Phóng viên (P.V): Đồng chí có thể đánh giá khái quát những thành tựu nổi bật mà ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh ta đã đạt được?
Đồng chí Trần Quang Ánh: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp có hiệu quả của các Sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu nổi bật trong năm học 2011-2012.
Cụ thể là, quy mô trường, lớp các cấp học được duy trì, ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; số lượng trẻ được huy động đến trường mầm non tiếp tục tăng, 100% trẻ 5 tuổi đến trường. Tiến độ thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi được đẩy mạnh; đã có 85 xã (chiếm 58,2%) và 2 đơn vị cấp huyện là thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 theo tiêu chí mới; chất lượng phổ cập giáo dục THCS được nâng cao.
Cơ sở vật chất các nhà trường được tăng cường, từng bước đáp ứng yêu cầu dạy và học; tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 82,6% (năm trước là 80,9%); trong năm học, có thêm 22 trường học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia các mức độ, nâng tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia lên 326 trường, đạt tỷ lệ 69,4%.
Ninh Bình là đơn vị thứ 3 trong cả nước có tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia cao nhất. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học cơ bản đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên, tỷ lệ đạt chuẩn trở lên chiếm 99,6%, trên chuẩn đạt 60%.
Chất lượng giáo dục phổ thông có chuyển biến tích cực, tỷ lệ xếp loại giáo dục khá, giỏi ở cấp tiểu học đạt 80,24% (cao hơn năm học trước 3,24%); tốt nghiệp THCS đạt 98,86%, trong đó đạt khá, giỏi chiếm 52,3%; tốt nghiệp THPT đạt 99,93%, trong đó đạt khá, giỏi chiếm 28,2% (tăng 7,85% so với năm học trước); tốt nghiệp bổ túc THPT đạt 99,28%.
Tham gia các cuộc thi cấp quốc gia đạt kết quả cao. Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 THPT có 52/64 thí sinh dự thi đạt giải (đạt 81,25% - tỷ lệ đoạt giải cao nhất từ trước đến nay); tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII giành được 20 huy chương, trong đó có 5 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 12 huy chương đồng, đạt thành tích cao nhất trong các kỳ tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc từ trước đến nay.
Học sinh thi đỗ vào các trường đại học năm 2012 có 11 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên (trong đó có 1 học sinh là em Phạm Thị Linh Nhâm - Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy đỗ thủ khoa trường Đại học Y Thái Bình với 28 điểm và 1 học sinh thi 2 trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Y Hà Nội đều đạt 27,5 điểm là Phạm Thị Trang Nhung- Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy)...
Phóng viên: Năm học 2012-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tập trung vào 4 nhóm giải pháp?, đồng chí có thể nói rõ hơn về 4 nhóm giải pháp này?
Đồng chí Trần Quang Ánh: Thực hiện Chỉ thị số 2737/CT-BGD-ĐT ngày 27-7-2012 của Bộ Giáo dục - Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2012-2013, ngành đã cụ thể hóa những tồn tại, hạn chế trong năm học vừa qua thành các giải pháp tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tháo gỡ, đồng thời chỉ đạo các đơn vị cấp dưới khắc phục trong thời gian tới.
Các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản trong năm học tới được tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý bằng việc tiếp tục quán triệt và thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giáo dục; đổi mới hoạt động thanh tra; tăng cường kiểm tra, giám sát việc công khai chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo, quản lý thu - chi tài chính, quản lý công tác tuyển sinh đầu cấp; tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tự kiểm tra của các cơ sở giáo dục...
Đối với giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Chỉ đạo đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới phương pháp dạy học; dạy học phân hóa trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông.
Tăng cường thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi; tìm giải pháp phù hợp, chỉ đạo chặt chẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn học sinh giỏi dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia; củng cố kiến thức, tổ chức luyện thi có hiệu quả cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng tốt nghiệp THPT và chất lượng tuyển sinh đại học năm 2013. Tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện "Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020".
Về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tiếp tục bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, tăng cường phương pháp kỷ luật tích cực trong nhà trường cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với nhà giáo; chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện bảo hiểm xã hội cho giáo viên mầm non.
Đẩy mạnh đào tạo trên chuẩn cho giáo viên THPT và tương đương. Chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo tích cực tham mưu với UBND cấp huyện đảm bảo đúng tỷ lệ giáo viên/lớp, đủ chủng loại, đạt chuẩn theo quy định trong các trường mầm non, tiểu học, THCS.
Với giải pháp phát triển mạng lưới trường, lớp; công tác kế hoạch, tài chính và tăng cường cơ sở vật chất, tích cực tham mưu triển khai thực hiện Đề án xây dựng Trường THPT chuyên tỉnh Ninh Bình theo Quyết định số 1073/QĐ-UBND ngày 13-12-2010 của UBND tỉnh; chăm lo phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, củng cố, duy trì nâng mức chuẩn các trường đã đạt chuẩn Quốc gia gắn với nhiệm vụ xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao các cấp học tại mỗi địa phương.
Tiếp tục tham mưu với HĐND, UBND tỉnh xây dựng Đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020, đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục; chỉ đạo chuyển đổi trường THPT dân lập sang loại hình trường tư thục.
P.V: Ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã chuẩn bị các điều kiện cho ngày khai giảng và sẵn sàng vào năm học mới như thế nào?
Đồng chí Trần Quang Ánh: Sở đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 329/QĐ-UBND ngày 28-6-2012 về kế hoạch thời gian năm học 2012-2013 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong trường học năm học 2012-2013; chỉ đạo dạy học chính khóa năm học mới đối với giáo dục mầm non, phổ thông và GDTX từ ngày 13-8-2012.
Hiện tại, Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ năm học mới, tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ theo cấp học và lĩnh vực công tác; chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch năm học.
Trong dịp hè, Sở đã cử cán bộ, giáo viên cốt cán tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên các cấp học bổ sung kiến thức chuẩn bị cho năm học mới; tổ chức bồi dưỡng chính trị hè năm 2012 cán bộ cốt cán toàn ngành. Kiện toàn tổ chức, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tuyển dụng viên chức theo chính sách thu hút của tỉnh và hợp đồng giáo viên.
Các điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất phục vụ cho dạy học đã cơ bản đảm bảo đủ, sẵn sàng cho năm học mới 2012-2013. Không có đơn vị nào gặp khó khăn về điều kiện dạy học. Sở đang tích cực chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị tổ chức khai giảng vào ngày 5-9-2012.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí
Mỹ Hạnh (Thực hiện)