Sau hai ngày thảo luận, Hội nghị nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2008 đã kết thúc hôm qua 5.12, với cam kết từ các nhà tài trợ lên tới hơn 5 tỉ USD nhằm tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển, đảm bảo tăng trưởng bền vững và toàn diện. Các nhà tài trợ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục cải tổ, đặc biệt nhằm giải quyết những yếu kém do khó khăn kinh tế hồi đầu năm 2008 tạo ra. Họ cũng nhận xét rằng trong những cuộc khủng hoảng, cần quan tâm đặc biệt đối với người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương nhằm giúp họ không bị tụt hậu.
Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông James Adams, nhận định: "Năm 2009 sẽ có nhiều thách thức và khó khăn hơn nữa, nhưng hội nghị đã kết luận rõ ràng rằng Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì những nỗ lực cải cách kinh tế và xã hội, và vì vậy Việt Nam có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ tiếp tục của cộng đồng các nhà tài trợ".
Trong lời bế mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc xúc động khi nói rằng, ông rất cảm động trước cam kết của các nhà tài trợ đối với Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thế giới khó khăn. Ông Phúc cho rằng điều đó thể hiện niềm tin và sự đồng tình của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Ông nói: "Chính phủ Việt Nam đã đưa ra rất nhiều giải pháp để giải quyết tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay, ổn định nền kinh tế và duy trì mức tăng trưởng tiềm năng cũng như giúp đỡ người dân nghèo vượt qua những khó khăn kinh tế này. Chính phủ cũng quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng nhằm đảm bảo Chính phủ và các nhà tài trợ sẽ đạt được hiệu quả tối đa trong những nỗ lực phát triển của mình".
Ông Shogo Ishii, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thì cho rằng: "Chính phủ cũng cần cẩn trọng trong việc đặt ra các mục tiêu cho năm 2009, đặc biệt là các mục tiêu tăng trưởng và đầu tư. Cũng không kém phần quan trọng là việc thiết kế các chính sách kinh tế phù hợp có tính đến việc cân bằng tăng trưởng với các rủi ro bên ngoài mà Việt Nam có thể gặp phải".
Cam kết của các nhà tài trợ: WB: 1,660 tỉ USD; ADB: 1,566 tỉ USD; Các tổ chức phi chính phủ: 250 triệu USD; Cộng đồng Châu Âu: 893 triệu USD; Pháp: 280 triệu USD; Hàn Quốc: 268 triệu USD; Đức: 186 triệu USD; Hoa Kỳ: 128 triệu USD; Bỉ: 78 triệu USD; Anh: 74 triệu USD; Úc: 67 triệu USD...
Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman cho rằng: "Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển đã thống nhất rằng cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc chiến không khoan nhượng, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện những chương trình hành động tiếp theo để đạt được mục tiêu này". Ông cũng nhấn mạnh lại vai trò quan trọng của thông tin đại chúng nếu muốn cuộc chiến này đạt được thành công. "Báo chí cần được Chính phủ khuyến khích thực hiện vai trò này", vị đại diện đến từ Thụy Điển nói.
Theo Thanhnien