Gia đình ông Bùi Xuân Minh, thôn Sơn Long, xã Gia Sơn có vườn cam gần 500 gốc đang bắt đầu ra quả. Ông Minh cho biết: Trước đây, toàn bộ hơn 1 mẫu vườn này gia đình trồng nhãn, vải nhưng hầu như chẳng bao giờ được thu bởi cây rất ít khi cho quả, thỉnh thoảng được năm sai quả thì giá lại rất rẻ. Năm 2015, sau khi đi tham quan một số mô hình trồng cam ở Hòa Bình, tôi đã mạnh dạn thay thế nhãn, vải bằng 400 gốc cam, gồm 2 giống cam Canh và cam Vinh.
Qua hơn 2 năm chăm sóc, có thể khẳng định đây là loại cây trồng phù hợp với đồng đất của Nho Quan, cây sinh trưởng, phát triển tốt và đã bắt đầu cho quả khá sai. Ước tính mỗi cây chỉ cần 30 quả là lứa đầu tôi đã có 2,4 tấn cam, nhân với giá khoảng 20 nghìn đồng/1kg, tương đương với số tiền gần 50 triệu đồng.
Được biết, ngoài trồng cam, để lấy ngắn nuôi dài, gia đình ông Minh còn nuôi hơn 1.000 con gà và hơn 100 con ngan lấy thịt.
Tương tự, năm 2017 này gia đình bà Bùi Thị Thu, thôn Đông Minh cũng đã cải tạo hơn 1 mẫu vườn của gia đình để trồng bưởi và một số loại cây ăn quả khác. Bà Thu chia sẻ: Vườn rộng mà lâu nay chẳng thu hoạch được gì, nhãn, mít, mây, tre mọc um tùm.
Thấy quá lãng phí nhưng chẳng biết đưa cây gì vào thay thế cho hiệu quả, được sự hướng dẫn nhiệt tình của các cán bộ khuyến nông, vừa rồi gia đình đã chặt bỏ toàn bộ các cây tạp; đưa vào trồng thay thế bằng 135 cây bưởi da xanh, 25 cây bưởi diễn, 15 cây bơ, 10 cây táo và một số trụ thanh long ruột đỏ. Tổng chi phí giống, phân bón, bờ bao hết gần 100 triệu đồng.
Nhìn chung, do đào hố trồng cây, bón phân, phun thuốc… đúng quy trình kỹ thuật nên các cây trồng mới này đều đã bén rễ và phát triển tốt. Hy vọng vườn cây sẽ sớm có quả và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Theo ông Đào Huy Phước, Phó Bí thư Đảng ủy xã Gia Sơn, hiện nay đa số các hộ dân trong xã đều có vườn nhưng diện tích nhỏ (dưới 1 ha), bà con thường trồng nhiều loại cây và chưa thực sự quan tâm đến chăm sóc nên hiệu quả kinh tế rất thấp.
Xác định việc cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hiện nay là cần thiết, Đảng ủy, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn nhằm bố trí lại không gian vườn, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, xây dựng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu phấn đấu từ năm 2017- 2020 có 50 ha vườn tạp được cải tạo, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Cụ thể, mỗi thôn, xóm có từ 1 - 2 mô hình điểm cải tạo vườn tạp, đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Để tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cây trồng, xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể và các thôn, xóm hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn sản xuất từ các tổ, nhóm tiết kiệm, vay theo hình thức tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cũng như thường xuyên chuyển giao KHKT giúp bà con cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả đạt kết quả cao.
Ngoài ra, địa phương cũng phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện định hướng, khuyến cáo nông dân chỉ nên trồng những loại cây phù hợp với thị trường tiêu thụ và thực hiện mối liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Được biết, mới đây xã kêu gọi được doanh nghiệp Hà Thành ủng hộ máy móc giúp các hộ phá bỏ vườn tạp, đào hố trồng cây mới. Hiện xã đang có hướng liên kết với 1 doanh nghiệp ở Hòa Bình trồng bưởi da xanh và đã có 29 hộ đăng ký tham gia chương trình này với tổng diện tích đất chuyển đổi vào khoảng 8 ha.
Bài, ảnh: Hà Phương