Ông Trần Anh Khôi, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Kim Sơn cho biết: Vào 10 giờ sáng ngày 16-8, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện đã ban hành Công điện số 05 gửi các thành viên, gửi Ban chỉ huy PCTT và TKCN các Tiểu khu, Đồn biên phòng, Chi nhánh KTCTTL, Điện lực Kim Sơn và các xã, thị trấn tập trung theo dõi, cập nhật diễn biến của thời tiết. Khi cơn bão số 3 đã hình thành, xác định rõ nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn, ngày 18-8, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện tiếp tục gửi Công điện số 06, yêu cầu các địa phương triển khai nhanh các công tác ứng phó với cơn bão số 3. Theo đó, yêu cầu các đơn vị triển khai ngay một số công việc như: Đồn biên phòng Kim Sơn bằng mọi biện pháp ngăn chặn không cho tàu thuyền ra khơi, thông tin, thông báo kịp thời cho chủ phương tiện tàu thuyền về diễn biến của cơn bão số 3 để chủ động phòng tránh; kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi về nơi trú ẩn an toàn. UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Đồn biên phòng Kim Sơn thông tin và báo cáo về Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện về số lao động, số tàu, thuyền đã về nơi trú ẩn, số tàu thuyền còn ngoài khơi. Đồng thời, tập trung rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu trên hệ thống đê sông, đê biển, các công trình đang thi công để có phương án xử lý, đảm bảo an toàn. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra; tổ chức lực lượng tăng cường tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, các trọng điểm xung yếu theo phương án đã được phê duyệt; khẩn trương chằng, chống nhà cửa, trường học, trạm y tế, nhà dân, cắt tỉa cây cối… bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước và nhân dân. Các xã triển khai thực hiện công tác 4 tại chỗ, tổ chức lực lượng sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Các xã vùng kinh tế biển hướng dẫn nhân dân có biện pháp bảo vệ ao đầm nuôi trồng thủy sản.
Phòng Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có bến đò ngang kiểm tra chặt chẽ hoạt động giao thông tại các bến đò ngang trên địa bàn huyện, tạm ngừng hoạt động các tuyến đò kể từ 7 giờ ngày 19-8 đến khi bão tan. Tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống, thường xuyên báo cáo tình hình về Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện.
Tại xã Kim Đông, ông Trần Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã cho biết: xã Kim Đông đã phân công các đồng chí trong Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã trực tại các điểm chốt khu vực; thông báo tới các cơ quan, đơn vị như trường học, trạm y tế... chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản của Nhà nước; các HTX thông báo cho người dân tận thu thủy, hải sản, chủ động tiêu nước đệm, giảm thiệt hại do bão gây ra cho nuôi trồng thủy sản; các lực lượng chức năng chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị như đèn pin, quần áo mưa, loa cầm tay... sẵn sàng đợi lệnh điều động. Thông qua hệ thống loa truyền thanh và loa cầm tay, xã đã thông báo về tình hình diễn biến của bão, vận động bà con sẵn sàng di dân.
Tại các xã Kim Trung, Kim Hải, công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 được triển khai nghiêm túc. Đồng chí Vũ Trường Thu, Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết thêm: Trên địa bàn xã hiện đang có 20 tàu hoạt động đánh bắt thủy sản gần bờ. Các tàu cá trên đều phải đăng ký số điện thoại với cán bộ phụ trách của xã, trong ngày 18-8, tất cả các tàu đã được thông báo về cơn bão số 3 và yêu cầu nhanh chóng di chuyển vào bờ. Từ 13 giờ chiều, 3 mũi xung kích sẽ tham gia công tác vận động các hộ nuôi trồng thủy sản; thu dọn dụng cụ, di dời vào trong đê Bình Minh 1 để trú bão.
Dựa trên tình hình hiện tại của cơn bão số 3, huyện Kim Sơn đề ra phương án di dân từ khu vực ngoài đê Bình Minh 2 đến Cồn Nổi vào phía trong. Theo ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh, việc tổ chức di dân từ ngoài khu vực đê Binh Minh 3 đến Cồn Nổi phải được thực hiện xong trước 15 giờ ngày 18-8, di dời toàn bộ dân cư từ khu vực đê Binh Minh 2 đến đê Bình Minh 3 vào phía trong xong trước 10 giờ ngày 19-8. Tính đến 17 giờ ngày 18-8, đã có 126/159 tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn.
