* Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đi thăm, kiểm tra, động viên sản xuất đầu năm tại một số công trình, doanh nghiệp và một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Kim Sơn và Yên Khánh.
Cùng đi có các đồng chí: Tô Văn Từ, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Trần Song Tùng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn; Nguyễn Hoàng Hà, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành; huyện Yên Khánh, Kim Sơn
Tại huyện Kim Sơn, đoàn đã thăm, động viên công tác ra quân đầu xuân của các cán bộ, kỹ sư, công nhân các dự án: dự án Đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I); dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ và dự án tuyến đường ĐT.482B.
Tại các nơi đến thăm, đại diện chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã báo cáo tình hình thực hiện dự án và công tác ra quân đầu năm.
Theo đó, dự án Đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình có quy mô đầu tư giai đoạn I bao gồm xây dựng cầu vượt sông Đáy và 2,1 km nền đường hai đầu cầu vượt sông Đáy phù hợp với quy hoạch được duyệt tuyến đường bộ ven biển đi qua các tỉnh; tổng mức đầu tư 682 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh. Đến nay, địa phận huyện Kim Sơn đã bàn giao mặt bằng được 1,69/2,15 km. Giá trị xây lắp đạt 70%. Kế hoạch vốn bố trí năm 2023 là 50 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.
Đối với Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm- Kim Sơn thuộc dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ. Dự án có tổng mức đầu tư là 881,819 tỷ đồng từ vốn vay cơ quan phát triển Pháp AFD, được khởi công ngày 7/10/2022. Hiện nhà thầu đang thi công nền đường một số tuyến, khối lượng xây lắp hoàn thành ước đạt 40 tỷ đồng.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhà thầu thi công tuyến đường ĐT.482B (địa bàn huyện Kim Sơn) thuộc dự án Đầu tư Xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và kết nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 12B đã tập trung huy động đầy đủ nhân lực máy móc để ra quân đồng loạt trên tất cả các mũi thi công.
Đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng thi công được 31,88/38,89 km (đạt 82%). Đơn vị thi công đã thực hiện được một phần tuyến ĐT482B, ĐT482C, ĐT482G, cầu sông Vạc, cầu sông Bút với tổng giá trị xây lắp đạt khoảng 22%. Năm 2022 đã thanh toán, tạm ứng 475/475 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Năm 2023, phấn đấu hoàn thành 2 tuyến ĐT482B và tuyến ĐT482G để đưa vào khai thác, sử dụng.
Đến thăm, tặng quà, động viên công tác ra quân đầu năm tại các công trình dự án quan trọng của tỉnh trên địa bàn huyện Kim Sơn nhân dịp đầu năm mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã thăm hỏi, động viên đội ngũ kỹ sư, công nhân viên nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện các dự án theo đúng tiến độ đã đề ra.
Ghi nhận sự nỗ lực của các ngành cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có dự án đi qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kỳ vọng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chủ đầu tư, nhà thầu thi công phối hợp chặt chẽ với địa phương tiến hành triển khai đồng bộ dự án, tạo khí thế, động lực cho một năm thành công, thắng lợi.
Đồng chí cũng đã lắng nghe các ngành, địa phương trình bày những thuận lợi, vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng và triển khai dự án. Nhấn mạnh về vai trò và tầm quan trọng của các dự án góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, tạo thuận lợi trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp với huyện Kim Sơn để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, không để dự án chậm tiến độ do không có mặt bằng sạch.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận với Nhà nước khi thực hiện các dự án hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện để phát triển KT-XH ở địa phương, từng bước cụ thể hóa mục tiêu hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025 và thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 14/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đến thăm mô hình sản xuất 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của Công ty TNHH Vina Handicrafts tại xã Quang Thiện và mô hình nuôi cá Vược của hộ ông Trần Văn Giang tại xóm 6, xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ân cần thăm hỏi, động viên các hộ kinh doanh, mong rằng với sức sáng tạo và sự nhiệt huyết, các cá nhân sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh của địa phương, từ đó đưa các sản phẩm nông sản của Kim Sơn tiến xa hơn, trở thành niềm tự hào của Ninh Bình.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ các ngành nghề chế biến nông sản của địa phương được phát triển thuận lợi, trở thành sản phẩm có thế mạnh trong du lịch và xuất khẩu.
