Lời kêu gọi trên được Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra trong cuộc gặp gỡ báo chí trước khi tham gia một phiên họp diễn ra trên tàu sân bay Garibaldi ở ngoài khơi thành phố duyên hải Naples thuộc miền Nam Italy vào ngày 22/8. Đây là lần thứ 2 lãnh đạo Italy, Pháp và Đức nhóm họp trước thềm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU vào tháng 9 tới. Tại cuộc gặp gỡ 3 bên đầu tiên được tổ chức ngay sau khi kết thúc cuộc trưng cầu dân ý tại Anh với kết quả nghiêng về Brexit, ông Hollande, bà Merkel và ông Renzi đã kêu gọi tạo nên một "xung lực mới" cho EU. Thậm chí vào tháng trước, ông Renzi đã tỏ rõ lập trường cho rằng, việc kịch bản Brexit trở thành sự thật đã cho thấy một "sự thất bại chính trị" đối với EU và là một "lời cảnh tỉnh" về sự cần thiết của việc tiến hành một cuộc cải cách cấp bách trong khuôn khổ liên minh này.
Cho tới nay, chưa có chi tiết nào liên quan tới cuộc đối thoại giữa ông Renzi, ông Hollande và bà Merkel được tiết lộ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thuộc 3 nước lớn nhất khu vực eurozone này được cho là đã cam kết hợp tác để tạo dựng công ăn việc làm cho những người trẻ tuổi và thúc đẩy hợp tác an ninh nhằm đối phó với một loạt các vụ tấn công khủng bố xảy ra trong thời gian gần đây.
Một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết, cuộc gặp gỡ tay ba giữa ông Renzi, ông Hollande và bà Merkel nhằm "tỏ rõ sự đoàn kết của ba nước lớn nhất châu Âu chứ không nhằm hình thành nên một câu lạc bộ riêng biệt", với mục đích chính là thực hiện công tác chuẩn bị để Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU diễn ra tại thủ đô Bratislava của Solovakia có thể vạch ra một lộ trình cho liên minh này trong thời kỳ hậu Brexit.
Cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo ba nước Italy, Đức và Pháp diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên châu Âu đang chia rẽ về hướng đi tiếp theo để ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, trong đó việc người dân Anh lựa chọn kịch bản Brexit là một ví dụ rõ nét. Hiện nhiều nước thành viên EU đang lo ngại về nguy cơ sẽ diễn ra thêm các cuộc trưng cầu dân ý về việc ra đi hay ở lại ngôi nhà chung, với dự báo là có nhiều khả năng nhất xảy ra tại Hà Lan. Chưa kể tới việc ông Hollande, bà Merkel và ông Renzi cũng đang bất đồng về cách thức thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ của khu vực eurozone. Trong khi các nhà lãnh đạo Italy và Pháp ủng hộ việc kêu gọi đầu tư và hội nhập sâu rộng hơn trong khu vực thì Thủ tướng Đức lại tỏ ra thận trọng trong việc bảo toàn tính nguyên vẹn của EU, mà quan trọng hơn cả là không gây tổn hại đến tình trạng thâm hụt và những nguyên tắc nợ trong liên minh này.
Thu Lan (Theo The Guardian, NHK, The Irish Times)