Cùng đi có đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Ngọc Thạch, TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Tại huyện Gia Viễn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp kiểm tra tình hình khắc phục sự cố bể xả của Trạm bơm Gia Viễn, một công trình tiêu úng trọng điểm của địa bàn huyện. Do hoạt động liên tục nhiều ngày để phục vụ cho việc tiêu úng trên địa bàn, ngày 13/10 bể xả của trạm bơm này đã bị sạt trượt nghiêm trọng, khiến trạm bơm phải ngừng hoạt động.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra tình hình khắc phục sự cố bể xả của Trạm bơm Gia Viễn. Ảnh: TG
Để nhanh chóng khắc phục, đảm bảo tiêu úng khẩn cấp để cứu lúa và nuôi trồng thủy sản trong đồng, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị thuộc Quân đoàn 1 huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ, cùng lực lượng xung kích các xã, thị trấn tham gia vận chuyển hàng chục nghìn bao đất, cát, đóng hàng nghìn cọc tre, đan hàng trăm rọ sắt, đá hộc để gia cố an toàn cho bể xả. Hiện tại, bể xả đã cơ bản được khắc phục, đã vận hành 9/12 máy bơm với tổng công suất 72 nghìn m3/h để tiêu úng cho nội đồng.
Qua kiểm tra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biểu dương, động viên tinh thần của các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, cùng các lực lượng đã phản ứng nhanh, sáng tạo, hiệu quả, sớm khắc phục được sự cố, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Đồng chí cũng lưu ý, huyện Gia Viễn cần tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân huy động mọi nhân lực, vật lực tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa mùa đã chín.
Tiếp đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng Đoàn đã đi thị sát đoạn tường xây thuộc đê Đức Long- Gia Tường và khu vực bị sạt lở ở thôn Quèn Thạch xã Cúc Phương, huyện Nho Quan.
Khu vực Quèn Thạch, do lượng mưa lớn, tạo dòng chảy mạnh từ trên núi xuống, đe dọa 40 hộ dân thuộc các xã Kỳ Phú và Cúc Phương, đồng thời phá hủy mặt đường chính vào xã. Trước tình huống trên, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã phối hợp với các lực lượng quân đội, công an, lực lượng địa phương tiến hành nạo vét rãnh 2 bên đường , đắp chắn dòng ở đỉnh dốc để giảm áp lực dòng chảy.
Động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nho Quan, đồng chí Bí thư nhấn mạnh: hiện nay trên địa bàn huyện còn khá nhiều các khu dân cư vẫn đang bị cô lập do nước lũ, yêu cầu huyện Nho Quan cần thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thông tin, kịp thời hỗ trợ, tuyệt đối không để bất cứ hộ dân nào bị thiếu lương thực, thực phẩm. Sau khi nước rút cần bố trí các lực lượng xung kích, tổ chức đoàn thanh niên hỗ trợ các bà con các khu vực này dọn dẹp nhà cửa.
Đối với khu vực Quèn Thạch, đây là vùng đất có địa hình phức tạp, độ rỗng lớn nên nguy cơ sạt lở cao. Đồng chí Bí thư yêu cầu qua trận lũ vừa qua, địa phương cần xác định lại điểm nào bất hợp lý, điểm nào xung yếu thì tiến hành xử lý ngay, đồng thời cho cắm biển báo và bố trí lực lượng chỉ dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Tại Tam Điệp, lãnh đạo thành phố Tam Điệp đã báo cáo nhanh với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tình hình thiệt hại do mưa úng trên địa bàn: Tính đến thời điểm hiện tại Tam Điệp đã ghi nhận 120 ha lúa mùa, cây màu, 17 ha cây ăn quả, 250 ha dứa, 80 ha đào bị ngập úng; hàng nghìn con gia cầm, hàng trăm con gia súc bị chết. Trên 600 ha ao nuôi cá và diện tích nuôi cá vụ bị ngập, tràn bờ, trong đó diện tích bị mất trắng khoảng 400 ha.
