Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục được thực hiện đồng bộ, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ được bố trí đến 100% xã, phường, thị trấn. Các đề án, dự án nhằm từng bước cải thiện chất lượng dân số như Đề án "Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh", Đề án "Mô hình cung cấp thông tin và dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên", Dự án "Lồng ghép dân số với phát triển bền vững"… được tích cực triển khai.
Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng, góp phần làm giảm tốc độ gia tăng dân số, tỷ lệ giảm sinh đều đạt và vượt mức chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ sinh thô giảm từ 15,05o/oo năm 2000 xuống còn 14o/oo năm 2008, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 2,4 con năm 2000 xuống còn 1,9 con năm 2008 (toàn tỉnh đạt mức sinh thay thế từ năm 2002), giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 16,2% năm 2000 xuống còn 14,5% năm 2008, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng từ 26,3% năm 2004 xuống còn 19,9% năm 2008.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dân số-KHHGĐ của tỉnh còn một số hạn chế như: Kết quả thực hiện dân số-KHHGĐ không đồng đều, mức sinh giảm nhưng chưa vững chắc. Mỗi năm, trung bình toàn tỉnh có 12-13 nghìn trẻ em sinh ra nên nguy cơ gia tăng tốc độ phát triển dân số khá cao; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chậm, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, đặc biệt là vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ 3, gây tác động tiêu cực đến cuộc vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Chất lượng dân số còn hạn chế, tỷ lệ giới tính khi sinh ngày càng có sự chênh lệch lớn, cho thấy tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" vẫn còn khá nặng nề. Năm 2008, tỷ lệ giới tính khi sinh toàn tỉnh vượt mức bình thường, 114 bé trai/100 bé gái (tỷ lệ giới tính cân bằng trong tự nhiên là 103-105 trẻ trai/100 trẻ gái)…
Theo đồng chí Lưu Danh Cung, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trong công tác dân số-KHHGĐ là do: Một số nơi, cấp ủy, chính quyền còn có tư tưởng chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, dẫn tới tình trạng buông lỏng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình dân số-KHHGĐ; nhận thức của một bộ phận dân cư về công tác dân số-KHHGĐ còn hạn chế: tâm lý trọng nam, khinh nữ còn nặng nề, thích sinh nhiều con…; hệ thống tổ chức làm công tác dân số-KHHGĐ có sự thay đổi, việc chỉ đạo, điều hành có thời gian bị gián đoạn. Chế độ cho cán bộ dân số-KHHGĐ thấp nên chưa động viên, khuyến khích họ say mê với công việc…
Trước thực trạng trên, vừa qua, tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XII đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án của UBND tỉnh về "Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình đến năm 2015". Mục tiêu của Đề án là thực hiện mô hình gia đình ít con, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý, phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên, duy trì mức sinh thay thế một cách vững chắc trong toàn tỉnh. Nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể đến năm 2015: giảm sinh trong 2 năm 2009-2010, mỗi năm là 0,22o/oo, đến năm 2010 tỷ lệ sinh còn 13,5o/oo. Giảm sinh bình quân hàng năm từ 2011-2015 dưới 0,15o/oo; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hàng năm 1%, đến năm 2015 còn dưới 10%; giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn dưới 15%...
Các giải pháp chủ yếu là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai các mục tiêu dân số-KHHGĐ; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác này; những cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội nếu có người sinh con thứ 3 trở lên thì không được xét khen thưởng và các danh hiệu thi đua trong năm vi phạm.
Thực hiện xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số-KHHGĐ theo quy định của Điều lệ Đảng và quy định của pháp luật hiện hành. Có chính sách khen thưởng cho các xã, phường, thị trấn, thôn, khu dân cư không có người sinh con thứ ba; triển khai thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, vận động và giáo dục thực hiện dân số-KHHGĐ đến mọi đối tượng, trong đó ưu tiên các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam giới, chú ý vận động những gia đình đã có 2 con để không sinh con thứ 3. Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động gắn với đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ có chất lượng cao tới cơ sở, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng miền núi, ven biển; mở rộng các hình thức và nâng cao chất lượng giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản-KHHGĐ, giới tính trong và ngoài nhà trường trên địa bàn tỉnh. Đa dạng hóa các loại hình cung cấp dịch vụ và tư vấn sức khỏe sinh sản-KHHGĐ.
Lồng ghép các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ với các dịch vụ về nâng cao chất lượng dân số như: Cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên, tư vấn kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc phát hiện các bệnh bẩm sinh của thai nhi và trẻ sơ sinh. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động siêu âm, chẩn đoán giới tính thai nhi…
Việc thực hiện tốt công tác dân số-KHHGĐ trong thời gian tới sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, biến những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành hiện thực trong cuộc sống.
Bài, ảnh: Thanh Hà