Tại huyện Yên Khánh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn đã tới thăm mô hình gieo mạ khay, cấy bằng máy và động viên bà con nông dân HTX Nông nghiệp Kiến Thái, xã Khánh Trung trong vụ sản xuất mới.
Đánh giá cao hiệu quả của mô hình trong giảm chí phí sản xuất, tiết kiệm nhân công, đảm bảo khung thời vụ khi chỉ trong 15 phút máy có thể cấy được 1 sào ruộng, nhanh gấp nhiều lần so với cấy tay, đồng chí biểu dương sự vào cuộc của huyện, của xã trong tuyên truyền vận động người dân đưa cơ giới hóa đồng bộ vào quá trình sản xuất cũng như mở rộng diện tích lúa chất lượng cao lên 95% đồng thời đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng mô hình, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, an toàn, bền vững theo hướng hữu cơ.
Đoàn công tác đã đến thăm, động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động Nhà máy Kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao-CFG của Công ty TNHH Công nghiệp Hạ Long - CFG tại KCN Khánh Phú.
Dự án được cấp Chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 28/2/2014 với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất kính nổi có công nghệ tiên tiến, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, thay thế sản phẩm ngoại nhập, đáp ứng nhu cầu kính xây dựng của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đi vào hoạt động từ năm 2017 đến năm 2022, doanh thu dự án đạt 3.281 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 4,5 triệu USD, nộp ngân sách 14,992 tỷ đồng; sử dụng 801 lao động, mức lương bình quân đạt 7,2 triệu/người/tháng.
Sau khi thăm hỏi, kiểm tra tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp trong những năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, điều đáng mừng là với nỗ lực vượt khó, các doanh nghiệp vẫn bảo đảm duy trì ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động; tình hình sản xuất, kinh doanh trong năm 2022 tuy gặp không ít khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã biết cách vượt khó sau đại dịch để ổn định sản xuất, kinh doanh và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, biểu dương.
Nhân dịp năm mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã gửi lời chúc tới các doanh nghiệp, công nhân, người lao động có một năm thành công, phát triển hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển KT-XH và các hoạt động an sinh xã hội của địa phương.
* Sáng 30/1, đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi thăm và động viên sản xuất đầu xuân tại một số công trình dự án trọng điểm, đơn vị sản xuất trên địa bàn thành phố Ninh Bình và huyện Yên Mô.
Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lưu Danh Tuyên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Bùi Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Hữu Quý, Bí thư Thành ủy Ninh Bình; đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo thành phố Ninh Bình, huyện Yên Mô.
Đến thăm, động viên sản xuất tại Nhà máy sản xuất giày da của Công ty TNHH Giày Athena Việt Nam tại xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nghe lãnh đạo doanh nghiệp báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2022 của đơn vị.
Năm qua, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của tình hình lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, Công ty TNHH Giày Athena Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực. Năm 2022, tổng doanh thu đạt trên 1.280 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 9,7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 8.800 lao động với mức thu nhập bình quân gần 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong năm 2023, cùng với việc tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty sẽ đầu tư, mở rộng sản xuất nhằm tăng sản lượng, mở rộng thị phần tiêu thụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Phấn đấu năng suất đạt 11 triệu sản phẩm/năm, doanh thu đạt 1.350 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 10 tỷ đồng.
Sau khi thăm và nghe báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất đánh giá cao sự nỗ lực vượt qua khó khăn của tập thể lãnh đạo Công ty nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt, đồng chí biểu dương những hoạt động thiết thực của Công ty chăm lo quyền lợi, đời sống cho người lao động trong dịp Tết Quý Mão 2023. Điều đó đã động viên khích lệ, tạo sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp. Thể hiện rõ bằng tỷ lệ lao động trở lại ngày làm việc đầu tiên sau Tết đạt cao. Đây sẽ là sự khởi đầu thuận lợi để bước vào năm Quý Mão doanh nghiệp đạt những thành công mới rực rỡ hơn.
Năm 2023, đồng chí mong muốn Công ty tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đẩy mạnh sản xuất, tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn hoạt động hiệu quả, luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động, qua đó góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng chí cũng đề nghị các cấp, các ngành địa phương quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Đoàn đã tới thăm mô hình trồng dưa ánh kim, dưa lưới tại hộ ông Tống Viết Vinh, xóm 4, xã Mai Sơn, huyện Yên Mô - hộ đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao sản xuất nông nghiệp.
