Gần đây, phương pháp bốc hơi lưỡng cực cũng đã bắt đầu được áp dụng vào trong điều trị u phì đại tuyến tiền liệt, nhưng mới chỉ hạn chế ở một số trung tâm lớn, chưa phổ biến rộng rãi, cũng chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ về kỹ thuật này được công bố.
Từ thực tế trên, Bệnh viện Quân y 5 phối hợp với Hội Tiết niệu thận học Việt Nam nghiên cứu thực hiện đề tài: "Nghiên cứu kết quả điều trị u phì đại tuyến tiền liệt bằng phương pháp bốc hơi lưỡng cực".
Được biết, cắt tuyến tiền liệt qua nội soi niệu đạo đã thực hiện tại Mỹ vào những năm 1920. Trải qua nhiều thập kỷ, kỹ thuật cũng như dụng cụ phẫu thuật ngày càng hoàn thiện, nên kỹ thuật này được coi là chuẩn vàng cho các bệnh nhân u phì đại tuyến tiền liệt có chỉ định phẫu thuật.
Tuy nhiên, cắt tuyến tiền liệt qua nội soi niệu đạo sử dụng năng lượng điện đơn cực, nên tồn tại những nhược điểm như: tình trạng hấp thụ dịch rửa trong phẫu thuật gây nên hội chứng nội soi, chảy máu, hẹp niệu đạo, tổn thương cơ thắt ngoài, thời gian lưu thông tiểu và thời gian nằm viện dài, rối loạn cương dương.
Năm 1995, ngành y học có thêm phương pháp bốc hơi lưỡng cực điều trị bệnh u phì đại tuyến tiền liệt được kỳ vọng là giảm mất máu, giảm ngày lưu thông tiểu và số ngày nằm viện, trong khi vẫn đảm bảo được hiệu quả điều trị.
Phương pháp bốc hơi lưỡng cực sử dụng dung dịch nước muối đẳng trương làm dịch rửa thay cho các dung dịch nhược trương như Glycerin hoặc Manitol nên giảm nguy cơ xảy ra hội chứng nội soi; không có dòng điện chạy qua cơ thể bệnh nhân nên giảm nguy cơ bỏng điện, hẹp niệu đạo hay xơ cổ bàng quang sau phẫu thuật và an toàn với những bệnh nhân có mang các thiết bị tạo nhịp tim; tạo ra một lớp tế bào bị đông đặc, tác dụng cắt (bốc hơi) và đốt (đông đặc), đồng thời làm tăng cường khả năng cầm máu trong khi cắt đốt tuyến tiền liệt, làm giảm mất máu và tỷ lệ phải truyền máu.
Tại Việt Nam, bốc hơi lưỡng cực cũng đã bắt đầu được áp dụng vào trong điều trị UPĐTLT. Là kỹ thuật mới được áp dụng trong điều trị UPĐTLT, mới chỉ áp dụng ở ngoài nước và mới chỉ hạn chế ở một số trung tâm lớn, chưa phổ biến rộng rãi; mà một trong những lý do đó là chưa có chỉ định, quy trình hướng dẫn cụ thể cho kỹ thuật này.
Tiến sỹ Trần Đình Hưng-chủ nhiệm đề tài cùng các cộng sự khoa ngoại (Bệnh viện Quân y 5) đã tiến hành thực hiện đề tài trong 18 tháng (từ tháng 1/2017-6/2018), đến nay đã cho kết quả tốt. Chủ nhiệm đề tài chia sẻ: Hiện nay, cắt tuyến tiền liệt qua nội soi niệu đạo được coi là tiêu chuẩn vàng cho các bệnh nhân u phì đại tuyến tiền liệt có chỉ định phẫu thuật.
Tuy nhiên, phương pháp này sử dụng năng lượng điện đơn cực nên có những nhược điểm như: tình trạng hấp thụ dịch rửa trong phẫu thuật gây nên hội chứng nội soi, chảy máu, hẹp niệu đạo, tổn thương cơ thắt ngoài, thời gian lưu thông tiểu và nằm viện dài, rối loạn cương dương và nguy hiểm với những bệnh nhân có mang các thiết bị tạo nhịp tim.
Thực hiện đề tài, nhóm tác giả đã phối hợp với Hội Tiết niệu thận học Việt Nam, mời chuyên gia về hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật (10 trường hợp đầu tiên), hỗ trợ máy đo niệu dòng đồ UROCAP II của Hoa Kỳ, hệ thống TURis bao gồm: nguồn phát UES-40 SurgMaster, bộ máy cắt/đốt tuyến tiền liệt 26F, quai cắt lưỡng cực, và điện cực bốc hơi "hình nấm".
Đảm bảo yêu cầu nghiên cứu thực hiện đề tài, đã có 40-50 bệnh nhân được lựa chọn. Nhóm thực hiện đề tài thực hiện tốt các quy trình an toàn khoa học kỹ thuật: đánh giá các triệu chứng chủ quan, khách quan trước mổ, tiếp nhận và làm chủ kỹ thuật bốc hơi lưỡng cực tiền liệt tuyến, chăm sóc, theo dõi và ghi nhận chính xác các chỉ số sau mổ, theo dõi sát, kịp thời xử trí các tai biến sau mổ, gọi bệnh nhân tái khám ghi nhận đầy đủ các chỉ số cần theo dõi: IPSS, QoL, siêu âm, niệu dòng đồ.
Kết quả các nghiên cứu cho thấy đây là kỹ thuật an toàn, hiệu quả điều trị tốt, hơn nữa tiết kiệm chi phí khoảng 30% so với bệnh nhân điều trị ở tuyến trên.
Hội tiết niệu thận học Việt Nam đánh giá, đối với lĩnh vực KH&CN có liên quan, đề tài này góp cho chuyên ngành phẫu thuật tiết niệu có thêm một sự lựa chọn trong điều trị u phì đại tuyến tiền liệt an toàn, hiệu quả. Đối với tổ chức chủ trì và các cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu, đề tài phát triển thêm được kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng điều trị và phục vụ bệnh nhân.
Bài, ảnh: Minh Đường