Do đó, để hạn chế thấp nhất tác hại của thời tiết đến sản xuất nông nghiệp, đối với cây trồng, cần tập trung thu hoạch nhanh diện tích các cây trồng vụ đông, đẩy nhanh tiến độ làm đất chuẩn bị cho sản xuất vụ đông xuân; bám sát lịch xả nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tập trung mọi nguồn lực lấy đủ nước đảm bảo phục vụ gieo cấy các cây trồng vụ đông xuân; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để có biện pháp phòng, chống rét cho mạ đã gieo, không gieo thẳng và cấy lúa khi nhiệt độ ngoài trời dưới 15oC; chủ động nguồn giống lúa dự phòng, đảm bảo chất lượng để gieo mạ hoặc gieo thẳng kịp thời nếu thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài gây chết mạ.
Đối với vật nuôi, cần tăng cường cán bộ kỹ thuật về cơ sở để vận động, tuyên truyền người dân tích cực thực hiện các biện pháp chống rét như: xây, sửa, che chắn lại chuồng trại, cho gia súc uống nước ấm có pha thêm muối, dự trữ nguồn thức ăn, bổ sung thức ăn tinh và các chất khoáng vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho gia súc, mặc áo cho trâu, bò; những ngày nhiệt độ xuống dưới 12oC không được chăn thả gia súc, gia cầm, đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác tiêm phòng phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt công tác tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng và các bệnh về hô hấp.
Đối với thủy sản, tập trung chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch cá đã đạt cỡ thương phẩm để đảm bảo hiệu quả kinh tế; đưa cá vào ao kín gió lưu giữ qua đông, dâng nước với độ sâu 1,4 - 1,5 m, trên mặt nước nên thả một phần bèo tây chắn gió, có thể dùng bạt nilon phủ kín mặt ao để chống rét cho cá tôm khi rét đậm. Dùng các sọt rơm cắm chìm xuống đáy ao nơi sâu nhất để cá chui vào tránh rét; cho tôm, cá ăn thức ăn tinh hoặc thức ăn công nghiệp có chất lượng, tập trung chăm sóc vào những ngày ấm để tăng khả năng chịu rét của cá, tôm. Đặc biệt, lưu ý chăm sóc đối với đàn cá, tôm bố mẹ; lập kế hoạch và chuẩn bị giống cây trồng và các điều kiện cần thiết cho Tết trồng cây Xuân Quý Tỵ.
Đức Lam