Có mặt trên cánh đồng lúa của xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) chiều 9/10, sau 3 ngày mưa liên tiếp, hôm nay tranh thủ thời tiết hửng nắng nhiều nông dân đã ra đồng thu hoạch lúa. Cầm trên tay nắm thóc, trong đó có nhiều hạt đã nảy mầm, ông Nguyễn Văn Bắc, đội 4, xóm 7, xã Khánh Nhạc không giấu nổi xót xa: "Đáng ra khoảnh ruộng này phải thu hoạch từ 1 tuần trước nhưng mưa quá không gặt được, cây lúa đổ dập đổ dụi và đến hôm nay thì mọc mậm hết cả".
Không giống như ông Bắc, bà Dương Thị Tẻ đã bất chấp thời tiết để thu hoạch toàn bộ 5 sào lúa LT2 của gia đình từ 4 ngày trước. Tuy nhiên, dù đã được mang về nhà nhưng do không có biện pháp để sấy khô kịp thời nên lúa vẫn bị nảy mầm, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng gạo.
Bà Tẻ chia sẻ: Vụ này nông dân chúng tôi làm ruộng vất vả quá, mưa nhiều khiến cho sâu bệnh phát sinh nặng, phun thuốc tới 4-5 lượt, chi phí lên tới vài trăm nghìn/sào mà lúa vẫn bị bạc lá. 1 sào năm ngoái thu 2 tạ thì năm nay chỉ được phân nửa. Đã thế thời điểm thu hoạch, mưa triền miên lúa cũng không thể phơi được.
Để chủ động gia đình đã phải căng bạt ở trước sân để canh thóc ra nhưng cũng không đủ chỗ. Sáng nay trời hửng nắng vừa mới đưa lúa ra phơi được 1 lúc thì mưa lại bất chợt đổ xuống, 2 vợ chồng thu không kịp, giờ lại phải hốt thóc ướt vào.
Anh Lê Văn Năm, chủ một máy gặt từ Thanh Hóa cho biết: Nếu thời tiết nắng ráo, máy gặt Kubuta DC 60 này của tôi 1 ngày có thể gặt được 14-16 mẫu ruộng. Nhưng tính từ ngày chuyển máy ra đây là hơn 1 tuần, tôi mới gặt được chừng 10 mẫu. Nguyên nhân là khi trời mưa, hệ thống sàng của máy sẽ không hoạt động được nên phải nghỉ, 1 ngày chỉ làm được vài tiếng.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc, diện tích lúa mùa của địa phương là 600 ha. Tuy nhiên từ khi gieo đến khi thu hoạch, thời tiết liên tục có mưa lớn, khoảng thời gian nắng ít khiến cây lúa yếu, sâu bệnh bùng phát. Cả xã có hơn 50% diện tích lúa bị bệnh bạc lá và 3 ha bị bệnh lùn sọc đen, năng suất giảm từ 25-30%.
Những ngày qua, khi bà con đang tập trung thu hoạch thì mưa lại tiếp diễn, một số diện tích có hiện tượng mọc mậm trên cây, còn lúa đã thu hoạch cũng bị ảnh hưởng đến chất lượng do không phơi được. Hiện xã đang tích cực vận động hộ dân thực hiện các biện pháp khắc phục.
Trước mắt, các hộ dân hỗ trợ, giúp nhau về ngày công và thực hiện biện pháp thủ công để thu hoạch trước những bông lúa bị gãy đổ mà máy cắt không thể làm được. Chủ động bơm nước ra sông, khi nước rút cạn thu hoạch tiếp bằng máy cắt liên hợp.
Bên cạnh đó, xã đã yêu cầu HTX nông nghiệp Hợp Tiến vận hành hết công suất của 2 máy sấy để sấy thóc cho bà con. Đồng thời, hỗ trợ toàn bộ tiền công sấy, chỉ thu tiền điện và tiền than.
