Ông Trần Khắc Cường (67 tuổi-thôn Đồng Bông) thuộc thế hệ thứ hai của đội bóng Quảng Lạc, cùng thời với lớp các cầu thủ Bùi Văn Khánh, Bùi Văn Biên (Quảng Cư), Bùi Xuân Dong, Bùi Văn Hoạt, Bùi Văn Thi, Bùi Văn Hùng (Đồng Bài)...Ông Cường lúc thanh niên là người có sức khỏe tự nhiên, ông từng tham gia đoàn vận động viên tỉnh Ninh Bình đi thi giải Việt dã toàn miền Bắc. Về thứ hạng ông xếp thứ nhì toàn tỉnh sau vận động viên tên Bốn (thôn An Ngải), và thứ 15 toàn miền Bắc (vào năm 1969). Vì to khỏe nên ở đội Quảng Lạc ông thường được xếp đá vị trí hậu vệ thòng. Nhiều cầu thủ lớp ông còn nhớ những trận giao lưu với các đội khác, nhiều tiền đạo rất ngại phải đối mặt với ông.
Trong ký ức của mình, cựu tuyển thủ Trần Khắc Cường nhớ như in những lần ông cùng đồng đội đạp xe xuống sân BLăng (sân vận động tỉnh Ninh Bình) thi đấu. Với ông và các bạn, việc được xuống thị xã Ninh Bình thi đấu lúc bấy giờ là một niềm vinh hạnh đặc biệt.
Đến ngày thi đấu bao giờ cũng đạp xe xuống thị xã rất sớm, để được dạo quanh phố phường, có dịp ngó nghiêng thứ này thứ kia, được hít thở không khí ồn ào của phố thị, nơi mà mọi thứ đều như rất lạ với đa số người dân xóm núi Đồng Bông của ông.
Ông Nguyễn Ngọc Tín (thôn Đồng Bài, thế hệ thứ 3) đội Quảng Lạc bồi hồi nhớ lại: vào những năm 1967-1968, lúc ấy đội bóng Quảng Lạc "nổi tiếng" đến nỗi nhiều đội khác thưởng mời đến đá giao hữu. Mỗi người với chiếc xe đạp "tòng tọc", không phanh, không chuông, không gác đờ bu, rong ruổi thi đấu. Gần thì sang Phú Long, Kỳ Phú, xa có khi xuống mãi Tam Điệp hay trường Công nhân cơ giới Bộ Thủy Lợi.
Ông còn nhớ trận thi đấu với các đội bóng áo lính, vì đội đá quá hay, vị thủ trưởng cơ quan vui tính, hào phóng còn mời cả đội Quảng Lạc vào bếp ăn của trường dùng cơm và chiêu đãi cả đội mỗi người một chai bia Trúc Bạch. Nên nhớ, vào thời kỳ ấy, lúc "cả nước ăn bo bo", việc cả đội bóng được thưởng thức món bia Trúc Bạch lúc ấy là một kỳ tích.
Đội bóng Quảng Lạc không chỉ nổi tiếng bởi đá hay mà còn rất được chú ý bởi cả đội hầu hết các cầu thủ đều là giáo dân người Mường. Chính bởi lẽ đó ngoài việc họ được mời đi đá giao lưu phong trào các cơ quan, đơn vị, thì đội bóng Quảng Lạc còn đi thi đấu với nhiều các đội bóng của các giáo xứ khác. Có những mùa giải các cầu thủ Quảng Lạc "du đấu" tận giáo xứ Bạch Liên (Yên Thành), Quảng Nạp (Yên Thắng)...
Những trận bóng như vậy, khi nghe tiếng có các cầu thủ Quảng Lạc xuống thi đấu, người dân rùng rùng kéo nhau đi xem, ngồi chật cả sân cỏ. Những trận bóng đá có cầu thủ Quảng Lạc đôi khi trở thành những "sự kiện" của quần chúng, trở thành kỷ niệm rất đẹp trong lòng nhiều thế hệ người dân.
Đa phần các tuyển thủ thuộc thế hệ ông Nguyễn Ngọc Tín nay cũng đã luống tuổi. Cũng như nhiều thanh niên thế hệ họ, các danh thủ Quảng Lạc bấy giờ "kẻ khoác ba lô đi bảo vệ non song/ người cuốc cày mưa năng ngoài đồng". Họ đã chiến đấu và sản xuất, bảo vệ và xây dựng quê hương.
Khi phóng viên ngồi biên chép lại những tư liệu này tại tư gia tuyển thủ Nguyễn Ngọc Tín thì phía mé tả ngôi nhà ông đang ở, trời chiều đã đổ bóng, nhưng trận bóng giữa thanh niên 2 thôn Đồng Bài và Đồng Bông trên sân Đồng Bài vẫn đang tiếp diễn.
Đám cầu thủ trẻ thuộc CLB bóng đá thanh niên Quảng Lạc cũng không nhiều người biết rằng, sân bóng ngày nay đang đá trước kia là những mảnh ruộng bậc thang.
Chính anh Bùi Thanh Mạnh, nguyên cán bộ văn hóa xã (lớp cầu thủ thế hệ thứ 3 của Quảng Lạc) đã cùng các đồng đội xin UBND xã mảnh ruộng bậc thang, san ruộng làm sân bóng. Khu sân mà nay các thanh niên đang chơi bóng đã có lịch sử và được trao lại từ các cầu thủ thế hệ đi trước.
Dẫu các thanh thiếu niên về sau không biết nhiều về bóng đá Quảng Lạc nhưng có điều gần như chắc chắn cái "máu bóng đá" niềm đam mê ấy của lớp người đi trước vẫn được họ kế thừa một cách nguyên vẹn. Bằng chứng là trên các sân bóng Quảng Lạc không khí bóng đá chưa bao giờ bớt đi sức "nóng".
Quảng Lạc hiện có 8 thôn, thì có 8 đội bóng nam, 4 đội bóng nữ với 3 thế hệ cùng tham gia?
Phương Nam