Dự và làm việc với Bộ trưởng có đồng chí: Phan Tiến Dũng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện Sở Thông tin và truyền thông; Báo Ninh Bình, Đài PT-TH tỉnh và đại diện các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo của Sở Thông tin và truyền thông cho thấy: Trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính và 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. Về lĩnh vực truyền thông, tỉnh có Báo Ninh Bình, Đài PT-TH, Tạp chí Văn nghệ và Công ty cổ phần in. Kết quả công tác quản lý về thông tin và truyền thông: Về bưu chính viễn thông: Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo thông tin liên lạc, phục vụ các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội, phục vụ công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, an ninh quốc phòng cũng như các sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Về công nghệ thông tin, Sở đã thực hiện hướng dẫn sử dụng và bàn giao đĩa cho các đơn vị triển khai cài đặt và sử dụng phần mềm văn phòng Microsoft tại các cơ quan, sở, ban, ngành, UBND cấp huyện. Về báo chí- xuất bản: thời gian qua Sở đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí ở địa phương hoạt động đúng định hướng chính trị của cấp ủy Đảng. Báo chí đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nội dung và hình thức thể hiện của báo chí trên địa bàn đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của độc giả, khán, thính giả trong và ngoài tỉnh… Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng được Sở Thông tin và truyền thông quan tâm đẩy mạnh. Từ đầu năm 2009, đến nay đã kiểm tra 112 đại lý Internet và 18 cửa hàng kinh doanh điện thoại di động sử dụng Internet trên địa bàn tỉnh. Đã nhắc nhở và chấn chỉnh các vi phạm của các đại lý, cửa hàng, xử phạt vi phạm hành chính 29 đối tượng, phạt 36 triệu đồng. Do đó, hoạt động của các đơn vị thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh luôn được duy trì và phát triển, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Mạng bưu chính đã có 163 điểm phục vụ, 100% số xã, phường, thị trấn có báo đọc trong ngày. Viễn thông và Internet tăng trưởng mạnh, đến hết tháng 3/2009, tổng số máy điện thoại trên địa bàn tỉnh là 470.285 thuê bao, đạt 50 máy/100 dân, các doanh nghiệp đã xây dựng được 340 trạm BTS. Doanh thu bưu chính viễn thông của các doanh nghiệp trên địa bàn năm 2008 đạt 287,76 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2007, nộp ngân sách và các khoản thuế, phí, lệ phí trên 7 tỷ đồng. Về truyền thông, các cơ quan báo chí đã bám sát nhiệm vụ chính trị, các sự kiện, những vấn đề phát sinh trong đời sống hàng ngày để thông tin nhanh, kịp thời về diễn biến tình hình của tỉnh, của đất nước và quốc tế…
Đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông, một số doanh nghiệp bưu chính viễn thông trên địa bàn, cơ quan báo chí đã phát biểu ý kiến kiến nghị một số vấn đề liên quan đến hoạt động thông tin và truyền thông như: tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ chuyên viên, đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo chí; có kế hoạch hỗ trợ nguồn kinh phí từ Trung ương cho tỉnh để triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý Nhà nước giai đoạn 2009 - 1010; có chính sách đãi ngộ để tuyển dụng và thu hút những người được đào tạo chính quy về CNTT về địa phương làm việc; hỗ trợ họat động viễn thông hoạt động hiệu quả hơn; quan tâm công tác quy hoạch phủ sóng PT-TH, vấn đề bản quyền các chương trình truyền hình, tác phẩm âm nhạc…
Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của đại diện các cơ quan, đơn vị và đề nghị các đơn vị trong lĩnh vực thông tin, truyền thông cần quan tâm đến các vấn đề: Để thực hiện chiến lược Quốc gia đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT, phấn đấu đến năm 2015 là 1 trong 50 nước có nền CNTT hiện đại, các địa phương, đơn vị phải quan tâm thực hiện tốt việc phát triển hạ tầng, đưa thiết bị nghe và nhìn về các hộ gia đình và cá nhân, đẩy mạnh công tác đào tạo, tổ chức chính phủ điện tử thông suốt từ Trung ương đến địa phương; có chính sách đột phá và dồn sức đưa ngành bưu chính viễn thông phát triển mạnh; làm tốt công tác quản lý báo chí để báo chí là công cụ hữu hiệu của công tác quản lý Nhà nước với các nội dung: quy hoạch lại hoạt động báo chí, quan tâm công tác giao ban báo chí chặt chẽ, thường xuyên, có chế độ cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí và xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật…
Thay mặt UBND tỉnh Ninh Bình, đồng chí Phan Tiến Dũng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cảm ơn Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đã quan tâm động viên, chia sẻ và giúp đỡ đối với những hoạt động thông tin, truyền thông của tỉnh. Với trách nhiệm của tỉnh, UBND tỉnh sẽ quan tâm giải quyết những kiến nghị thuộc trách nhiệm của địa phương như việc bố trí biên chế, đầu tư trang bị trụ sở, điều kiện làm việc của Sở Thông tin và truyền thông… Đối với những kiến nghị thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành ở Trung ương, tỉnh đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông xem xét, giải quyết.
Lý Nhân - Thế Minh