Năm 2022 được huyện Yên Mô hỗ trợ, ông Vinh đã lắp đặt và mở rộng diện tích nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm lên 5.000 m2 trồng các loại dưa có giá trị kinh tế cao với 4 vụ/năm. Ước doanh thu 1 năm từ mô hình trồng dưa đạt khoảng 4 tỷ đồng/ha, cao gấp 15- 20 lần so với sản xuất truyền thống, lợi nhuận đạt trên 1,6 tỷ đồng/ha/năm.
Tại nơi đến thăm, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Mai Văn Tuất đánh giá cao sự năng động, nhạy bén, thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của gia đình ông Vinh. Qua đó góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Đồng chí đề nghị gia đình ông Vinh tiếp tục phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện, mở rộng quy mô sản xuất, khẳng định thương hiệu nông sản an toàn, xây dựng thành công sản phẩm OCOP, góp phần cùng xã Mai Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Báo cáo với đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại buổi thăm và làm việc đầu năm, lãnh đạo Nhà máy ống xả ô tô của Công ty TNHH JT Tube Việt Nam tại Cụm Công nghiệp Cầu Yên, thành phố Ninh Bình cho biết: Công ty TNHH JT Tube Việt Nam chuyên sản xuất ống xả ô tô cung cấp cho thị trường xuất khẩu khoảng 70% và tiêu thụ nội địa 30%.
Vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, ảnh hưởng của khủng hoảng chất bán dẫn ngành ô tô toàn cầu, Công ty vẫn cố gắng vận hành, ổn định sản xuất, đem lại công việc ổn định cho người lao động trong tỉnh. Doanh thu năm 2022 đạt khoảng 130 tỷ đồng, sản lượng sản xuất đạt gần 3 triệu chiếc. Năm 2023 Công ty phấn đấu đạt doanh thu 250 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu đề ra, Công ty mong muốn các cấp, ngành tạo điều kiện hỗ trợ mở rộng sản xuất kinh doanh sang các lĩnh vực khác.
Ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, kết quả đạt được của Công ty trong năm 2022, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị năm 2023 Công ty tiếp tục phát huy kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện thành công chiến lược cũng như kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước, sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đồng chí cũng đề nghị các sở, ngành liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện để Công ty hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh trong năm 2023.
Tiếp đó, đoàn đã đến kiểm tra công tác ra quân đầu xuân Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường T21 (đường Lê Duẩn) giai đoạn I trên địa bàn thành phố Ninh Bình.
Tuyến đường có chiều dài 2,7 km với tổng mức đầu tư trên 237 tỷ đồng do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông làm chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai dự án, đơn vị thi công đã chủ động nguồn vật liệu, máy móc thiết bị đảm bảo thi công các hạng mục công trình.
Hiện Ban giải phóng mặt bằng và Tái định cư thành phố Ninh Bình đã bàn giao 2,63 km mặt bằng sạch. Giá trị thực hiện của dự án ước đạt khoảng 71,3 tỷ đồng.
Động viên cán bộ, công nhân, người lao động tại các công trình, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm của chủ đầu tư và các nhà thầu thi công triển khai dự án đã đẩy nhanh tiến độ ngay từ đầu năm.
Nhấn mạnh đây là tuyến đường trọng yếu, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo diện mạo đô thị thành phố Ninh Bình văn minh hiện đại, đồng chí mong muốn với khí thế vui tươi, phấn khởi những ngày đầu xuân mới, tập thể lãnh đạo, công nhân, người lao động của đơn vị thi đua lao động sản xuất, khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong thi công, phấn đấu hoàn thành sớm so với kế hoạch đề ra.
* Buổi chiều, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp tục thăm, động viên sản xuất các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hoa Lư.
Tới thăm mô hình sản xuất của Công ty TNHH thương mại chế biến thực phẩm Dòng sông xanh tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao sự tâm huyết của chủ doanh nghiệp. Nhờ sự năng động, sáng tạo, chịu khó tìm tòi, học hỏi Công ty đã xây dựng thành công 4 sản phẩm ruốc an toàn, sạch, vươn xa ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước và được người tiêu dùng yêu thích. Trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao là Ruốc cá rô Tổng trường và Ruốc cá Trắm cỏ. Hiện trung bình mỗi tháng Công ty tiêu thụ khoảng 3- 4 tấn cá nguyên liệu, tương đương với 300- 400 kg ruốc cá thành phẩm.
