Lượng mưa tính từ 7h ngày 7/8- 7h ngày 8/8 tại: Yên Mô 103mm, Yên Khánh 96mm, Ninh Bình 63,8mm, Nho Quan 78,5mm, Như Tân 67mm, Bến Đế 71,6mm, Gián Khẩu 64,4mm. Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh, đến 8h 30 sáng ngày 8/8, toàn tỉnh có 3 nhà cấp 4 bị sập, 51 nhà bị tốc mái, 160 lều chòi bị sập, tốc mái; 68 cột điện bị đổ gẫy; 1030 ha lúa bị gập úng (trong đó ngập 2/3 cây là 958 ha, ngập phất phơ 62 ha, ngập trắng 10ha), 27 ha ngô bị đổ và 159,3 ha hoa màu bị ảnh hưởng.
Gió to làm gẫy đổ 600 cây xanh các loại, làm đứt một số tuyến đường dây điện gây mất điện trên diện rộng trên địa bàn thành phố Ninh Bình đến 8h sáng ngày 8/8 đã khắc phục xong sự cố mất điện…
Sau khi bão số 6 đi qua, ngay trong buổi sáng ngày 8/8, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tâp trung chỉ đạo nhân dân khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do bão số gây ra.
Lực lượng công an, quân sự đã phối hợp với chính quyền địa phương, nhân dân tiến hành sửa chữa lại nhà, lều lán bị đổ, tốc mái; cắt tỉa cây đổ để đảm bảo giao thông đi lại, khắc phục hệ thống điện bị hư hỏng để cấp điện sinh hoạt cho nhân dân.
Triển khai vận hành các trạm bơm, mở cống tiêu nước chống úng cho lúa, hoa màu trên địa bàn. Để đề phòng sau bão có mưa lớn làm lũ các triền sông lên cao, các đơn vị tiếp tục thường trực 24/24h và triển khai phương án phòng chống lụt.
Lãnh đạo huyện Kim Sơn cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 6, tối ngày 7/8 trên địa bàn huyện đã có mưa vừa, mưa to, vùng ven biển Kim Sơn có gió cấp 8, giật cấp 10, cấp 11.
Theo báo cáo nhanh của các xã, thị trấn, toàn huyện có 1 nhà bị sập, 50 nhà bị tốc mái, 170 lều đầm bị sập đổ và tốc mái, 55 cột điện bị đổ, 170 ha lúa mùa bị ngập 2/3 cây…
Trước tình hình trên, ngay sáng ngày 8/8 huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra để sớm ổn định sản xuất, đời sống nhân dân. Các xã bãi ngang phối hợp với lực lượng Công an, quân sự khẩn trương sửa chữa nhà bị đổ, tốc mái; tiến hành dọn vệ sinh môi trường, giải tỏa cây cối đổ, gãy đảm bảo an toàn giao thông.
• Do ảnh của bão, trên địa bàn huyện Yên Mô đã có mưa to và gió cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Lượng mưa tính từ 7h ngày 7/8- 7h ngày 8/8 là 103 mm. Gió to, mưa to đã làm gẫy đổ 11 cột điện, 60 ha lúa bị ngập phất phơ, 828 ha lúa ngập 2/3 cây và nhiều cây xanh các loại bị gẫy, đổ…
Huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn khương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả. Chi nhánh điện huyện đã khẩn trương khắc phục sự cố để đảm bảo nguồn điện phục vụ các trạm bơm tiêu úng và sinh hoạt của nhân dân. Chi nhánh KTCTTL huyện đã huy động 100% cán bộ công nhân trực tại các điểm công trình để vận hành các trạm bơm, mở cống tiêu nước chống úng cho lúa, cây màu trên địa bàn huyện.
Tại huyện Gia Viễn, lượng mưa đo được trờn địa bàn đến 7 giờ sáng 8/8 là hơn 70 mm, mức nước đo được ở Bến Đế 2,44m (dưới mức báo động 1. Có hơn 20 ha ngô của xã Gia Sinh bị đổ, 1 số nhà cấp 4 và trụ sở xã trên địa bàn bị thiệt hại (tốc mái, sập)…
Huyện đang chỉ đạo các xã khắc phục thiệt hại; chỉ đạo các trạm bơm trên địa bàn tích cực bơm tiêu nước đệm trên các cánh đồng đề phòng mưa to những ngày tiếp theo; đồng thời tổ chức giúp các gia đình bị thiệt hại do bão sớm ổn định cuộc sống.
• Huyện Nho Quan có tới 6 xã thuộc vùng thấp trũng nhất huyện thường xuyên ngập úng mỗi khi mưa bão, lũ về. Với đặc thù là huyện vùng lũ của tỉnh Ninh Bình nên công tác phòng, chống bão, đặc biệt là chống lũ lụt thường xuyên được lãnh đạo các cấp trong huyện quan tâm.
Như đối với cơn bão số 6, để chủ động ứng phó, huyện Nho Quan đã yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện, Ban chỉ huy PCLB và TKCN các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ, thông báo kịp thời, chính xác diễn biến của bão để nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối, nhất là nhân dân ở vùng trũng, vùng ven sông, suối; chủ động phòng, tránh lũ quét sạt lở đất. Rà soát lại phương án di dân vùng ngoài đê, vùng xả lũ, vùng nguy cơ cao để sẵn sàng triển khai thực hiện khi mưa lớn xảy ra. Rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu trên hệ thống đê, hồ đập, công trình thi công dang dở, khu vực nguy cơ ngập úng, sạt lở đất đá để có phương án xử lý đảm bảo an toàn, sẵn sàng lực lượng, vật tư dự trữ, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng phó kịp thời khi có yêu cầu...
Thống kê nhanh trên địa bàn huyện cho biết, bão số 6 đã làm 10 căn nhà bị tốc mái, 2 cột điện bị đổ, 10ha ngô bị hư hại. Hiện lũ trên sông Hoàng Long đang ở mức báo động cấp 2. Huyện Nho Quan đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết, từ con người đến vật tư, trang thiết bị, tàu thuyền, sẵn sàng đón lũ. Ở mỗi xã, huyện bố trí một trung đội dân quân để xử lý tình huống nước lũ trên sông Hoàng Long vượt báo động cấp số 3. Ngoài ra, còn bố trí lực lượng dân quân cơ động để kịp thời ứng cứu, sơ tán dân.
Để việc giúp dân phòng, chống lũ hiệu quả, huyện Nho Quan còn chủ động hiệp đồng với các đơn vị đóng quân trên địa bàn chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng cứu khi xảy ra lũ lớn về.
Nhóm PV