Tuy nhiên ở thời nào cũng vậy vẫn có không ít những người mẹ chồng thương yêu con dâu như con đẻ của mình và nhiều nàng dâu cũng chăm sóc tận tình với mẹ chồng như mẹ ruột. Câu chuyện của chị Phạm Thị Hồng và bà Phạm Thị Ất tại thôn Quỳnh Phong 2, xã Sơn Hà (Nho Quan) là một trong những câu chuyện đầy cảm động về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu.
Có mặt tại ngôi nhà nhỏ của chị Hồng và bà Ất trong một ngày đầu đông lất phất mưa phùn, cái lạnh dường như len lỏi vào từng ngõ ngách của ngôi nhà ngói ba gian ấy, sau một vài câu chuyện xã giao cùng một ấm trà nóng, tôi và chị Hồng có một cuộc trò chuyện thân mật. Những phút trải lòng của chị về cuộc hôn nhân không hạnh phúc, về sự gắn bó với người mẹ chồng năm nay đã 90 tuổi và những đứa con, đứa cháu mà chị nuôi dạy trưởng thành khiến tôi không khỏi xúc động và cảm phục nghị lực sống, đức hy sinh cũng như tình yêu thương bao la của người phụ nữ đã ngoài ngũ thập này.
Năm 19 tuổi chị Hồng về làm dâu bà Ất. Từ những ngày đầu về làm dâu mối quan hệ của hai người đã luôn tốt đẹp, êm ấm, thuận hòa. Tưởng rằng đó sẽ là tiền đề cho một cuộc sống gia đình hạnh phúc nhưng chỉ ba năm sau, chồng chị là anh Thành bỏ nhà ra đi, thi thoảng mới về một lần. Sự vô trách nhiệm của người chồng khiến mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai gầy của chị. Khi chị sinh hạ đứa con thứ ba thì cũng là lúc anh Thành bỏ đi biền biệt không về.
Theo chị được biết thì anh Thành đã có một người phụ nữ khác. Điều đó khiến tất cả dường như đổ sụp trước mắt chị, tình yêu tan vỡ, cuộc hôn nhân không trọn vẹn khiến cuộc sống của chị có thể gói gọn trong hai từ bế tắc. Lúc đó bà Ất thương chị lắm, có những bữa cơm cả hai mẹ con chỉ biết nhìn nhau mà nước mắt cứ túa ra không ăn được. Chị Hồng nhớ lại: " Ngày ấy nếu không có sự động viên của mẹ chắc tôi đã chẳng thể gượng dậy, anh ấy bỏ đi, tôi bị ốm nặng chỉ nằm một chỗ, các con thì còn nhỏ. May mà có mẹ chăm lo việc nhà, thuốc thang cho tôi. Mẹ coi tôi như con đẻ vậy." Tình thương, sự cảm thông của bà Ất chính là liều thuốc tinh thần khiến chị Hồng vượt qua được những khó khăn và dần tìm lại niềm vui, nụ cười trong cuộc sống.
Kể từ ngày anh Thành bỏ đi đến nay cũng đã hơn 20 năm và trong khoảng thời gian đó hai người phụ nữ bất hạnh đã dựa vào nhau để sống, để nuôi dạy các con, các cháu nên người. Trước kia, khi bà Ất còn khỏe mạnh mọi công việc trong gia đình hai mẹ con đều san sẻ với nhau, hai người cùng nhau làm ruộng, cùng nhau nuôi bò, cùng nhau lo toan những công việc lớn bé trong gia đình. Anh em nội, ngoại rồi bà con hàng xóm ai cũng quý mến và nể phục tình cảm, nghị lực sống của hai mẹ con nên thường xuyên lui tới động viên, giúp đỡ những lúc khó khăn. Theo thời gian bà Ất ngày một già yếu, mọi gánh nặng đổ lên vai chị Hồng nhưng chị vẫn luôn hoàn thành trách nhiệm của một người mẹ, người con và chu toàn mọi việc.
Chị Hồng có 3 người con, ngoài ra chị còn nhận nuôi thêm một đứa cháu nhà chồng bị mồ côi. Cuộc sống chỉ dựa vào mấy sào ruộng lại không có người đàn ông làm trụ cột gia đình khiến chị phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, lo ăn từng bữa. Đến nay khi các con, các cháu đều đã trưởng thành và có gia đình riêng cuộc sống của chị mới được thảnh thơi. Tuy nhiên thời gian khắc khổ trước đó khiến chị già hơn nhiều so với cái tuổi 56 của mình, mái tóc đã bạc trắng, gương mặt nhiều nếp nhăn nhưng chị đã có thể nở nụ cười vì các con ai cũng ngoan ngoãn và hiếu đễ. Giờ đây được các con phụng dưỡng chị Hồng chỉ làm ở nhà và chăm sóc bà Ất, người mẹ chồng nay đã 90 tuổi và thường xuyên đau ốm. Chị chia sẻ: " Mấy năm gần đây mẹ tôi cũng yếu đi nhiều, trí nhớ cũng không còn tốt nữa nên tôi chỉ làm quanh quẩn ở nhà chăm bà. Hễ tôi đi đâu ra khỏi nhà là bà lại ra cửa gọi tôi về nên nhiều khi muốn đi đâu chơi cũng khó. Như một thói quen tối nào hai mẹ con cũng phải nói chuyện, tâm sự với nhau mới ngủ được". Bà Ất dù đã già, trí nhớ không còn được minh mẫn như trước nữa nhưng bà vẫn nhớ như in tên chị Hồng. Khi tôi vào chào bà thì bà nói : "Thằng Thành về đấy à, về với cái Hồng đi". Có lẽ trong sâu thẳm trái tim người mẹ ấy vẫn luôn mong người con trai của mình trở về bù đắp cho người con dâu hiếu nghĩa mà bà luôn coi như đứa con gái ruột.
Nhiều khi nằm một mình suy nghĩ chị Hồng cũng thấy tủi thân khi không có được sự yêu thương của người chồng nhưng nghĩ tới những lời động viên của người mẹ già, sự hiếu lễ của những đứa con chị lại thấy đối với mình như thế cũng đã là hạnh phúc, dù cho hạnh phúc đó không trọn vẹn. Đối với chị Hồng lúc này mong muốn lớn nhất chính là các con của mình thành đạt và mẹ ất khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi. Chia tay chị Hồng và bà Ất ra về, dù ngoài trời mưa phùn vẫn lất phất rơi, gió lạnh vẫn thổi nhưng trong tôi bỗng có một cảm giác ấm áp lạ thường.
Đàm Văn Nghị