Theo đồng chí Nguyễn Minh Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Để đạt được mục tiêu này, trước hết Hội tiếp tục phát huy những cách làm hiệu quả đã triển khai trong năm 2017. Đó là, quan tâm đến công tác dạy nghề theo hướng toàn diện hơn, từ công tác khảo sát nhu cầu người học đến đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề, từ công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên đến tạo điều kiện cho người học nghề theo học các lớp dạy nghề.
Được biết, trong năm vừa qua, với cách làm đó, công tác dạy nghề của Hội Nông dân đã có những kết quả tích cực. Bắt tay vào triển khai, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, nông dân về chủ trương, chính sách dạy nghề của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, về trách nhiệm, quyền lợi của nông dân khi tham gia học nghề.
Đồng thời giao cho Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tổ chức thực hiện dạy nghề cho hội viên, nông dân; phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Hội Nông dân các cấp tư vấn, khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên nông dân phù hợp với từng địa phương.
Từ đó xây dựng kế hoạch dạy nghề cho từng năm, các nghề lựa chọn, tuyển sinh phải đảm bảo sau khi học nghề học viên có việc làm và thu nhập ổn định. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác dạy nghề, quản lý và sử dụng kinh phí dạy nghề đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, đúng các quy định hiện hành.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, vốn cho hội viên nông dân để duy trì phát triển nghề, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức bao tiêu sản phẩm cho nông dân, từ đó giúp nông dân yên tâm đầu tư và duy trì phát triển nghề. Để tạo sự thống nhất trong công tác dạy nghề và để không bị chồng chéo, trước khi quyết định mở lớp, Hội Nông dân tỉnh tiến hành khảo sát kỹ nhu cầu học nghề, thống nhất hiệp y với các sở, ngành liên quan.
Nhờ đó, trong năm qua, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho 10.586 hội viên nông dân, trong đó Hội Nông dân trực tiếp dạy nghề và cấp giấy chứng nhận nghề cho 135 học viên. Nhiều nghề đã cho thấy hiệu quả thực tiễn như đan bèo bồng, nghề đan cói, trồng và nhân giống nấm... Hội Nông dân tỉnh cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các hoạt động dạy nghề, trong đó đã tổ chức được 16 lần kiểm tra. Qua công tác kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, đồng thời rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện tốt hơn.
Một điểm đáng chú ý nữa trong công tác dạy nghề thời gian qua của các cấp Hội Nông dân đó là quan tâm lồng ghép các hoạt động hỗ trợ học viên sau khi học nghề về vốn, khoa học kỹ thuật để duy trì và phát triển nghề. Năm 2017, toàn tỉnh đã thành lập được 589 tổ vay vốn với gần 11 nghìn thành viên, tổng dư nợ cho vay khoảng 1.200 tỷ đồng. Đồng thời Hội chủ động liên hệ, phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia bao tiêu sản phẩm để bà con nông dân yên tâm làm nghề.
Triển khai công tác dạy nghề một cách toàn diện, trong năm 2017, Hội Nông dân tỉnh cũng thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách Hội Nông dân tỉnh, Hội nông dân các huyện, thành phố và ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân cơ sở về công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân; các chính sách mới hỗ trợ cho lao động học nghề theo Quyết định 971…
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp dạy nghề, đa số hội viên, nông dân sau khi học xong nghề có việc làm và thu nhập ổn định, nhiều nghề đã được duy trì phát triển khá như đan cói, đan bèo bồng, trồng và nhân giống nấm... Số lao động có kiến thức KHKT và tay nghề tham gia sản xuất ngày một đông, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động tại địa phương, tăng thu nhập cho nông dân, nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Bài, ảnh: Đào Duy