Vụ lúa hè thu năm nay toàn tỉnh gieo cấy trên 36.600 ha. Trong đó diện tích trà mùa sớm là khoảng 35%, trà mùa trung 60%, trà mùa muộn là 5%. Hiện tại, phần lớn diện tích lúa đã chín.
Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn các địa phương khẩn trương mở cống, đập cũng như tiến hành bơm thoát, tiêu kiệt nước trong ruộng nhằm hạn chế lúa lên mộng; những diện tích lúa bị ngã đổ, nông dân cần nhanh chóng thu hoạch, có thể huy động nhân công gặt bằng tay; đồng thời tranh thủ tối đa khi địa hình, thời tiết thuận lợi đưa máy gặt đập liên hợp vào để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, hạn chế thất thoát về năng suất và phẩm chất hạt gạo.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ 7h sáng ngày 9/10, trên địa bàn huyện Nho Quan đã có mưa lớn trên diện rộng, nhiều khu vực bị ngập úng. UBND huyện Nho Quan đã nhanh chóng triển khai các phương án ứng phó để giảm mức thiệt hại thấp nhất về người và tài sản cho nhân dân.
Theo thông tin từ Trạm khí tượng thủy văn huyện Nho Quan, đến 13 giờ ngày 10/10, lượng mưa đo được tại huyện Nho Quan trung bình khoảng 84,1mm; tại Trạm khí tượng Cúc Phương, lượng mưa đo được trên 181mm. Mưa lớn tiếp tục kéo dài khiến cho hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ.
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều nơi trên địa bàn huyện Nho Quan xảy ra ngập úng. Trong ảnh: Tình trạng ngập úng ở khu vực Trường THCS Sơn Hà, huyện Nho Quan. Ảnh: CTV
Trước tình hình đó, UBND huyện Nho Quan đã có công điện chỉ đạo các phân ban, các xã nhanh chóng triển khai các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lớn.
Đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Ngay từ sáng 10/10, lãnh đạo huyện Nho Quan đã phân công chỉ đạo trực tiếp tại các điểm xung yếu kịp thời khắc phục sự cố như tại Quèn Thạch (Cúc Phương) để phòng chống sạt lở ở miền núi; đập hồ Đồng Chương cũng đã mở 2/3 cửa xả lũ để bảo vệ thân đập.
Tại những xã có nhiều diện tích nuôi thủy sản như: Sơn Thành, Thanh Lạc…, huyện đã huy động 12 máy bơm chạy 100% công suất từ đêm 9/10 để đảm bảo không bị ngập úng cục bộ, gây thiệt hại cho nhân dân.
Thời điểm này, các địa phương trong huyện đã thu hoạch được 4.100 ha, đạt khoảng 84% diện tích lúa mùa toàn huyện. Năng suất chung toàn huyện đạt 48 tạ/ha, cao hơn vụ mùa năm 2016 khoảng 1,3 tạ/ha. Số diện tích chưa thu hoạch chủ yếu ở xã phía nam của huyện.
Những xã này tuy lượng mưa đo được lớn, nhưng do địa hình cao, nước rút nhanh nên không gây thiệt hại nhiều cho nông dân. Tuy nhiên, huyện cũng chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động bà con nhanh chóng thu hoạch lúa mùa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Nguy cơ lớn nhất hiện nay là một số địa phương có diện tích chân ruộng cao, đồng màu và có truyền thống trồng cây vụ đông như Thạch Bình, Phú Sơn, Yên Quang, Văn Phong, Văn Phương và Văn Phú đã triển khai gieo trồng 500 ha ngô, khoai lang, cà chua…, Phòng Nông nghiệp huyện đã phối hợp với xã chỉ đạo, hướng dẫn bà con các biện pháp chống ngập úng cho cây trồng.
Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, trên địa bàn huyện chưa xảy ra thiệt hại về người và tài sản của nhân dân...
Thông tin từ UBND huyện Nho Quan cho biết, lượng mưa tiếp tục tăng, đến thời điểm 17h ngày 10/10, lượng mưa đo được ở khu vực những xã phía nam của huyện trên 200mm.
Hà Phương - Nguyễn Thơm