Đột phá trong cải cách hành chính Năm 2018 đánh dấu một năm khá thành công của Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Lam Giang (thành phố Ninh Bình) trong sản xuất, kinh doanh, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đã nhanh chóng hoàn thành kế hoạch đề ra ngay trong những năm đầu tiên đi vào sản xuất.
Ông Trịnh Khắc Dương, Trưởng phòng Tổng hợp, Công ty Lam Giang cho biết: Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt trên 16 triệu USD, đây là tín hiệu vui cho thấy sự lựa chọn đúng đắn của lãnh đạo Công ty khi về Ninh Bình đầu tư dự án Nhà máy sản xuất sợi.
Tại Ninh Bình, ngoài được hưởng các chính sách chung của Chính phủ về ưu đãi đối với ngành công nghiệp phụ trợ, chúng tôi còn được địa phương có chính sách ưu đãi đặc thù về thuế, đất đai, lao động. Đặc biệt, việc cải cách hành chính của Ninh Bình rất tốt, tạo điều kiện thông thoáng khi nhà đầu tư tiến hành các thủ tục đăng ký cũng như thực hiện dự án trên địa bàn. Hiện nay, Công ty chúng tôi đang gấp rút hoàn thành dây chuyền 2 để tăng công suất, sản lượng dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý đầu năm nay".
Cùng với cả nước, Ninh Bình luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường cạnh tranh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông"; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ làm ở bộ phận "Một cửa", đồng thời huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư.
Với những quyết tâm đó, năm 2017 chỉ số cải cách hành chính của tỉnh xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 2/9 tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, chỉ số thành phần công tác chỉ đạo, điều hành cải cách xếp thứ 1/63 tỉnh, thành phố; chỉ số về sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
Trong năm 2018, công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế "Một cửa" và "Một cửa liên thông" gắn với chính quyền điện tử" đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thực hiện hiệu quả. Sở đã thực hiện niêm yết, công khai các quy hoạch, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở trên trang Thông tin điện tử và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Trong các năm tiếp theo, Sở sẽ phấn đấu 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp theo nguyên tắc "công khai - minh bạch - chất lượng - đúng hẹn".
Cùng với đó, Sở tiến hành rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, từ đó, giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở đơn giản hóa, chuẩn hóa và thống nhất hóa về hồ sơ. Trong năm 2018, Sở tiếp nhận và trả kết quả 5.521 hồ sơ đăng ký hoạt động doanh nghiệp, tăng 4,6% so với năm 2017; tiếp nhận và trả kết quả 387 hồ sơ liên quan tới lĩnh vực đầu tư, tăng 8,4% so với năm 2017.
Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
Năm 2018, các ngành, các cấp trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh về cải cách hành chính, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, do đó công tác xúc tiến đầu tư trong năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Mặc dù còn một số vướng mắc do việc triển khai thực hiện một số luật như: Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn trong quá trình thực hiện còn nhiều bất cập nhưng tính đến tháng 10 năm 2018, tỉnh đã cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư cho 24 dự án với tổng vốn đăng ký gần 1,958 nghìn tỷ đồng; cấp điều chỉnh cho 39 lượt dự án. Cũng trong năm 2018, tổng số doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới ước đạt 733 doanh nghiệp, tăng 8,7% so với năm 2017 với tổng số vốn đăng ký đạt 5.014,9 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ.
Thực hiện các chính sách về thu hút đầu tư, tỉnh Ninh Bình cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước như Đoàn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam, Đoàn đại biểu thành phố Asan (Hàn Quốc), Đoàn doanh nghiệp tỉnh Changwon (Hàn Quốc); UBND các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Giang; các Tập đoàn: FLC, Vingroup… đã về tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Ninh Bình. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, nhất là mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận vốn tín dụng và thủ tục pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, thuế, đất đai, đăng ký kinh doanh...
Năm 2019, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Ninh Bình tiếp tục được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có sức cạnh tranh trong các lĩnh vực công - nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ (nhất là công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử), dịch vụ. Chính vì vậy, trong thời gian tới Ninh Bình sẽ thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, tăng cường thu hút và phát huy hiệu quả các dự án sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp, nhất là các dự án thuộc ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử.
Các ngành, địa phương tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh liên kết thu hút nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, đặc biệt là tìm kiếm nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh vào địa bàn tỉnh. Thực hiện hiệu quả các chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để triển khai, đưa dự án đi vào hoạt động, góp phần quảng bá, thu hút các nhà đầu tư mới; kiên quyết thu hồi các dự án triển khai chậm tiến độ, cố tình không thực hiện dự án để tạo quỹ đất kêu gọi các dự án đầu tư.
Nguyễn Thơm