Từ ngày 1/1/2008, cán bộ, công nhân viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước được điều chỉnh mức lương khởi điểm từ 450.000 đồng/người/tháng lên 540.000 đồng/người/tháng. Đó là một bước tiến nữa trong lộ trình cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện. Đợt cải cách chế độ tiền lương lần này đúng vào dịp đầu năm kế hoạch mới (2008) lại chỉ cách Tết âm lịch cổ truyền Mậu Tý hơn 1 tháng. Đây là thời điểm "nhạy cảm" về giá cả, hàng hóa và đang trong lúc có sự "biến động" trên thị trường. Trên thực tế, mỗi khi có đợt tăng lương, cải cách chế độ tiền lương thì dường như giá cả hàng hóa bên ngoài thị trường cũng "rục rịch" tăng theo và tăng trước.
Lần này cũng vậy, do biến động của thị trường thế giới, vào những tháng cuối năm 2007, giá vàng tăng đột biến đến mức "kỷ lục"; giá dầu cũng tăng mạnh làm cho các cơ quan kinh doanh xăng dầu trong nước phải điều chỉnh giá lên nhiều lần... Các hàng hóa khác cũng kéo theo sự tăng giá như: Lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng... Càng gần đến Tết cổ truyền thì xu hướng tăng giá càng diễn ra "gay gắt" do nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tăng cao. Đó là một thực tế đã diễn ra trong nhiều năm qua. Khảo sát của chúng tôi, trên thị trường hiện tại cho thấy: Thịt lợn mông, giá 50.000 đồng/kg; thịt bò 70.000 đồng/kg; gạo tẻ thường 6.000-7.000 đồng/kg... Giá trên đã tăng lên so với trước đó và trong dịp Tết Nguyên đán chắc sẽ chưa dừng lại
Có chung nỗi niềm như anh Long, ông Vũ Đình Ân (thị xã Tam Điệp), cán bộ hưu trí nói: Như chúng tôi khi nghỉ công tác, hệ số lương cao còn có khoản thu nhập khá, chi phí trong gia đình và bản thân. Tuy vậy, giá các loại hàng hóa cần thiết tăng lên cũng thấy cuộc sống "chật vật", nhất là những người về nghỉ công tác chỉ trông chờ vào đồng lương hưu như tôi.
Đối với những người nông dân "chân lấm, tay bùn", suốt ngày chỉ làm bạn với đồng ruộng, giá cả mặt hàng, hàng hóa tiêu dùng và phục vụ sản xuất tăng lên là điều họ đang lo ngại nhất. Bởi lẽ người nông dân mọi chi phí trong gia đình từ việc to đến việc nhỏ đều trông chờ vào hạt thóc, củ khoai làm ra. Hơn nữa muốn làm ra những sản phẩm này cần phải có sự đầu tư về giống, phân bón, xăng dầu... Mặc dù các loại sản phẩm nông nghiệp do họ làm ra giá có tăng nhưng không bù lại được sự tăng giá của hàng hóa tiêu dùng và các loại vật tư phục vụ cho nông nghiệp... Ông Phạm Văn Nhân (Nho Quan) nói: Người dân chúng tôi vừa trải qua đợt lũ lụt "kinh hoàng": nhà cửa, tài sản, lúa thóc... bị thiệt hại khá lớn. Nhiều hộ gia đình bị mất trắng. Bây giờ đã đến vụ sản xuất mới (vụ đông xuân 2008), giống, vốn đầu tư cho sản xuất nhiều nhà vẫn khó khăn. Cũng may có sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ngành liên quan; sự giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân mọi miền nên sản xuất nông nghiệp ở đây đang tiến triển tốt. Nhưng với tình hình giá cả hàng hóa tiêu dùng và vật tư cho sản xuất như hiện tại thì nông dân là những người bị ảnh hưởng lớn.
Trong nền kinh tế thị trường, giá cả lên xuống theo quy luật cung - cầu. Điều chỉnh lương cho cán bộ, công chức Nhà nước là điều cần thiết nhằm đảm bảo cho cuộc sống của họ ngày càng tốt hơn, gắn bó với công việc hơn. Nhưng, mỗi khi có đợt điều chỉnh lương như vậy, nhất là ở những tháng cuối năm, trong dịp Tết cổ truyền, thì việc quản lý, khống chế giá cả hàng hóa cần phải thực hiện tốt hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Đó là các công việc: tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường trong lưu thông; chống hàng giả, hàng kém chất lượng; đảm bảo hàng hóa được bán đúng giá; khách hàng, người tiêu dùng không bị ép giá, mua "đội" giá; tăng cường công tác chống buôn lậu, chống đầu cơ, tích trữ, thu gom hàng... nhằm đẩy giá lên cao, bắt "chẹt" người tiêu dùng, tạo ra "cơn sốt" giá giả... Mỗi khi Tết đến, xuân về thì các công việc trên lại cần thiết hơn bao giờ hết, nhằm bảo đảm cho nhân dân vui đón xuân, đón Tết Mậu Tý đầy đủ, vui vẻ và hạnh phúc.
Trường Sinh