Nhân dịp năm mới, đồng chí chúc Công ty ngày càng phát triển, tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thêm nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, làm phong phú thêm sản vật của địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Ninh Bình đến đông đảo bạn bè trong và ngoài nước.
Thăm và động viên đơn vị thi công Dự án xây dựng tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (giai đoạn 2), đoàn công tác của tỉnh đã nghe Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh báo cáo nhanh tình hình triển khai và tiến độ thực hiện.
Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư trên 906 tỷ đồng. Đây là tuyến đường được xây dựng kết hợp với tuyến đường Bái Đính- Kim Sơn, khi đi vào sử dụng sẽ mở rộng không gian đô thị, cũng như tuyến giao thông Đông Bắc thành phố Ninh Bình, góp phần khai thác tốt tiềm năng du lịch của tỉnh. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 11 năm 2017. Hiện đang triển khai xây dựng đoạn từ nút giao với đường Vạn Hạnh đến nút giao với đường La Phù.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận những nỗ lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công và các địa phương liên quan trong triển khai dự án thời gian qua. Đặc biệt, ngay sau những ngày nghỉ Tết nguyên đán, đơn vị thi công đã huy động máy móc, phương tiện và nhân lực ra quân sản xuất sớm, phấn đấu hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Chia sẻ với những khó khăn còn gặp phải, đồng chí yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công và các địa phương liên quan cần nỗ lực hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bố trí đủ nhân lực, thiết bị, máy móc, phương tiện phục vụ công tác thi công, sớm hoàn thành dự án trong năm 2023, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
* Ngày 30/1, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi thăm, kiểm tra, động viên sản xuất đầu năm tại thành phố Tam Điệp và hai huyện Nho Quan, Gia Viễn.
Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Bùi Mai Hoa, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đỗ Việt Anh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại thành phố Tam Điệp, đoàn đã đến kiểm tra, động viên hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO).
DOVECO tiền thân là Nông trường Đồng Giao được thành lập vào năm 1955. Trải qua 67 năm hình thành và phát triển, đến nay, DOVECO đã trở thành một thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu rau quả.
Năm 2022, doanh thu của Công ty đạt 2.400 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu chiếm 70%, nộp thuế 27 tỷ đồng; sản lượng hàng hóa công nghiệp đạt 27.000 tấn; tạo thu nhập cho 2.000 lao động với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Hiện công ty có 3 vùng nguyên liệu chính ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên và 2 Trung tâm chế biến rau quả tại Ninh Bình, Gia Lai, riêng Trung tâm chế biến rau quả tại Sơn La dự kiến đi vào hoạt động trong quý I năm 2023.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của DOVECO là châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các mặt hàng xuất khẩu chiến lược là: dứa, chanh leo, rau chân vịt, đậu tương và ngô ngọt…
Sau Tết nguyên đán, Công ty đã tiến hành nhập nguyên liệu của bà con nông dân và hoạt động chế biến trở lại ngay từ ngày mồng 5 Tết, công suất lên tới 200 tấn dứa, 50 tấn rau chân vịt và hàng trăm tấn ngô ngọt mỗi ngày.
Biểu dương DOVECO thời gian qua đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định DOVECO là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu tạo nên thương hiệu cho Ninh Bình, đưa nông sản Việt Nam ra khắp thế giới.
Với khí thế sản xuất sôi nổi ngay từ đầu năm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng Công ty tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc trong năm mới, chung sức đưa nông nghiệp chuyển mạnh từ số lượng sang chất lượng, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp nông dân và nông thôn.
Về mong muốn mở rộng vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy sản xuất bao bì phục vụ sản xuất của Công ty, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao địa phương, ngành chuyên môn tiếp tục nghiên cứu có chính sách hỗ trợ.
Tiếp đó, Đoàn đã kiểm tra, động viên công tác ra quân thi công đầu năm tại Dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây (giai đoạn I). Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông; kết nối giữa các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, các khu du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại khu vực thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan và các vùng phụ cận.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.486 tỷ đồng, tổng chiều dài gần 23 km; xây dựng với quy mô trước mắt 4 làn xe; riêng đoạn 1,6 km từ Đồng Giao đến nút giao cao tốc Bắc - Nam có quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 70m. Dự án khởi công từ tháng 3/2022.