* Xác định cơn bão số 3 diễn biến phức tạp, huyện Gia Viễn đã và đang thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống mưa to, ngập lụt; phân công các đội ứng trực; tuyên truyền về hướng đi, diễn biến của bão…để người dân nắm bắt, chủ động phòng tránh.
Trạm bơm Gia Viễn vận hành hết công suất tiêu kiệt nước đệm, đảm bảo an toàn cho lúa mùa. Ảnh: T.G
Tại các trạm bơm Gia Viễn, Gia Lạc, chúng tôi ghi nhận toàn bộ các máy bơm đang vận hành hết công suất nhằm tiêu kiệt nước đệm, đảm bảo an toàn cho lúa mùa. Trên các cánh đồng, nước đã cơ bản được rút cạn. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Gia Viễn cho biết: Tổng diện tích cây trồng vụ mùa của huyện là 6.100 ha, trong đó cây lúa là 5.700 ha, cây màu là 400 ha. Hiện nay, cây lúa đã phát triển tương đối cao; trà mùa sớm đang phân hóa đòng, trà mùa trung đẻ nhánh rộ nên không quá lo ngại vấn đề ngập úng giống như cơn bão số 1. Tuy nhiên, phòng Nông nghiệp cũng đã chỉ đạo sát sao các xã, HTX yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện triển khai phương án chống úng, khơi thông dòng chảy, tiêu kiệt nước đệm, đảm bảo an toàn cho lúa mùa.
Là huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn với trên 1.400 ha, bà con nông dân Gia Viễn cũng đang thực hiện các biện pháp phòng, chống, bảo vệ diện tích nuôi thủy sản của gia đình. Đến thời điểm này, đa số diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện đã được bà con nông dân triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Để chủ động triển khai phòng, chống bão số 3 có khả năng gây mưa lũ kéo dài, huyện Gia Viễn đã ban hành 2 công điện số 04 và 05/CĐ-BCH. Theo đó yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện; Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 08/CĐ-PCTT ngày 18-8 của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Ninh Bình.
Kiểm tra đảm bảo an toàn các bến đò ngang, đò dọc qua sông, tạm ngừng các bến đò kể từ 8h ngày 19-8-2016 đến khi tan bão. Tổ chức cắt tỉa cây cối, chằng chống nhà cửa các trụ sở cơ quan, kho tàng trong các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà dân… bảo đảm an toàn tài sản của nhà nước và nhân dân. Điện lực Gia Viễn bảo đảm an toàn lưới điện, cung cấp đủ điện bơm tiêu úng.
Trung tâm Viễn thông huyện đảm bảo thông tin liên lạc trước, trong và sau bão. Yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến nhân dân để chủ động các biện pháp phòng tránh. Kiểm tra tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng trũng và vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi trú tránh an toàn xong trước 8h ngày 19-8. Tăng cường theo dõi diễn biến lũ trên sông Bôi, sông Hoàng Long, sông Đáy và tổ chức lực lượng tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, các công trình trọng điểm xung yếu theo phương án đã được phê duyệt.
* Đối với huyện miền núi Nho Quan, công tác phòng, chống bão số 3 cũng được triển khai hết sức khẩn trương.
Huyện yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, các phân ban, các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xuống địa bàn phụ trách để chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai các phương án phòng, chống bão, lũ, cắt tỉa cây cối, chằng chống nhà cửa, trụ sở cơ quan, kho tàng, trường học, bệnh viện, nhà dân… Đồng thời thông báo cho nhân dân sinh sống ở vùng ven sông suối, chân hồ đập, vùng trũng thấp, vùng nguy cơ sạt lở, vũng lũ quét biết diễn biến của bão để sẵn sàng thực hiện phương án di dân đến nơi tránh trú an toàn khi cần thiết.
Cùng với đó là theo dõi diễn biến của lũ trên sông Hoàng Long, sông Bôi, sông Lạng và tổ chức lực lượng tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập, các trọng điểm xung yếu theo phương án đã được phê duyệt. Huyện cũng yêu cầu hoãn tất cả các hội nghị chưa cấp thiết để tập trung cho công tác phòng, chống bão lụt; tạm dừng việc khai thác khoáng sản, thi công các công trình; tạm ngừng hoạt động các tuyến đò ngang cho đến khi bão tan. Huy động tối đa lực lượng, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu. Đặc biệt đảm bảo an toàn giao thông…
T.Học-N.Lựu-N.Thơm