Ông Hoàng Văn Thành, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh cho biết: Năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các chi nhánh Ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất của NHNN Việt Nam.
Triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, hướng dẫn của NHNN Việt Nam và các Bộ, ngành đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Theo đó , tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đến 31-12-2016 ước đạt 57.892 tỷ đồng.
Trong đó, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng HTX, Ngân hàng Chính sách-xã hội, Quỹ Tín dụng nhân dân đến hết năm ước đạt 52.672 tỷ đồng, tăng 20,3% so với 31-12-2015. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất từ trước tới nay của ngành Ngân hàng Ninh Bình.
Góp phần không nhỏ vào kết quả này phải kể đến các chi nhánh Ngân hàng thương mại như: Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT chiếm 22,82%, Ngân hàng TMCP Công thương Tam Điệp 7,97%; Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư & Phát triển Ninh Bình 16,14%; Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Tam Điệp 7,31%; Ngân hàng TMCP Ngoại thương 6,01%; Ngân hàng TMCP Quân đội 10,35%... Các ngân hàng này sau khi đã xem xét tổng hòa các yếu tố thị trường, tình hình thực tế doanh nghiệp để điều chỉnh cung ứng vốn nên đã có sự bứt phá tăng trưởng tín dụng, đặc biệt vào giai đoạn quý III và IV.
Theo đánh giá của NHNN chi nhánh Ninh Bình, trong năm 2016, ngành Ngân hàng đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Tín dụng ngân hàng đã đóng góp tích cực cho việc duy trì sự tăng trưởng kinh tế với nhịp độ cao trong nhiều năm liên tục và dư nợ cho vay theo ngành đã đáp ứng tốt các yêu cầu điều hành của NHNN. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 66,15%, dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 33,85%.
Trong năm, mặc dù một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, tuy nhiên các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện tốt việc quản lý nợ và xử lý nợ xấu, hầu hết các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ trên dưới 1%.
Theo nhận xét của ông Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, trong năm 2016, việc đầu tư tín dụng ngân hàng được tập trung vào các lĩnh vực được khuyến khích và tăng cao so với năm 2015. Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các xã điểm của tỉnh, huyện, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh ưu tiên vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm tốc độ tăng trưởng theo đúng định hướng.
Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đến 31-12-2016 ước đạt 12.563 tỷ đồng, chiếm 23,8% tổng dư nợ các chi nhánh NHTM, TCTD; Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới ước đạt 11.783 tỷ đồng, tăng 9,71% so với đầu năm…
Bên cạnh đó, NHNN tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh cho vay với lãi suất ưu đãi theo quy định của NHNN đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và các chính sách tín dụng ưu đãi khác theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về vốn, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất hợp lý để duy trì hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh. Ước tính đến 31-12-2016, dư nợ cho 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 25.053 tỷ đồng, dư nợ cho vay các dự án kinh tế lớn của tỉnh đạt 2.930 tỷ đồng.
Trong năm 2016, các ngân hàng tiếp tục thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp và ký kết hỗ trợ vốn vay. Ước tính đến ngày 31-12-2016 có 155 doanh nghiệp được ký kết hỗ trợ vay vốn với số tiền cam kết 2.595 tỷ đồng (tăng 380 tỷ đồng so với đầu năm); dư nợ 2.030 tỷ đồng (tăng 506 tỷ đồng so với đầu năm).
Ngoài ra, ngành ngân hàng thực hiện một số chương trình tín dụng khác như: Chương trình cho vay bình ổn thị trường: Ước tính đến ngày 31-12-2016 các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hỗ trợ cho 4 khách hàng (doanh nghiệp) với số vốn cam kết hỗ trợ 65 tỷ đồng; chương trình cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg; chương trình cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Có thể thấy, năm 2016, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tại Ninh Bình đã có sự bứt phá đáng kể so với các năm trước. Điều đó cho thấy nhu cầu nguồn vốn trên địa bàn tỉnh vẫn rất lớn, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thực sự vẫn cần sự đầu tư tín dụng nhiều hơn. Chính vì thế, năm 2017 ngành ngân hàng Ninh Bình tiếp tục đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng từ 16-18% để đáp ứng nhu cầu vốn cho xã hội.
Để đạt mục tiêu này, ngành Ngân hàng còn tiếp tục chỉ đạo, các Chi nhánh Ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động tìm kiếm khách hàng, tiếp cận các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn; đẩy mạnh tham gia và thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; Chương trình bình ổn thị trường, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp các Ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững.
Nguyễn Thơm