Chúng tôi có mặt tại xã Gia Sơn, huyện Nho Quan vào những ngày chuẩn bị cho lễ đón nhận bằng công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Cả xã như một công trường đâu đâu cũng nhộn nhịp bởi tiếng máy xây dựng, tiếng những nhóm thợ trao đổi công việc, trên gương mặt của những người dân lộ rõ vẻ vui mừng. Đồng chí Phạm Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Gia Sơn niềm nở tiếp chúng tôi: Đến thời điểm này mọi công tác chuẩn bị đón bằng công nhận nông thôn mới của Gia Sơn đã hoàn tất. Gia Sơn đang khoác lên mình tấm áo mới khiến cho người dân ở đây thêm khí thế và hy vọng về một sự đột phá trong phát triển kinh tế cũng như đời sống xã hội được nâng cao.
Đúng như lời Chủ tịch xã Phạm Văn Giang đã nói, từ một xã nghèo với xuất phát điểm thấp, phát triển kinh tế thuần nông. Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới Gia Sơn mới chỉ đạt 3/19 tiêu chí, những tưởng kế hoạch về đích nông thôn mới sẽ vào những năm 2019-2020, nhưng với quyết tâm chính trị cao xã đã về đích trước hẹn. Xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc xây dựng NTM để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, do đó Đảng ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM và triển khai đến tất cả các chi bộ, thôn, xóm, tổ chức đoàn thể đưa các chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới thành việc làm thiết thực thu hút cả cộng đồng, huy động được các nguồn lực trong nhân dân, các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp qua đó đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong lộ trình xây dựng NTM.
Được biết trong nhiều năm qua, nhất là năm 2017, tỉnh cũng như huyện Nho Quan đã đầu tư nguồn vốn cho Gia Sơn để triển khai xây dựng nông thôn mới. Để nguồn đầu tư phát huy hiệu quả, Ủy ban MTTQ xã đã thành lập Ban giám sát đầu tư cộng đồng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Ban đã trực tiếp thực hiện giám sát các công trình xây dựng cơ bản cấp xã và các công trình khác như trường mầm non, nhà văn hóa, đường giao thông nội xóm theo chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2017. Đến nay, toàn bộ hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã đã được cứng hóa, trong đó có 97% đã được đổ bê tông đạt chuẩn.
Từ nhiều nguồn kinh phí, địa phương cũng chú trọng đầu tư cho cơ sở vật chất, cho giáo dục. Đến nay, 3 trường học trên địa bàn đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, trong đó trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. 4/7 thôn trong xã có nhà văn hóa đạt chuẩn.
Về phát triển kinh tế, Gia Sơn xác định sẽ chú trọng thu hút đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho nông dân. Hiện, trên địa bàn xã có 2 doanh nghiệp đang hoạt động thu hút gần 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Gần đây nhất Công ty TNHH Daewang VINA chuyên may xuất khẩu cũng đã đi vào sản xuất. Với những nỗ lực trên, hiện nay, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của Gia Sơn đạt trên 90%; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 28 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 9,8%.
Làm việc với huyện Nho Quan, đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Năm 2017, toàn huyện có 4 xã đăng ký hoàn thành xây dựng NTM bao gồm: Đức Long, Xích Thổ, Gia Sơn và Gia Tường. Đây là những xã khó khăn của huyện Nho Quan. Đầu năm 2017 khi đăng ký hoàn thành mục tiêu các xã này đạt từ 14 đến 15 tiêu chí, những tiêu chí còn lại cần nguồn kinh phí lớn.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, các giải pháp huy động nguồn vốn xã hội hóa đã được triển khai. Trong đó, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, các xã đã vận dụng linh hoạt chính sách như: Sử dụng nguồn vốn quỹ từ chuyển quyền đấu giá đất, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm nâng cao thu nhập. Nhờ làm tốt công tác dồn điền đổi thửa và tích tụ ruộng đất tại các xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có 9 xã đã tổ chức tích tụ, tập trung ruộng đất được 207,5 ha và đã có 6 doanh nghiệp tham gia đầu tư. Nhìn chung, các doanh nghiệp sau khi được bàn giao đất đã tổ chức đi vào sản xuất. Bên cạnh đó Nho Quan có nhiều chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động cho khu vực nông thôn như: Sản xuất cơm cháy ở Xích Thổ, may mặc ở Gia Sơn, làm hương ở Đức Long...
Năm 2017, huyện Nho Quan có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng tổng số xã nông thôn mới lên 13/26 xã. Huyện đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 20/26 xã nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu trên thì huyện Nho Quan xác định tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Các xã có chủ trương xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo cần chủ động thực hiện các giải pháp để huy động mạnh mẽ sự tham gia của người dân, phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể được phân công chỉ đạo để triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.
Đặc biệt huyện cần chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó tập trung cho việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết, hợp tác, hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản. Gắn kết giữa phát triển nông nghiệp - nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và kinh tế đô thị ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh việc ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xem đây là khâu đột phá đặc biệt quan trọng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển.
Bảo Yến