Vốn là người lính, sau 10 năm phục vụ trong quân đội, năm 1982 ông Thịnh xuất ngũ trở về địa phương. Thời điểm ấy, cuộc sống gia đình Cựu chiến binh Lê Quang Thịnh rất khó khăn. Thu nhập kinh tế của gia đình chỉ trông chờ vào cấy lúa và phát triển kinh tế vườn.
Một thời gian dài, khu vườn rộng 3.400 m2 của gia đình đã được trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng cho kết quả kinh tế rất kém, cùng với đó là công sức bỏ ra không xứng đáng.
Đầu năm 2000, ông Thịnh bắt đầu thực hiện cải tạo vườn tạp. Sau khi đi tìm hiểu, các giống cây mới đang có tiềm năng, hoặc có xu hướng được người tiêu dùng ưa dùng, thì cây hồng xiêm Xuân Đỉnh đã lọt vào tầm ngắm của ông.
Nhận thấy hồng xiêm Xuân Đỉnh là loại cây dễ trồng, sản phẩm dễ tiêu thụ; hơn nữa, hương vị quả thơm, mát, bổ, lại dễ bảo quản, thời gian thu hoạch kéo dài trong năm...nên Ông đã chọn hồng xiêm Xuân Đỉnh là cây để phát triển kinh tế vườn. Vụ đầu, ông trồng gần 70 gốc và thực hiện đúng quy trình trồng và chăm sóc nên chỉ sau 2 năm hồng xiêm trong vườn đã cho thu hoạch.
Kết quả đó là niềm vui động viên khích lệ, để có thêm những bước tiến mạnh hơn trong đầu tư. Năm 2014, nhờ chương trình dồn điền đổi thửa ở địa phương, Ông đã mạnh dạn làm đơn vay vốn của ngân hàng Nông nghiệp PTNT huyện, thông qua Hội cựu chiến binh để mở rộng mô hình trồng cây ăn quả với và trồng thêm 200 gốc hồng xiêm nữa.
Ông Thịnh chia sẻ kinh nghiệm: Hồng xiêm cho thu hoạch quanh năm, do vậy, để cây sinh trưởng và phát triển tốt, cần trồng hàng cách hàng từ 5-8m, cây cách cây khoảng 5m. Khi cây lên được 60-80cm bấm ngọn để cây sinh cành, sau vụ thu hoạch cắt tỉa cành và phun phòng trừ sâu bệnh. Thời kỳ cây ra hoa, đậu quả bón bổ sung phân chuồng ủ mục với lượng 30-50kg/gốc...
Hiện khu vườn gia đình ông Thịnh có gần 250 gốc hồng xiêm. Năm nay thời tiết thuận lợi, cây sai quả. Tính đến hết tháng 9, gia đình ông Thịnh đã bán được gần 5 tấn quả. Với giá "bán buôn" tại vườn dao động từ 20-25 nghìn đồng/kg (tùy quả to, nhỏ) cũng đem lại cho gia đình từ 100 - 125 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi hơn 100 triệu đồng/năm.
Đánh giá về hiệu quả mô hình cây hồng xiêm nhà ông Thịnh, đồng chí Tạ Năng Hiến, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội cho biết: Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Thịnh còn giúp đỡ nhiều hội viên CCB trong xã và các xã lân cận về cây giống, chia sẻ cách trồng và kinh nghiệm chăm sóc cây hồng xiêm. Từ thành công của mô hình, nhiều gia đình trong xã đã học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng.
Hiện ở xã Khánh Hội có 5 mô hình trồng hồng xiêm cho hiệu quả kinh tế cao và đang tiếp tục nhân rộng ra ở địa phương. Đây không chỉ là hướng đi tới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Khánh Hội, mà còn giúp địa phương hoàn thành tiêu chí thu nhập và đạt xã chuẩn NTM trong năm 2016.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh