Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn đã chấp hành khá tốt các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN). Tuy nhiên, số doanh nghiệp chấp hành quy định của pháp luật về việc tham gia BHXH, BHYT cho người lao động chưa nhiều.
Mặc dù có 2.745 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, mới chỉ có 167 doanh nghiệp thành lập được tổ chức công đoàn. Những năm qua, trong hoạt động của mình, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã chủ động phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh và huyện tập trung tuyên truyền tới cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ những nội dung cơ bản về Nghị quyết 21-NQ/T.Ư ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020". Tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội. Cung cấp những thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ đối với người tham gia chính sách BHXH, BHYT đến đoàn viên, CNVCLĐ. Từ năm 2013 đến nay, các cấp Công đoàn đã tổ chức được 2.933 buổi tuyên truyền cho 183.698 lượt người, cấp phát 45.000 tờ rơi tuyên truyền đến CNVCLĐ. Các cấp công đoàn đã không ngừng đổi mới và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền: thông qua tập huấn, hội nghị, truyền thông trực tiếp, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, sân khấu hóa, phát tờ rơi, tuyên truyền trực quan thông qua băng zôn, khẩu hiệu, lồng ghép tuyên truyền với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, tạo môi trường làm việc lành mạnh để CNLĐ an tâm lao động sản xuất. Đây là hình thức tuyên truyền mang lại hiệu quả cao bởi qua đó CNLĐ được tiếp thu những kiến thức pháp luật cần thiết, mặt khác được trao đổi, đối thoại trực tiếp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất của mình với người sử dụng lao động, với tổ chức công đoàn và các cơ quan chức năng. Đồng thời, các cấp Công đoàn đã quan tâm thực hiện tốt công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ, kịp thời phản ánh, tham mưu với cấp ủy, chính quyền, chuyên môn về những kiến nghị, đề xuất của CNVCLĐ, từ đó đưa ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người lao động, do vậy đã hạn chế đáng kể số vụ tranh chấp lao động có thể xảy ra. Tính đến 31-7-2015, toàn tỉnh có 877 doanh nghiệp tham gia BHXH với 53.716 lao động. Như vậy, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 1.400 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH với khoảng 76.000 lao động.
Cùng với hoạt động của các cấp Công đoàn trong tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động chấp hành tốt các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT. Sở đã ban hành văn bản về việc đôn đốc thực hiện chính sách lao động, tiền lương, BHXH đối với người lao động. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và BHXH tỉnh đã ký chương trình phối hợp liên ngành trong việc xây dựng, thực hiện chính sách BHXH và Quy chế phối hợp liên ngành về thực hiện trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh. Thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, từ năm 2012 đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức 44 hội nghị, tọa đàm, giao lưu đối thoại về pháp luật lao động, trong đó có chính sách BHXH cho trên 6.000 lượt người sử dụng lao động và người lao động. Cung cấp hàng nghìn cuốn sách hỏi đáp về BHXH, Hỏi-đáp về Pháp luật lao động, Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, phát hành hàng chục nghìn tờ rơi tuyên truyền về một số nội dung của pháp luật lao động, BHXH, chế độ tai nạn lao động. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN trực tiếp tại 5 doanh nghiệp với số lượng 8.000 người tham dự; tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN đến các doanh nghiệp và người lao động tại các phiên Giao dịch việc làm hàng tháng tại Trung tâm. Do đó đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của chủ sử dụng lao động và người lao động. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra về pháp luật lao động, BHXH được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đẩy mạnh. Từ năm 2013 đến 2015, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã kiểm tra 76 doanh nghiệp, phát hiện 46 doanh nghiệp có vi phạm về BHXH, đã xử phạt vi phạm hành chính 21 doanh nghiệp.
Nhìn lại kết quả các doanh nghiệp thực hiện chính sách về BHXH, BHYT mấy năm gần đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm việc đóng, hưởng chế độ BHXH, trong đó chủ yếu là khối các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước. Qua đó đã đem lại ý nghĩa hết sức to lớn của chính sách an sinh xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, thể hiện tính ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, số lượng người lao động chưa tham gia BHXH còn chiếm tỷ lệ lớn (chiếm khoảng 65,4%) mà tập trung phần lớn trong khối doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, công ty cổ phần nhà nước không nắm giữ vốn. Nguyên nhân chính là khối doanh nghiệp này sử dụng lao động chủ yếu là mùa vụ, cá biệt có doanh nghiệp ký hợp đồng lao động thời hạn từ 3 tháng trở lên nhưng vẫn không tham gia. Bên cạnh đó, còn một số doanh nghiệp vi phạm các quy định của Luật BHXH, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH ngày càng gia tăng. Nguyên nhân khách quan do suy thoái kinh tế làm ảnh hưởng tài chính của doanh nghiệp, nguyên nhân chủ quan do chủ doanh nghiệp lợi dụng tiền chậm đóng BHXH vì mức xử phạt vi phạm chưa đủ răn đe và lãi suất chậm đóng BHXH thấp. Một nguyên nhân nữa lại xuất phát từ người lao động. Vẫn còn một số lao động chưa nhận thức rõ việc cần thiết phải hiểu biết và chấp hành Luật BHXH để đảm bảo quyền lợi của bản thân. Thậm chí có người lao động còn đề nghị người sử dụng lao động không tham gia BHXH cho mình để không phải nộp phần tiền tham gia BHXH của người lao động, tình trạng này thường thấy ở lao động phổ thông, lao động mùa vụ vùng nông thôn. Thực tế đã xảy ra khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện việc tham gia BHXH cho người lao động. Theo quy định, doanh nghiệp phải nộp thẻ BHYT của người lao động cho cơ quan BHXH thì mới được dừng đóng BHYT. Nhưng thực tế có nhiều người lao động tự ý bỏ việc không trả thẻ BHYT cho người sử dụng lao động, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc dừng đóng BHYT các đối tượng này. Do vậy một số doanh nghiệp đã giữ thẻ BHYT của người lao động để phòng khi người lao động bỏ việc thì doanh nghiệp có thẻ để trả lại cơ quan BHXH để dừng đóng BHYT. Điều này lại dẫn đến tình trạng doanh nghiệp vi phạm quy định của Luật BHYT…
Trước thực trạng tham gia BHXH, BHYT của khối các doanh nghiệp còn đạt tỷ lệ thấp, để giải quyết tình trạng này, các ngành liên quan như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với BHXH tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các huyện, thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng để tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật BHXH, BHYT đối với người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp. Đặc biệt, cần tích cực thực hiện việc đôn đốc, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.
Bùi Diệu