Toàn huyện Yên Mô đến nay đã gieo trồng được gần 2.000 ha vụ đông, đạt trên 70% kế hoạch. Đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của các cây trồng vụ đông cho thấy, hiện cây ngô trà sớm đang giai đoạn xoáy nón, trỗ cờ, ngô trà muộn đang giai đoạn lá, sinh trưởng, phát triển tốt; các loại cây lạc, đậu tương đang giai đoạn ra hoa, quả non, nhìn chung phát triển tương đối tốt; còn lại các loại cây trồng khác như cà chua, bí xanh sinh trưởng và phát triển khá…
Đồng chí Lê Văn Huân, Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết: Đối với huyện Yên Mô, giải pháp duy trì và mở rộng cây đông được huyện triển khai từ sớm. Mục tiêu của huyện là duy trì diện tích cây đông có giá trị kinh tế cao thông qua liên kết, mở rộng diện tích cây đông dễ trồng, có thị trường tiêu thụ. Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh cho cây đông như: khoai tây, khoai sọ, trạch tả, ngô ngọt, bí xanh, dưa bao tử, cà chua nhót, ớt, huyện đã trích kinh phí hỗ trợ các cây đông khác.
Xác định cây đậu tương là cây có khả năng mở rộng diện tích, cho hiệu quả kinh tế cao nên vụ đông năm nay, huyện đã khuyến khích bà con nông dân mở rộng diện tích cây vụ đông bằng việc hỗ trợ tiền làm đất và phân bón. Cụ thể là, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Yên Mô hỗ trợ tiền làm đất cho diện tích trồng đậu tương trên đất 2 lúa với mức 1,4 triệu đồng/ha (tương đương 50 nghìn đồng/sào); các xã, thị trấn như Yên Thắng, Yên Từ, Khánh Thịnh, Khánh Dương. Yên Thái, Yên Lâm… cũng hỗ trợ một phần kinh phí mua giống, làm đất, kinh phí bảo vệ đồng, diệt chuột cho người sản xuất.
Tuy nhiên, tiến độ sản xuất cây vụ đông trên địa bàn huyện Yên Mô còn chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thời tiết từ những ngày cuối tháng 10, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn làm chậm tiến độ trồng cây đông muộn, như cây khoai tây và rau các loại. Một nguyên nhân nữa là do Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao không cung ứng được giống ngô ngọt, đậu tương rau xuất khẩu và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng nên một số đơn vị như xã Yên Lâm, Yên Mạc không thực hiện được kế hoạch sản xuất.
Chính sách hỗ trợ vụ đông năm 2014 theo Đề án của tỉnh với định mức hỗ trợ một số cây trồng như ngô ngọt, khoai tây… giảm so với năm 2013 và một số cây trồng truyền thống không còn được hỗ trợ như lạc, ngô thương phẩm, đậu tương. Cùng với đó, nguyên nhân chủ quan là do một số đơn vị chưa tích cực, chủ động chuyển đổi quỹ đất trồng cây đông sớm không đạt kế hoạch sang trồng cây đông muộn. Có sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành nông nghiệp sang phi nông nghiệp nên thiếu hụt lao động đầu vụ sản xuất. Một số hộ nông dân chưa chủ động trong sản xuất vụ đông, còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước…
Trước thực tế đó, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các cây trồng vụ đông theo đúng quy trình kỹ thuật của từng loại cây trồng, tạo điều kiện cho những cây vụ đông đã trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Đồng thời tập trung chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị và các hộ nông dân khẩn trương trồng cây đông muộn, phấn đấu cây khoai tây cơ bản xong trước ngày 15-11, mở rộng diện tích gieo trồng các loại rau quay vòng 2-3 lứa/vụ nhằm tăng diện tích, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Tiếp tục phát động toàn dân tập trung đánh bắt, diệt chuột vụ đông theo kế hoạch của huyện để bảo vệ kết quả sản xuất…
Được biết, tranh thủ chính sách hỗ trợ của tỉnh, để thực hiện có kết quả sản xuất vụ đông, nhiều địa phương đã có chính sách bổ sung khuyến khích bà con nông dân tập trung vào sản xuất. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nên việc sản xuất cây vụ đông còn gặp khó khăn. Đến giữa tháng 10-2014, là thời điểm kết thúc việc trồng cây ưa ấm thì các cây trồng sớm mới đạt được 65-70% diện tích. Đây là các cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao nhất, chiếm diện tích lớn trong vụ đông.
Nguyên nhân sản xuất vụ đông đến thời điểm này chậm là do ảnh hưởng của thời tiết: đầu vụ nắng hạn kéo dài, nhiều đợt mưa lớn nên việc làm đất, gieo trồng và sinh trưởng, phát triển của cây vụ đông bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thay đổi được tập quán canh tác, chưa có sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất vụ đông, nhiều nơi bà con nông dân chưa mặn mà với việc sản xuất cây vụ đông…
Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh sản xuất vụ đông. Theo đó, hoãn các công việc chưa cần thiết để tập trung nhân lực xuống địa bàn chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát lại diện tích cây đông đã trồng, khắc phục diện tích cây đông bị ảnh hưởng do mưa lớn bằng rặm tỉa, trồng bổ sung, chăm bón đủ các loại phân bón để cây đông sinh trưởng và phát triển kịp thời, cho năng suất cao.
Đối với những diện tích chưa thực hiện được, nhanh chóng chuyển sang trồng cây ưa lạnh, bằng các giống cây có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, cho giá trị kinh tế cao, như cây khoai tây, khoai lang và rau xanh. Cùng với việc đẩy nhanh trồng cây đông ưa lạnh, phấn đấu xong trước ngày 20-11, các địa phương cần chú trọng tới công tác bảo vệ thực vật, theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh, có biện pháp phòng trừ kịp thời, không để lây lan trên diện rộng; đồng thời sẵn sàng ứng phó khi có mưa lớn xảy ra, tiêu úng kịp thời những diện tích cây vụ đông đã được trồng, đảm bảo một vụ đông ăn chắc, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, hoàn thành chỉ tiêu về kết quả phát triển nông nghiệp mà Đại hội Đảng các cấp đề ra…
Huy Hoàng