Nhờ đó, nhiều hoạt động thể thao ở cơ sở có sự tham gia của đông đảo nhân dân. Đây là kết quả của việc đưa phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đi vào cuộc sống.
Đến nay, tỷ lệ người tham gia luyện tập TDTT trên địa bàn tỉnh đạt 27% dân số, số lượng các câu lạc bộ TDTT đều tăng hàng năm với trên 500 câu lạc bộ, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình thể thao là 22,5%. Các hình thức tập luyện thể dục thể thao đơn giản, không cần đầu tư nhiều về sân bãi, trang thiết bị, như: chạy, đi bộ, thể dục dưỡng sinh, cầu lông, cờ tướng, võ thuật, bóng đá, bóng chuyền... phát triển mạnh ở hầu hết các địa phương. Nhiều câu lạc bộ còn có người hướng dẫn như câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời, các câu lạc bộ cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền...
Là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa và các lễ hội, phong trào TDTT quần chúng của tỉnh luôn gắn với hoạt động của các lễ hội văn hóa truyền thống bằng các giải thể thao với các môn như đu quay, chọi cù, kéo co, chọi gà, nhẩy bao bố, đi guốc 6 chân, đi cà kheo... Nhiều giải thể thao cấp huyện, cấp tỉnh được tổ chức theo phương thức xã hội hóa công tác tài trợ như giải bóng đá thiếu nhi của huyện Kim Sơn tổ chức vào dịp lễ hội đền thờ doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, giải bóng bàn Cúp PJICO tổ chức thường niên tại nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Bên cạnh đó, các giải bóng đá, bóng chuyền liên xã, liên thôn được tổ chức thường xuyên, đặc biệt là vào dịp lễ, tết luôn thu hút số lượng người tham gia đông đảo... Từ đó, phong trào TDTT trong tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Một trong những nhân tố tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng của tỉnh trong thời gian qua là sự quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, sân bãi luyện tập của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay toàn tỉnh có trên 600 sân thi đấu cầu lông trong đó số nhà tập cầu lông là 111 nhà, 123 sân thể thao; hơn 1000 các điểm vui chơi và hoạt động TDTT, 443 sân bóng đá, 69 sân quần vợt.
Trong năm 2012 cấp huyện, thị xã, thành phố và các ngành ở tỉnh đã tổ chức được 100 cuộc thi đấu TDTT, cấp tỉnh tổ chức được 30 giải và cấp xã tổ chức được gần 500 giải. Trong đó, nhiều giải phong trào TDTT quần chúng được tổ chức ổn định như giải Bóng bàn, Cầu lông, Quần vợt các câu lạc bộ; Giải bóng bàn Cúp các CLB Báo Ninh Bình, Giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng Cúp phát thanh truyền hình tỉnh... đã tạo bước đệm vững chắc thúc đẩy phong trào phát triển bền vững. Các hoạt động TDTT quần chúng thường được tổ chức gắn với việc kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống của dân tộc.
Tuy vậy, phong trào thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh nhưng chưa đều, điều kiện về sân bãi, trang thiết bị phục vụ tập luyện của người dân tại khu vực nông thôn, miền núi còn gặp nhiều khó khăn.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Giáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Để duy trì và phát triển phong trào TDTT quần chúng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội mà Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra, phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, triển khai có hiệu quả Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 và thực hiện thành công Chiến lược phát triển thể thao đến năm 2020, nhất là việc chuẩn bị cho Đại hội TDTT các cấp năm 2013-2014, trong thời gian tới, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng thì các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức tới mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa việc rèn luyện thể thao thường xuyên, đẩy mạnh các hoạt động thể thao quần chúng, chú trọng đầu tư quy hoạch đất, xây dựng cơ sở vật chất dành cho TDTT. Đồng thời, cần tăng cường công tác xã hội hóa TDTT, phát huy mọi nguồn lực để đưa phong trào TDTT quần chúng phát triển toàn diện.
Bài, ảnh: MQ