Song song với việc đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân vùng bị ảnh hưởng, liên doanh các nhà thầu đang tập trung phương tiện, máy móc, nhân lực để thi công xử lý nền đường. Khó khăn nhất hiện nay là công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hiện trên địa bàn huyện Nho Quan mới thực hiện giải phóng được 9,6/16,3 km (về diện tích đạt khoảng 59%).
Sau khi nghe các đơn vị quản lý và nhà thầu báo cáo tiến độ và phương án thi công công trình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực, không khí lao động phấn khởi, hăng say của toàn thể cán bộ, công nhân, lao động tại công trường ngay từ những ngày đầu năm mới.
Nhấn mạnh đây là một công trình quan trọng, tạo không gian, quỹ đất thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nảy sinh trên công trường; nhất là phối hợp thực hiện nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân vùng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, tính toán phương án thi công, phương án kết nối giao thông sao cho thuận tiện nhất, tiết giảm tối đa chi phí, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng quà cho các nhà thầu thi công các công trình, động viên công nhân nêu cao tinh thần, trách nhiệm với công việc, đảm bảo chất lượng các công trình.
Tại huyện Nho Quan, đoàn đến kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh và chúc mừng năm mới cán bộ, người lao động Nhà máy giày Regis Việt Nam của Công ty TNHH Regis tại thôn Thượng Đồng, xã Văn Phong.
Lãnh đạo đơn vị cho biết, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương nên Nhà máy đã có sự phát triển lớn mạnh như ngày hôm nay. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID- 19 và biến động thị trường nhưng năm 2022, Nhà máy vẫn sản xuất được gần 6,7 triệu sản phẩm, doanh thu đạt 540,974 tỷ đồng, nộp ngân sách 0,479 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 3.400 lao động.
Bước sang năm 2023, dưới tác động của suy thoái kinh tế, số lượng đơn hàng có giảm nhẹ nhưng Công ty sẽ vẫn nỗ lực đảm bảo việc làm, chế độ, chính sách cho người lao động. Hiện, tỷ lệ lao động đến làm việc đạt 92%, tương đương với thời điểm trước Tết nguyên đán .
Vui mừng trước những kết quả doanh nghiệp đạt được trong năm vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên trong đoàn chúc Nhà máy đạt nhiều thắng lợi trong năm mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh một lần nữa khẳng định: chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh Ninh Bình sẵn sàng lắng nghe các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng tại huyện Nho Quan, đoàn đã đến thăm mô hình sản xuất rau sạch và mô hình trồng ổi tại xã Đồng Phong; tình hình gieo cấy lúa Đông Xuân tại xã Lạc Vân.
Mô hình trồng ổi của HTX trồng cây ăn trái Đồng Phong phát triển từ năm 2015 đến nay có quy mô 7 ha, sản lượng đạt 180 tấn, doanh thu đạt 2,7 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 900 triệu đồng/năm. Vừa qua, ổi Đồng Phong đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, mở đường cho sản phẩm đi vào các chuỗi cung ứng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nâng cao giá trị, thu nhập cho người nông dân.
Mô hình sản xuất rau, củ, quả của Hợp tác xã Cánh Đồng Xanh có quy mô 16 ha. Cơ cấu cây trồng: Đậu leo 1 ha; Dưa leo 4 ha; Khoai lang 4 ha; Ổi 2 ha; Cỏ ngọt 5 ha. Năm 2022, sản lượng đạt 270 tấn, doanh thu đạt 1,4 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 370 triệu đồng/năm.
Mô hình sản xuất ớt của Hợp tác xã công, nông nghiệp sạch Ninh Bình, quy mô 12 ha, sản lượng đạt 280 tấn, doanh thu đạt 3,3 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1,7 tỷ đồng/năm.
Về sản xuất vụ Đông Xuân, toàn huyện có kế hoạch gieo cấy 7.200 ha, trong đó diện tích Xuân sớm chiếm 25%, tỷ lệ lúa cấy phấn đấu đạt 90%. Đến thời điểm này, địa phương đã gieo cấy đạt tỷ lệ 30% tổng diện tích.
