Xác lập tính bền vững trong sản xuất Vụ đông vừa qua, người nông dân xã Khánh Hải (Yên Khánh) thắng lớn khi rau củ bán được giá. Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Bí thư Đảng ủy xã Khánh Hải vui vẻ cho biết: Nhiều năm nay vụ đông đã là vụ sản xuất chính của người dân Khánh Hải với giá trị lên tới 12-13 tỷ đồng/vụ. Những nông dân có kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất rau hàng hóa, nhạy bén trong tiếp cận thị trường, đón đầu rải vụ có thể thu lãi từ 70-80 triệu đồng chỉ sau 3 tháng làm vụ đông.
Đặc biệt, cây bí xanh vẫn là cây trồng chủ lực của Khánh Hải với diện tích khoảng 80 ha, tập trung ở 2 HTX Đông Mai và Nhuận Hải. Một sào bí xanh cho năng suất trên dưới 1 tấn với giá bán bình quân 7 nghìn đồng/kg, như vậy doanh thu vào khoảng 7 triệu đồng, trong khi chi phí để trồng sào bí xanh chỉ khoảng 400- 450 nghìn đồng. Đặc biệt, bí xanh là một sản phẩm sạch vì chúng rất ít sâu bệnh và hầu như không phải sử dụng đến thuốc BVTV trong quá trình canh tác.
Một cái hay nữa là bí xanh thu hoạch xong có thể trữ trong nhà từ 1-2 tháng, nên không lo bị ép giá… Dựa trên những đặc điểm này, trong định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đảng ủy, chính quyền xã xác định sẽ quy hoạch mở rộng diện tích trồng bí xanh lên khoảng 110 ha, đồng thời tiến hành chuẩn hóa quy trình sản xuất để có được giấy chứng nhận vùng sản xuất an toàn cũng như xây dựng thương hiệu bí xanh Nhuận Hải, bí xanh Đông Mai, từ đó rộng đường để sản phẩm này đi vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích hay chuỗi chế biến.
Còn tại xã Khánh Thành, một trong hai xã của tỉnh đi trước thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua xã đã được 3 cán bộ kỹ thuật ở 3 lĩnh vực chuyên môn là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản của Sở Nông nghiệp & PTNT xuống "nằm vùng" giúp đỡ, hướng dẫn người dân trong xã cách chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, đảm bảo hiệu quả kinh tế cũng như độ an toàn của tất cả các nông sản làm ra.
Nhận thức của người dân về quyền lợi và trách nhiệm của người sản xuất, sự cần thiết phải sản xuất nông sản sạch được nâng lên thông qua các buổi tuyên truyền, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hiện nay Khánh Thành đã hình thành được 3 vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap với quy mô diện tích 130 ha. Toàn bộ sản phẩm được Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, tại Khánh Thành cũng đã có một vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, mà HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành đứng ra quản lý.
Các thành viên khi tham gia đều phải ký cam kết sản xuất rau sạch theo đúng quy trình kỹ thuật từ đất trồng, nước tưới, phân bón, sử dụng thuốc BVTV, đến khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển hàng đi tiêu thụ, đảm bảo sản phẩm khi cung cấp ra thị trường là rau sạch, rau an toàn.
Đồng thời, HTX có sự điều phối giữa các thành viên để đa dạng nhiều loại sản phẩm khác nhau tránh trường hợp bị thương lái ép giá và đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Có sản phẩm tốt, làm ra đến đâu, tiêu thụ hết ngay đến đấy, đến nay diện tích rau an toàn của HTX đã mở rộng gần gấp đôi, từ 15 ha ban đầu lên 25 ha, với số thành viên là 45 hộ, tăng 15 hộ so với ban đầu.
Nhân rộng mô hình cho giá trị kinh tế cao
Hơn 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, vượt qua khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, các hiện tượng của thời tiết cực đoan, thị trường tiêu thụ … ngành Nông nghiệp tỉnh ta phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng ổn định, bình quân trên 2%/năm, riêng năm 2016 tăng 2,7% và năm 2017 dự kiến sẽ là 2,2%, đạt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác liên tục tăng qua các năm, năm 2016 đạt 108,3 triệu đồng, năm 2017 đạt 110 triệu đồng.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã dần đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm hàng hóa; hình thành các mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ, làm tiền đề cho liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Nông dân đã tăng cường đưa tiến bộ khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất.
Có thể kể ra đây là việc áp dụng kỹ thuật gieo thẳng trong sản xuất lúa, năm 2015 diện tích gieo thẳng toàn tỉnh đạt 20%, năm 2017 đạt gần 40%, dự kiến đến năm 2020 đạt 50% tổng diện tích. Lúa gieo thẳng tiết kiệm công lao động, dễ áp dụng cơ giới hóa, năng suất ổn định… do vậy giá trị cao hơn lúa cấy từ 5-10%.
Ngoài ra, diện tích lúa chất lượng cao, lúa đặc sản theo hướng an toàn, VietGap cũng được mở rộng, hiện chiếm khoảng 50% tổng diện tích lúa; riêng mô hình lúa VietGap có khoảng 200 ha, đem lại hiệu quả cao hơn so với lúa thông thường từ 10-20%. Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất mới chuyển đổi từ đất 2 lúa, màu, màu đồi kém hiệu quả cũng đã được hình thành như mô hình lúa - cá; chuối - cá; ổi - cá… Hiệu quả đạt từ 300-500 triệu đồng/ha/năm.
Mô hình thủy sản ao nổi ở Gia Viễn, Kim Sơn cũng cho giá trị từ 400-500 triệu đồng/ha/năm. Mô hình tái cơ cấu nông nghiệp cấp xã ở Khánh Thành và Yên Thái cho hiệu quả cao, giá trị sản xuất tăng bình quân 3%/năm, 1ha canh tác đạt 130-140 triệu đồng/ha/năm… đã khẳng định đây là bước đi đúng hướng và sẽ tiếp tục nhân rộng ra 13 xã cho giai đoạn 2017-2020.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp, trên cơ sở đó thực hiện quy hoạch chi tiết vùng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao theo sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của từng địa phương. Đánh giá, tổng kết các mô hình, chương trình dự án có hiệu quả làm cơ sở nhân ra diện rộng. Đồng thời tiếp tục triển khai các mô hình đảm bảo các tiêu chí: Có hợp đồng tiêu thụ, có ứng dụng khoa học công nghệ, có khả năng nhân rộng.
Tổng kết mô hình tái cơ cấu cấp xã theo hướng sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm tại Khánh Thành và Yên Thái, từ đó làm cơ sở nhân ra 13 xã khác cho giai đoạn 2018-2020. Tiếp tục chuyển đổi nhanh diện tích đất trồng lúa, đất màu, màu đồi kém hiệu quả trong quy hoạch của từng địa phương sang sản xuất các loại cây, con có giá trị kinh tế cao hơn, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững.
Bài, ảnh: Hà Phương - Đức Lam