Phóng viên (PV): Sau khi được đưa vào Trung tâm Chữa bệnh giáo dục Lao động xã hội, người nghiện ma túy sẽ trải qua quy trình cai nghiện như thế nào thưa ông?
Ông Đào Mạnh Hùng: Hiện tại, Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội đang quản lý 273 học viên. Sau khi được đưa vào trung tâm, những người nghiện được cắt cơn trong vòng từ 7 - 14 ngày. Sau đó, các học viên bắt đầu cuộc hành trình "tìm lại chính mình".
Tại đây, các học viên vừa trị liệu, vừa học văn hóa và được trang bị các kỹ năng hướng đến tái hòa nhập cộng đồng. Đối với học viên chưa tốt nghiệp THCS thì việc học văn hóa, hoàn thành chương trình THCS là yêu cầu bắt buộc. Trong các buổi học, ngoài dạy văn hóa, Trung tâm cũng rất coi trọng việc giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, đạo đức cho học viên. Thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các học viên còn được truyền đạt những nội dung pháp luật như: Luật Phòng, chống ma túy, Luật Hình sự; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính… Ngoài ra, tất cả học viên tại Trung tâm đều được học các chuyên đề về kỹ năng hòa nhập cuộc sống. Tổ tư vấn của Trung tâm đã trở thành "điểm đến" quen thuộc của nhiều học sinh nhằm tìm sự động viên, chia sẻ về tình yêu, sức khỏe, định hướng nghề nghiệp… Hoạt động của tổ tư vấn góp phần giúp đỡ học viên nhận thức được đầy đủ hành vi sai phạm của mình để từ đó thay đổi suy nghĩ, sống hướng thiện. Chính vì vậy, không ít học viên lúc mới vào trường tỏ ra bất hợp tác, sống khép mình với mọi người xung quanh, nhưng sau một thời gian học tập tại trường đã tỏ ra cởi mở và tự tin hơn.
Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục tại Trung tâm hết sức thân thiện và tích cực. Trong một môi trường chính quy, kỷ luật, học viên được tạo điều kiện tiếp xúc với các phương tiện nghe, nhìn; được tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; được hướng nghiệp… Trung tâm cũng quán triệt nguyên tắc học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Hoạt động lao động không chỉ là một phương pháp trị liệu thông thường, mà thông qua lao động các học viên sẽ hiểu hơn giá trị của lao động, của cuộc sống.
PV: Cai nghiện ma túy là cả một quá trình khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, ngay cả những người đã cai nghiện thành công cũng khó hòa nhập cộng đồng. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do họ không tìm được việc làm?
Ông Đào Mạnh Hùng: Đúng vậy, theo khảo sát đối tượng chữa bệnh bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục-lao động xã hội, trong tổng số 256 đối tượng được khảo sát có mặt tại địa phương thì có tới 176 đối tượng tái nghiện (chiếm tỷ lệ 66%). Trong đó, có 106 đối tượng sử dụng ma túy thường xuyên với mức độ sử dụng từ 200.000-1.000.000 đồng/ngày.
Đáng lo ngại hơn, số đối tượng nghiện lại ma túy ngay sau khi ra khỏi Trung tâm chiếm tỷ lệ tới 51%. Phân tích nguyên nhân cho thấy, chủ yếu là do các đối tượng không có việc làm ổn định.
Có nhiều nguyên nhân khiến người sau cai nghiện khó tìm được việc làm. Trở ngại đầu tiên là do trình độ văn hóa. Trình độ văn hóa còn hạn chế khiến người cai nghiện khó tiếp thu được nghề, do vậy khó tìm việc sau khi cai nghiện. Trong 273 học viên ở thì có tới trên 70% học viên có trình độ văn hóa từ THCS trở xuống. Số không nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định chiếm trên 90%.
Hiện, Trung tâm đã liên kết với một số doanh nghiệp ở các tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương để dạy một số nghề thủ công như: làm lông mi giả, làm đá mỹ nghệ, làm tai nghe, may túi bao bì... Nếu làm việc chăm chỉ, mỗi tháng, các học viên cũng có thu nhập khoảng 600.000 đồng.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những việc mang ý nghĩa trị liệu cho người cai nghiện chứ không thể giúp học viên tìm được việc làm với thu nhập ổn định khi tái hòa nhập cộng đồng. Còn đối với những nghề liên quan đến kỹ thuật, họ chỉ nắm được kiến thức cơ bản, không thể đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Mặt khác, vẫn còn không ít định kiến đối với người từng mắc nghiện, nên các đơn vị sản xuất, kinh doanh thường không muốn tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc.
PV: Dưới góc độ chuyên môn, cần có sự nhìn nhận và đánh giá như thế nào về người nghiện để chúng ta giúp đỡ họ một cách hiệu quả nhất, thưa ông ?
Ông Đào Mạnh Hùng: Nghiện ma túy không đơn thuần là một tệ nạn xã hội mà chính xác hơn đó là một căn bệnh. Người nghiện bị nhiễm độc chất ma túy mãn tính, bộc phát theo chu kỳ, bản thân họ không cưỡng lại được mà phải dùng liên tục, dùng một cách không kiểm soát, liều lượng dùng ngày càng tăng. Người nghiện ma túy vừa là một tội phạm nhưng đồng thời cũng là một người bệnh. Vì vậy, ngoài công tác quản lý thì việc điều trị để họ trở lại con người bình thường là cách giúp đỡ họ thiết thực và quan trọng nhất.
Và để những người sau cai thực sự trở lại con người bình thường thì vẫn cần hơn nữa các cơ chế khuyến khích, tạo việc làm cho họ. Người nghiện có việc làm, có thu nhập ổn định sau cai là điều kiện đầu tiên đảm bảo giảm tỷ lệ tái nghiện.
Để thực hiện được điều đó, tôi nghĩ rằng quan trọng là thái độ, trách nhiệm xã hội của những doanh nghiệp. Chúng tôi rất muốn các doanh nghiệp hãy nhìn nhận những tác động về khía cạnh xã hội, chính là việc tạo việc làm cho những người sau cai. Trong một doanh nghiệp thì có những công việc có kỹ thuật, có những công việc không cần kỹ thuật, có những công việc phù hợp với người đã cai nghiện ma túy.
Các doanh nghiệp hãy nghĩ rằng, nhận một người cai nghiện vào làm việc là giúp cho một gia đình, giúp cho một con người. Từ đó, thay đổi dần định kiến xã hội, để xã hội có cái nhìn nhân ái hơn với những người sau cai nghiện.
Thay đổi cách nhìn về những người cai nghiện thành công cũng có nghĩa là đã làm thay đổi cuộc đời họ, tạo cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn. Tóm lại, để công tác cai nghiện đạt kết quả cao, bền vững thì cần có sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng xã hội.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Hùng (Thực hiện)