Sau khi nghe địa phương báo cáo về tình hình sản xuất nông nghiệp nói chung, vụ Đông Xuân nói riêng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương, sự chủ động của người dân trong sản xuất.
Đồng chí động viên bà con, HTX, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tạo dựng thương hiệu, gia tăng giá trị cho nông sản. Trước mắt, khắc phục khó khăn về thời tiết, tích cực sản xuất, phấn đấu hoàn thành gieo cấy hết diện tích lúa Xuân còn lại, đảm bảo khung thời vụ.
Buổi chiều cùng ngày, đoàn đã đi kiểm tra công tác vận hành Dự án đầu tư xử lý cấp bách cống Tân Hưng trên đê tả sông Hoàng Long (xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn).
Dự án xử lý cấp bách cống Tân Hưng tại K2+757 đê tả Hoàng Long được UBND tỉnh phê duyệt năm 2021 với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng. Bao gồm các hạng mục: cống, trạm bơm (gồm 5 tổ máy công suất 5x1.800= 9.000 m3/h), kênh dẫn thượng lưu, hạ lưu, cửa vào bể hút tiếp giáp lòng sông, trạm biến áp, nhà quản lý và các công trình phụ trợ. Dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành trong năm 2023. Tuy nhiên do nhu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông xuân năm 2023 là rất lớn và không thể thực hiện bằng tưới thay thế. Do vậy, nhà thầu đã đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng cuối tháng 12 năm 2022 (vượt tiến độ được giao 12 tháng).
Trực tiếp kiểm tra việc vận hành cống Tân Hưng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là một công trình cấp bách, quan trọng phục vụ công tác phòng chống thiên tai và sản xuất nông nghiệp. Mặc dù có công suất lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, công tác thi công, vận hành khó khăn nhưng cả chủ đầu tư và liên danh nhà thầu đã rất nỗ lực hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo đúng kỹ thuật, an toàn. Biểu dương những cố gắng đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thời gian tới, chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thiện nốt các công đoạn, thủ tục còn lại, sớm bàn giao công trình để đưa vào khai thác chính thức.
Tiếp đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã đến thăm, động viên sản xuất tại Nhà máy sản xuất ô tô Hyundai Thành Công của Tập đoàn Thành Công tại Khu Công nghiệp Gián Khẩu. Tại đây, đoàn công tác đã nghe lãnh đạo Tập đoàn Thành Công báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của "tác động kép", các dự án vẫn duy trì ổn định sản xuất sản lượng đạt 56.660 xe, nộp ngân sách gần 18 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 3.580 lao động (trong đó chủ yếu là lao động địa phương). Năm 2023, đối mặt với khó khăn do thiếu hụt nguồn cung linh kiện, thị trường tiêu thụ có dấu hiệu suy giảm nhưng Thành Công vẫn đặt mục tiêu sản xuất 85 nghìn xe các loại, trong đó sẽ ra mắt nhiều mẫu xe mới hiện đại, thân thiện với môi trường.
Trong những ngày đầu năm mới 2023, công nhân tại các nhà máy sản xuất ô tô Hyundai Thành Công đã nhanh chóng bắt tay vào lao động, sản xuất, trong không khí làm việc phấn khởi với mục tiêu đạt năng suất, chất lượng cao nhất.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc ghi nhận những nỗ lực cố gắng rất lớn của Tập đoàn để hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt với sự kiện khánh thành nhà máy sản xuất ô tô thứ 2. Đây là dự án không chỉ có ý nghĩa với Ninh Bình mà còn có tầm quốc gia. Người dân Ninh Bình và các tỉnh lân cận khi nhìn thấy sự phát triển và môi trường làm việc của Thành Công đều cảm thấy yên tâm và tự hào.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển chính là chăm lo cho sự phát triển của tỉnh Ninh Bình. Chính vì vậy, tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ sát cánh cùng Tập đoàn, tất cả những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn sẽ được chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh tháo gỡ kịp thời trong khuôn khổ quy định của pháp luật.
Môi trường đầu tư nước ngoài tại Ninh Bình sẽ ngày càng tốt hơn, đây chính là cơ sở để Tập đoàn Thành Công tiếp tục quảng bá, giới thiệu các nhà đầu tư đến với Ninh Bình, nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Nhóm PV