Ông Đinh Văn Quý ở đội 2, HTX nông nghiệp Đại Phú, xã Ninh Khang (Hoa Lư) cho biết: Vụ này, gia đình tôi gieo cấy gần 2 mẫu lúa với trên 1 mẫu là gieo thẳng bằng các giống lúa chất lượng cao và KD 18. Do đã chủ động được nước, cùng với khí hậu thời tiết những ngày trước Tết khá thuận lợi (nắng, ấm) nên công tác chuẩn bị cho khâu gieo cấy khá thuận lợi: Đất đã được làm và bừa cấy xong; lúa giống, mạ đã chuẩn bị sẵn sàng; phân bón đã được tập kết ra ruộng... chỉ chờ nắng ấm lên là có thể đồng loạt xuống đồng gieo cấy lúa đông xuân.
Những ngày Tết Bính Thân vừa qua, điều kiện thời tiết khí hậu khá tốt, nên nhiều xã viên của HTX đã xuống đồng ngay từ ngày mồng 4 Tết Bính Thân, thậm chí có gia đình còn ra đồng từ ngày mồng 2 Tết để be bờ, san ruộng, giữ nước trên ruộng...
Đồng chí Vũ Văn Thông, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hoa Lư cho biết: Theo kế hoạch vụ đông xuân 2015-2016, huyện Hoa Lư gieo cấy 3.171,8 ha lúa xuân các loại. Đến thời điểm này toàn huyện đã gieo được 96,7 ha mạ; cấy được 700 ha với 200 ha gieo thẳng; diện tích lúa cấy được chủ yếu ở các xã Ninh Hải, Ninh Xuân, Trường Yên.
Khâu làm đất đã thực hiện bừa cấy xong trước Tết Nguyên đán, đảm bảo phương châm "ruộng chờ mạ". Với điều kiện nhiệt độ trên 15oC, nông dân đã nhộn nhịp ra đồng sản xuất và dự kiến chỉ trong 1 tuần nữa là Hoa Lư sẽ hoàn tất khâu gieo cấy vụ lúa đông xuân 2015-2016.
Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Gia Viễn, đồng chí Đinh Anh Tuấn cho biết: Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện phối hợp và hướng dẫn các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp có biện pháp chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại gây ra. ở những diện tích mạ bị ngập úng, huyện đã chỉ đạo các ngành có liên quan tập trung cho việc tiêu nước nhưng vẫn đảm bảo đủ nước để làm đất, cấy đảm bảo lịch thời vụ.
Tuy nhiên, các đợt rét đậm, rét hại và ngập úng gây ra đã ảnh hưởng tới 120,2 ha mạ, 408,2 ha lúa và 8,0 ha cây trồng vụ đông. Riêng đối với diện tích lúa mới cấy ngoài đê, những diện tích thuận tiện cho việc tiêu nước, UBND huyện chỉ đạo các xã tập trung khoanh vùng, bơm tiêu kịp thời.
Yêu cầu các hộ dân chuẩn bị mạ trong đồng, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi cấy hết diện tích lúa ngoài đê, gieo mạ dự phòng và có biện pháp bảo vệ mạ để gieo trồng hết toàn bộ diện tích theo kế hoạch đề ra. ở những diện tích mạ đã gieo ở xã bị ảnh hưởng sẽ có biện pháp chuyển đổi cơ cấu trà, mùa vụ.
Đến nay, các địa phương trong huyện đã gieo được 650 ha mạ, cấy 1.800 ha, bằng khoảng 27% diện tích kế hoạch vụ đông xuân. Hầu hết các xã trong huyện đã làm xong toàn bộ đất cấy lúa và đang đôn đốc giữ nước chống se cứng mặt ruộng, chờ thời tiết thuận lợi xuống đồng cấy lúa.
Ngay từ những ngày đầu xuân, bà con nông dân trên địa bàn huyện Yên Mô đã tranh thủ thời tiết thuận lợi ra đồng làm đất, vệ sinh ruộng đồng, chăm sóc mạ, gieo cấy lúa, quyết tâm giành một vụ đông xuân thắng lợi...
Sáng mùng 8 Tết, trời bắt đầu chuyển rét lẫn mưa phùn nhưng trên các cánh đồng Bái trên, Bái dưới, Gốc Thần... của xã Khánh Dương, người nông dân vẫn hăng say lao động, sản xuất với khí thế sôi nổi.
Chị Nguyễn Thị Oanh, xã Khánh Dương chia sẻ: "Từ khi xã thực hiện xong công tác dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng ruộng của bà con có nhiều thay đổi tích cực. Nhiều xứ đồng đã được chuyển từ gieo cấy truyền thống sang gieo thẳng để giảm chi phí, công lao động, nâng cao năng suất và giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.
Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi có gần 1 mẫu ruộng được dồn đổi về hai mảnh, thuận tiện cho việc lấy nước và gieo cấy. Toàn bộ diện tích được thực hiện bằng biện pháp gieo thẳng và chỉ mất 1-2 ngày là xong. Năm nay để đẩy nhanh tiến độ sản xuất và đảm bảo khung thời vụ tốt nhất, ngay từ mồng 4 Tết bà con nông dân ở đây đã ra quân xuống đồng làm đất, làm cỏ, đắp bờ...".
