Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, năm 2019 tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 82.528 tỷ đồng, trong đó, các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân đạt 77.835 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm.
Hệ thống chi nhánh ngân hàng thương mại đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại cấp trên về tăng trưởng dư nợ tín dụng. Tăng cường tuyên truyền về các gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn để thu hút khách hàng, mở rộng cho vay, tập trung dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như cho vay nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động. Đồng thời tích cực tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng trên địa bàn.
Theo đó, một số chương trình tín dụng trên địa bàn đã mang lại hiệu quả cao như: Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 26.600 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm, chiếm 35,3%/tổng dư nợ cho vay; dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 16.555 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm, chiếm 20,1%/tổng dư nợ cho vay; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 13.630 tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm, chiếm 17,7%/tổng dư nợ cho vay.
Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã hỗ trợ cho 205 doanh nghiệp với số tiền cam kết hỗ trợ là 4.100 tỷ đồng, tăng 649 tỷ đồng so với đầu năm; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 1.230 tỷ đồng, tăng 29,5% so với đầu năm, chiếm 1,6%/tổng dư nợ cho vay; dư nợ cho vay phát triển du lịch đạt 1.315 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2018, chiếm 1,7%/tổng dư nợ cho vay.
Cùng với việc đẩy mạnh cho vay theo các chương trình tín dụng, hệ thống chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng đã đồng hành cùng doanh nghiệp để quản lý tốt nguồn vốn. Năm 2019, tổng nợ được cơ cấu lại của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn là 367 tỷ đồng. Tổng nợ được xử lý rủi ro là 1.242 tỷ đồng.
Có thể thấy, hệ thống tín dụng trên địa bàn tỉnh đã làm tốt chức năng của mình hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng, doanh nghiệp, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona.
Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã nhanh chóng triển khai các giải pháp theo quy định. Đại diện Ngân hàng CPTM Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Ninh Bình cũng cho biết: Cùng với hệ thống ngân hàng thương mại khác, Vietcombank Ninh Bình cũng sẽ triển khai đồng loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch hô hấp cấp do virus Corona gây nên theo sự chỉ đạo của cấp trên.
Theo đó, Vietcombank sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn và giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu, khoản vay mới. Cụ thể, Vietcombank giảm 1%/năm đối với dư nợ vay VND ngắn hạn; giảm 1,5%/năm đối với dư nợ vay VND trung dài hạn; giảm lãi suất 0,5%/năm đối với dư nợ vay USD ngắn hạn; giảm 0,75%/năm đối với dư nợ vay USD trung dài hạn.
Đối với các khoản cho vay mới, lãi suất ưu đãi giảm tối đa tới 1%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với USD cho các khách hàng thuộc các lĩnh vực trên đáp ứng điều kiện vay vốn của VCB. Thời gian triển khai các biện pháp hỗ trợ là từ ngày 11/2/2020 đến hết 30/4/2020.
Ông Hoàng Văn Thành, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Hiện Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng, hệ thống tín dụng trên địa bàn triển khai việc nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và theo dõi diễn biến dịch Covid-19, mức độ ảnh hưởng trên địa bàn. Yêu cầu các chi nhánh báo cáo thống kê dư nợ vay bị thiệt hại và các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng vay.
Mặc dù để đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như nhân viên ngân hàng trong quá trình giao dịch, Ngân hàng Nhà nước đã tạm thời bỏ quy định khách hàng phải tháo khẩu trang khi tới phòng giao dịch và cho phép nhân viên ngân hàng đeo khẩu trang khi làm việc.
Song Ngân hàng Nhà nước tỉnh yêu cầu các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn phải tăng cường hơn nữa các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn mức cao nhất đối với tài sản trong giao dịch và ngăn chặn các trường hợp lợi dụng để gây mất an ninh, an toàn khi giao dịch.
Hiện dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra đang có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng phải chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu... để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… theo quy định pháp luật hiện hành. Hướng dẫn hỗ trợ khách hàng trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.
Nguyễn Thơm