dân, khơi dậy ý chí, khát vọng, giá trị lịch sử, văn hóa, con người Cố đô Hoa Lư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững với công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, nông nghiệp hữu cơ, tiên tiến; tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xây dựng hệ thống đô thị thông minh, quy hoạch và phát triển kinh tế vùng ven biển. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế. Xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch phát triển của quốc gia; phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực Đồng bằng sông Hồng, góp phần viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Xuân Trường