Một số khu dân cư trên địa bàn thành phố bị ngập úng cục bộ; một số Doanh nghiệp bị thiệt hại về sản. Mái phía Bắc đồi Dài (tổ dân phố 4, tổ 5 phường Tân Bình), có hiện tượng sạt lở. Do mưa lớn kéo dài mực nước các sông lên nhanh tràn qua các tuyến đê bao vào nội đồng, tổ dân phố 12 (Quang Hiển) bị cô lập.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với lãnh đạo thành phố Tam Điệp trong quá trình kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn. Ảnh: TG
Chia sẻ với những thiệt hại của nhân dân Tam Điệp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh yêu cầu thành phố Tam Điệp sớm kiểm tra, thống kê chính xác những hộ dân bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, trên cơ sở đó xem xét hỗ trợ người dân theo quy định của nhà nước.
Đồng chí lưu ý, thời gian tới, Tam Điệp cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, bão số 11. Tranh thủ nước rút, khẩn trương hướng dẫn người dân thu hoạch diện tích lúa mùa, thủy sản.
Huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục nhanh các sự cố đê điều, hồ đập, tiêu úng bảo vệ sản xuất. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ, triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Sáng 14/10, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đi kiểm tra công tác PCTT tại TP Ninh Bình. Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ngành; lãnh đạo TP Ninh Bình.
Đồng chí Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND Thành phố báo cáo với đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và Đoàn về công tác PCTT của thành phố trong thời gian qua, nhất là việc phòng chống cơn bão số 10, hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới với đợt mưa to gây ra lũ lớn, ngập úng rộng vừa qua.
Theo đó thì thành phố đã ban hành 2 công điện và 1 công văn yêu cầu các thành viên BCH PCTT& TKCN Thành phố, các xã, phường, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai các nhiệm vụ, phương án ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai, cụ thể ở đây là mưa lũ.
Ngày 12/10, qua theo dõi lũ trên sông Đáy và cao trình đê tại khu vực phường Bích Đào, nhận định lũ có thể dâng cao tràn đê, 19h cùng ngày đã huy động 250 cán bộ, chiến sỹ vũ trang; dân quân tự vệ, thanh niên xung kích của địa phương dùng bao tải cát đắp 300 m dài tạo con trạch ngăn nước có thể tràn.
Trong đêm tổ chức lắp 2 máy bơm dã chiến khu vực cống Cửa Ninh-Ninh Phúc bơm nước cứu trên 100 ha lúa bị ngập. Từ chiều 13 đến 14/10, thành phố đã xin hỗ trợ của lực lượng quân đội, công an cùng với thanh niên xung kích địa phương (240 người) giúp dân gặt lúa mùa ở xã Ninh Tiến với tổng diện tích gần 100 ha.
Mưa lũ chủ yếu gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp của thành phố với 175 ha cây màu bị ngập úng, 9 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ, 491 ha lúa mùa bị ngập với nguy cơ mất trắng khoảng 283 ha…
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu TP Ninh Bình chú trọng đến công tác chống úng ngập và cần làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Ảnh: Đức Lam
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Bão số 11 đang có chiều hướng ảnh hưởng đến tỉnh nhà. Vì vậy cần phải hết sức cảnh giác, tích cực, chủ động phòng chóng bão lũ. Với TP Ninh Bình chú trọng đến công tác chống úng ngập và cần làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu: Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố phân công trách nhiệm cho các thành viên xuống địa bàn nắm chắc tình hình của cơ sở và cùng với cơ sở ứng cứu khi có bão lũ.
Có kế hoạch xin sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang để giúp dân thu hoạch lúa mùa. Thực hiện bơm tiêu nước đệm trong vùng nội đồng, nhằm sẵn sàng đối phó với bão số 11.
Chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác 4 tại chỗ. Tổ chức tuần tra, kiểm tra đê, phát hiện xử lý kịp thời các sự cố. Xác định rõ vị trí xung yếu, trọng điểm, có kế hoạch tu bổ và bố trí người trực canh gác khi có bão. Công ty Môi trường và dịch vụ đô thị tổ chức khơi thông cống rãnh, chống ngập úng trong nội thị.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra tại Trạm bơm Cồn Muối. Ảnh: ĐL
Ngay sau đó, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và Đoàn đã đi khảo sát một số vị trí trên địa bàn TP Ninh Bình như: Trạm bơm Cồn Muối-Ninh Phúc, trạm bơm Nam thành phố, đoạn đê sông Đáy thuộc phường Bích Đào và thăm cán bộ, chiến sỹ cùng nhân dân đang thu hoạch lúa mùa tại khu đồng của xã Ninh Tiến.
Hà Phương-Đinh Chúc