Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đi thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Gia Viễn và thành phố Tam Điệp.
Cùng đi có các đồng chí: Trần Hồng Quảng, TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Lãnh đạo sở Nông nghiệp & PTNT, Hội Nông dân tỉnh; Liên minh HTX tỉnh; lãnh đạo các địa phương có mô hình.
Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau quả an toàn tại xã Gia Phương-Gia Viễn có tổng diện tích 6.000 m2. Từ năm 2017 bắt đầu thực hiện trên diện tích 3.000 m2 với nhà lưới có khung cột bằng bê tông và thép, hiện đang mở rộng thêm 3.000 m2. Bên trong khu nhà lưới trên trồng các loại rau, củ, quả : Cà chua, rau cải, cải bắp, su hào, đậu đỗ..
Do được trồng trong nhà lưới, đất lại được xử lý trước khi trồng, sử dụng phân bón hữu cơ..nên trách được chuột, bọ, hạn chế được sâu bệnh và không phải sử dụng đến thuốc trừ sâu. Sản phẩm được tiêu thụ tại các cửa hàng rau an toàn của TP Ninh Bình, Tam Điệp và các đơn đặt hàng của Hà Nội. Các sản phẩm: dưa chuột, rau, ăn lá sản xuất 4 vụ/năm và bình quân cho doanh thu 30 triệu đồng/sào/năm, tương đương với khoảng 800 triệu đồng/ha/năm.
Mô hình cũng đã được hưởng chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với tổng kinh phí 200 triệu đồng và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, nhà lưới, tiếp nhận công nghệ ghép dưa chuột trên gốc bí của Hàn Quốc.
Tại mô hình này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Đây là mô hình tiên tiến phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước trong việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, bền vững với khối lượng lớn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biểu dương tinh thần dám nghĩ, dám làm của người thanh niên Lê Văn Tiên theo học ở lĩnh vực khác (Kỹ sư xây dựng-tốt nghiệp năm 2014) nhưng lại trở về quê hương làm nghề nông, lĩnh vực có nhiều rủi ro và hiệu quả không cao; đồng thời cũng mong muốn mô hình tiếp tục hoàn thiện để đạt được các tiêu chí theo yêu cầu và được hưởng các chính sách của huyện và tỉnh.
Tại trang trại chăn nuôi hữu cơ (Công ty CP nông nghiệp hữu cơ S.Garden-Hà Nội) tại thôn Đá Hàn-Gia Hòa -Gia Viễn). Đây là trang trại có quy mô 12 ha nằm trong thung Đá Hàn với hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và hiện đang có: 100 con lợn nái, 400 con lợn thịt, 300 con gà Rosa; cùng với đó là trồng các loại cây như: Ngô, đậu tương, hoa hồng, chè, cây dược liệu, rau quả... Nông nghiệp hữu cơ là không dùng hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, hóc môn trong chăn nuôi và trồng trọt nhằm tránh biến đổi gen.
Trang trại thực hiện theo chuỗi sản xuất khép kín: Ngô, đậu tương dùng chế biến thức ăn cho lợn, gà; chè làm nước uống và tắm cho lợn; cây dược liệu dùng để phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm...Với phương thức chăn nuôi hữu cơ nên các sản phẩm thịt lợn, gà của trang trại đều có giá cao gấp 3 lần so với sản xuất thông thường và được tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình kinh doanh thực phẩm sạch tại thành phố Tam Điệp.
Mục tiêu của doanh nghiệp tại Ninh Bình là trong năm 2018, xây dựng vùng nguyên liệu quy mô 100 ha và xây dựng nhà máy chế biến thức ăn hữu cơ tại địa bàn; đưa trang trại trở thành trang trại đạt tiêu chuẩn hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam; đào tạo nông dân trong vùng và xây dựng được một cộng đồng vùng nông nghiệp tự nhiên không có hóa chất.
Trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp S.Gaden, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vui mừng phấn khởi khi thấy tại một thung lũng hẻo lánh, hoang sơ...lại có một trang trại chăn nuôi hữu cơ. Sự hiện diện của Trang trại cũng đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng quê này với hướng đi trong sản xuất kinh doanh đúng, trúng, phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của người tiêu dùng. Công ty cũng sớm có kế hoạch báo cáo tỉnh về dự kiến mở rộng quy mô đầu tư tại Ninh Bình.
Đến thăm doanh nghiệp Tiến Lý tại thôn 12-Đông Sơn-TP Tam Điệp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Đây là mô hình khép kín từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp có nhà hàng, có cửa hàng bán sản phẩm tạitrung tâm TP Tam Điệp và có trang trại sản xuất chăn nuôi tại thôn 12-Đông Sơn-TP Tam Điệp.
Việc đi vào sản xuất bắt đầu từ năm 2002 và năm 2014 thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây con đặc sản xã Đông Sơn với 25 thành viên. Hiện các thành viên trong tổ có: Trên 300 con hươu, nai; 500 con dê; 500 lợn rừng; 150 con bò; 10 con ngựa; 1000 con lợn thịt, hàng trăm con nhím...
