Dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UV dự khuyết TƯ đảng, TVTU, Trưởng ban Dân vận tỉnh ủy; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Hữu Bình, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hồng Quang, TVTU, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên MTTQVN tỉnh.
Tại hội nghị, đồng chí Phạm Hồng Quang, TVTU, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh đã giới thiệu một số nội dung chủ yếu và những điểm mới trong Luật số 63/2010/QH12 ngày 24/11/2010 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân. Thông báo dự kiến của UBTVQH về cơ cấu, thành phần và số lượng ĐBQH được bầu của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân; người tự ứng cử thuộc cơ cấu và số lượng ĐBQH. Tổng số ĐBQH khóa XIII là 500 người, trung ương 183 đại biểu, chiếm 36,6%; địa phương 317 đại biểu, chiếm 63,4%, đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 3 đại biểu của trú tại địa phương.
Đối với tỉnh Ninh Bình, dự kiến số lượng đại biểu được bầu là 6 đại biểu, trong đó đại biểu cư trú và làm việc tại tỉnh là 4 đại biểu, số đại biểu công tác ở các cơ quan Trung ương giới thiệu về là 2 đại biểu. Trong số 4 đại biểu làm việc tại tỉnh dự kiến có 1 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt, 1 đại biểu chuyên trách và 2 đại biểu thuộc các lĩnh vực: giáo dục; y tế, Văn hóa - nghệ thuật; Lao động - Thương binh - Xã hội; Cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ (công nghiệp, nông nghiệp, liên doanh với nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân) và các lĩnh vực khác. Về cơ cấu kết hợp dự kiến có 2 đại biểu nữ, 1 đại biểu là người ngoài đảng, 1 đại biểu trẻ tuổi, đại biểu tái cử khoảng 1-2 đại biểu. Số lượng đại biểu ứng cử hiệp thương lần 1 Ninh Bình sẽ giới thiệu 12 đại biểu và dự kiến số lượng người trong danh sách hiệp thương lần thứ 3 còn ít nhất 10 đại biểu.
Các ý kiến thảo luận tại hội nghị đều nhất trí cao với cơ cấu và số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Một số ý kiến cho rằng cơ cấu kết hợp tương đối rộng, cơ cấu MTTQ và các đoàn thể cấp huyện, thành phố, thị xã có 1 đại biểu nữ và dự kiến giới thiệu 3 đại biểu, trong đó cần nêu rõ giới thiệu 1 lãnh đạo đoàn Thanh niên cấp xã là nữ. Hội nghị cũng đã tiến hành biểu quyết với tỷ lệ nhất trí 100% về phân bổ cơ cấu, số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIII tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2011-1016.
*Chiều cùng ngày, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người giới thiệu ứng cử và tự ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Hữu Bình, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hồng Quang, TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Đồng chí Phạm Hồng Quang đã giới thiệu một số nội dung chủ yếu và những điểm mới trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND; thông báo dự kiến của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016 của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Theo đó, dự kiến về số lượng đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016 được bầu 50 đại biểu, dự kiến số đơn vị bầu cử là 14. Về cơ cấu đại biểu trẻ tuổi dưới 35 phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 15%; cơ cấu đại biểu là nữ phấn đấu đạt 30%; cơ cấu đại biểu người ngoài Đảng khoảng 10%.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất ý kiến về cơ cấu đại biểu HĐND tỉnh, trong đó nhiều ý kiến cho rằng nên quan tâm phân bổ số lượng đại biểu ở các lĩnh vực hoạt động như: tri thức khoa học, văn hóa, nghệ thuật, cán bộ cơ sở, đại biểu là thành phần kinh tế tập thể cũng như bổ sung số lượng đại biểu thuộc lĩnh vực ngân hàng, chính sách xã hội…, đảm bảo cho nhiều thành phần trong xã hội được tham gia đại biểu HĐND. Các đại biểu đã biểu quyết nhất trí thỏa thuận số lượng người ứng cử hiệp thương lần thứ nhất là 95 đại biểu.
Quốc Khang - Đức Nghĩa