Ý thức được ý nghĩa của việc đăng cai Vesak trong việc tôn vinh đạo Phật - một tôn giáo đã có bề dày hơn 2.000 năm với khoảng 10 triệu Phật tử trên khắp cả nước - và khẳng định sự tự do và tôn trọng trong chính sách tôn giáo của Việt Nam, nhà nước đã tạo nhiều thuận lợi để hầu hết các địa phương trong cả nước đón chào sự kiện này một cách trang trọng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có thông bạch hướng dẫn các địa phương thực hiện các hoạt động thiết thực phù hợp với điều kiện kinh tế, truyền thống Phật giáo và đúng pháp luật. Không chỉ Hà Nội, chặng dừng chân đầu tiên của khoảng 5.000 đại biểu trong nước và quốc tế để tham dự các hoạt động chính của Đại lễ từ 14-17/5, tại những địa phương có hoạt động trực tiếp hoặc có nhiều liên hệ tới Đại lễ như Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế không khí Vesak cũng đang rất sôi động. Tại Quảng Ninh, nơi sẽ đón hàng ngàn đại biểu dự Đại lễ về thăm khu danh thắng Yên Tử - kinh đô của phật giáo Việt Nam thời nhà Trần và vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới, hiện đã hoàn tất các khâu chuẩn bị. Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng ban trị sự giáo hội Phật giáo Quảng Ninh cho biết, điểm nhấn khi các đại biểu về thăm Yên Tử sẽ là tham quan bái tháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Tháp được coi là quý nhất của khu vực này. Tại Chùa Đồng, nơi được phật tử trong và ngoài nước coi là linh thiêng nhất, một lễ cầu nguyện hòa bình sẽ được tổ chức trang trọng. Tại trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất cả nước Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ có các hoạt động theo nghi lễ tôn giáo chính thức, một trong những điểm đặc biệt thu hút sự chú ý của du khách trong mùa Phật đản năm nay là sự sôi động của thị trường văn hóa phẩm Phật giáo, đặc biệt là thị trường thiệp mừng Phật đản và các vật dụng trang trí cho đại lễ Phật đản như đèn lồng, biểu ngữ, poster… Tại cố đô Huế, tất cả cũng đã sẵn sàng cho một Đại lễ Phật đản trang trọng nhất từ trước đến nay với các nghi lễ tôn giáo chính thức ở chùa Diệu Đế, chùa Từ Đàm và hàng loạt hoạt động văn hóa trên khắp thành phố. Cùng với các cuộc triển lãm ảnh về các danh lam thắng cảnh của Việt Nam, trưng bày cổ vật Phật giáo, phố ẩm thực chay, còn có nhiều chương trình văn nghệ chào mừng Phật đản và giới thiệu văn hóa phi vật thể của cố đô này. Các đường phố trở nên sống động hơn bởi pano áp phích, thông điệp của Vesak 2008 in bằng tiếng Việt và tiếng Anh; gia đình phật tử hai bên đường sẽ treo đèn, cờ; sông Hương được thắp sáng với chủ đề "Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh". Thành phố Huế cũng là một đầu cầu truyền hình trong chương trình truyền hình trực tiếp Đại lễ. Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, quá trình chuẩn bị cho các hoạt động chính của Đại lễ ở Hà Nội hiện cũng đã hoàn tất. "Việt Nam đã sẵn sàng cho Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008", Trưởng ban Nguyễn Thế Doanh khẳng định với báo giới tại Hà Nội, ngày 8/5.
Theo TTXVN