Doanh thu hàng năm ước đạt trên 5 tỷ đồng/năm. Thức ăn, ngoài thức ăn tự nhiên (ở trên núi và vùng trồng cỏ) còn dược chế biến đảm bảo tận dụng tối đa nhờ các máy móc. Sản phẩm của các thành viên trong tổ hợp tác được tiêu thụ chủ yếu tại nhà hàng và cửa hàng nông sản an toàn của doanh nghiệp tại trung tâm TP Tam Điệp. Đây chính là một địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP Tam Điệp nói riêng và cả Tỉnh nói chung.
*Sáng 22/2, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đi kiểm tra tình hình sản xuất tại xã Ninh Tiến và phường Ninh Sơn (thành phố Ninh Bình). Cùng đi có đồng chí Lê Hữu Quý, TVTU, Bí thư Thành ủy Ninh Bình; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND thành phố.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm mô hình tại phường Ninh Sơn, tp Ninh Bình.
Tại xã Ninh Tiến, lãnh đạo xã đã báo cáo nhanh với đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy về việc triển khai một số nhiệm vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Theo đó, xã đã chỉ đạo các HTX nông nghiệp chủ động xuống đồng, làm đất gieo mạ và cấy lúa vụ Đông Xuân đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất. Hiện toàn xã đã gieo cấy khoảng 40% diện tích. Cùng với tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, xã Ninh Tiến chú trọng bảo đảm an toàn, an ninh trật tự và tổ chức tốt các điều kiện cho nhân dân vui xuân, đón Tết an toàn và tiết kiệm.
Xã đã tổ chức thăm hỏi và trao quà cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số trên 1.500 xuất quà với tổng trị giá trên 285 triệu đồng. Để đảm bảo an ninh, trước Tết, lực lượng công an xã đã tổ chức ký tuyên truyền, kết với 1.500 hộ và các em học sinh, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn không sản xuất, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và thả đèn trời. Do vậy tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Thành ghi nhận những kết quả của xã Ninh Tiến trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và tổ chức cho nhân dân vui xuân, đón Tết.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí đề nghị đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xã cần thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao ngay từ ngày làm việc đầu tiên của năm Mậu Tuất; không tổ chức du xuân, liên hoan, làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc; tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính.
Trước mắt, Đảng ủy, UBND xã cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyển quân, bảo đảm giao đúng, giao đủ với chất lượng tốt nhất. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lưu ý, đội ngũ cán bộ xã Ninh Tiến cần năng động hơn trong triển khai các cơ chế, chính sách của trung ương, tỉnh, thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương;tạo điều kiện để bà con nông dân được đi thăm quan, học tập các mô hình sản xuất mới, hiệu quả, góp phần đưa Ninh Tiến sớm trở thành phường. Đi đôi với phát triển kinh tế cần chú trọng xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Tại Phường Ninh Sơn, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng đốt pháo, thả đèn trời, vi phạm an toàn giao thông, mất an ninh trật tự.
Đặc biệt, để chăm lo Tết cho người nghèo, phường đã huy động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng chung tay chăm lo Tết cho người nghèo, các đối tượng chính sách, đảm bảo nhà nhà, người người đều có Tết.
Đối với sản xuất nông nghiệp, phường đã chỉ đạo các HTX cung cấp đủ nước cho sản xuất đúng thời vụ; khuyến khích các hộ đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm tạo ra các loại cây trồng có giá trị cao, nâng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác; đồng thời triển khai làm tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm...
Làm việc tại phường Ninh Sơn, sau khi nghe lãnh đạo phường báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương những kết quả mà phường đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là tinh thần hành động, chủ động trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy gợi mở: Trong phát triển kinh tế, Ninh Sơn cần khai thác lợi thế vùng ven đô để xây dựng chiến lược xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất, đặc biệt coi trọng sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm; chủ động rà soát các mô hình sản xuất, trên cơ sở đó đánh giá hiệu quả để có biện pháp hỗ trợ, nhân rộng các mô hình.
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phường cần nâng cao tinh thần tận tụy, tân tâm, trách nhiệm với công việc. Bên cạnh đó, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu phường Ninh Sơn quan tâm chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng, trồng nhiều cây xanh, tạo điểm nhấn cho cảnh quan của phường.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đoàn công tác đã đi thăm 2 mô hình sản xuất có hiệu quả, đó là mô hình trồng rau sạch nông dân Trần Ngọc Bích và mô hình trồng, kinh doanh hoa hồng cổ của nông dân Phạm Văn Hưng (Phường Ninh Sơn).
Nhân dịp này, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã tặng quà cán bộ, công chức, viên chức xã Ninh Tiến, phường Ninh Sơn và tặng quà cho các nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn phường Ninh Sơn.
Đinh Ngọc- Trường Giang-Đinh Chúc-Đức Lam