Đi ngược lên các xã Khánh Thượng, Yên Thắng, Mai Sơn... khi đã quá trưa nhưng nhiều bà con nông dân đang cần mẫn làm đất, đắp bờ, gieo lúa. Chị Đinh Thị Dung, xã Yên Thắng cho biết: "Nhằm đảm bảo sản xuất vụ xuân nhanh gọn, kịp thời, gia đình tôi đã tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, vật tư sản xuất, tiến hành làm cỏ, dọn vệ sinh đồng ruộng... sau Tết tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi bắt tay ngay vào làm đất, cấy lúa xuân theo đúng lịch chỉ đạo của HTX, của xã.
Theo bà Lê Thị Linh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Mô: Ngay từ ngày mồng 3 Tết, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân trong huyện đã bắt đầu ra đồng sản xuất nông nghiệp.
Với tinh thần chỉ đạo của huyện tập trung triển khai thực hiện gieo cấy vụ xuân trong khung thời vụ, nhất là cây lạc và cây lúa. Đến nay, toàn huyện đã cơ bản gieo cấy xong toàn bộ diện tích lạc xuân đúng khung thời vụ trước ngày 15-2-2016. Riêng về cây lúa, Yên Mô có kế hoạch gieo cấy trên 6.500 ha lúa.
Trong điều kiện thời tiết vụ đông xuân ấm, khô hạn, huyện chỉ đạo các địa phương lựa chọn các giống lúa ngắn ngày, mở rộng và chú trọng thâm canh diện tích lúa lai, lúa thuần chất lượng cao phù hợp với điều kiện đất đai của từng địa phương. Huyện cũng đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tăng diện tích lúa gieo thẳng, làm giảm công lao động, chi phí sản xuất; hướng dẫn xử lý vệ sinh đồng ruộng.
Tính đến ngày 15-2-2016, toàn huyện đã làm đất trên 5.600 ha (đạt trên 86%), cấy được gần 1.000 ha, trong đó diện tích gieo thẳng là 866 ha.
Hiện nay, huyện Yên Mô đang tiếp tục chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp và nhân dân đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo gieo cấy nhanh, gọn trong khung thời vụ tốt nhất.
Tại huyện Kim Sơn - một vựa lúa lớn của tỉnh ta, các công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ đông xuân 2016 đã được triển khai từ trước Tết Nguyên đán Bính Thân. Đồng chí Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết: Vụ đông xuân, Kim Sơn gieo cấy hơn 8.300 ha lúa, trong đó: Giống lúa lai, lúa cao sản (Phú ưu 1, Nhị ưu 838...) gieo cấy 35% diện tích; giống lúa thuần, lúa chất lượng cao (Bắc thơm số 7, LT2, TBR225) gieo cấy 65% diện tích. Mục tiêu năng suất bình quân đạt 67,45 tạ/ha, tổng sản lượng lúa phấn đấu đạt 56.083 tấn.
Vụ đông xuân 2016, Kim Sơn tiếp tục thực hiện phương châm "lấy nước làm áo", do vậy, các HTX nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi huyện trong việc điều tiết nước, tận dụng tối đa nguồn nước ngọt để đổ ải, làm đất và chăm sóc lúa đông xuân.
Trong trường hợp không tận dụng được thủy triều, các HTX nông nghiệp chủ động bơm nước vào đồng ruộng, sau khi cấy xong phải giữ mức nước hợp lý, tạo điều kiện cho lúa bén rễ, hồi xanh. Theo kế hoạch từ đầu vụ, huyện phát động bà con nông dân cấy từ ngày 11-2 (tức mồng 4 Tết), tuy nhiên do thời tiết diễn biến thất thường khiến một ít diện tích mạ chết, đã làm chậm tiến độ gieo cấy.
Đồng chí Đỗ Hải Quang, kỹ sư chuyên ngành trồng trọt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện lý giải: Toàn huyện đã gieo 112 ha diện tích mạ non. Thời tiết đầu vụ đông xuân năm nay chuyển biến phức tạp, nóng lạnh thất thường, nền nhiệt thay đổi nhanh, trong khi đó, mạ non rất nhạy cảm với thời tiết, vì vậy có khoảng 50% diện tích mạ bị chết, phải tiến hành gieo lại.
Ông Lại Văn Hải, Giám đốc HTX Xuân Thiện cho biết: Vụ lúa này, toàn HTX gieo cấy trên 210 ha, tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao như LT2, Bắc thơm 7, Nếp 97... với khoảng 70 - 75% diện tích. Hiện nay, đồng ruộng đã lấy đủ nước, đang tiếp tục điều tiết phù hợp để tiến hành gieo cấy trong khoảng 3 - 4 ngày tới.
Để khắc phục những khó khăn của thời tiết ảnh hưởng đến sức sống của mạ non, HTX đã hướng dẫn bà con nông dân tiến hành bón lót sâu, giữ ấm chân mạ, giữ mức nước từ 3 - 5 cm, tạo điều kiện tốt nhất để cây mạ phát triển. Được biết, toàn huyện sẽ tiến hành đợt gieo cấy cao điểm trong khoảng 2 - 3 ngày tới.
Nhóm P.V